Ghi nhận thực tế cho thấy, mặc dù dự án đã được UBND thành phố phê duyệt từ nhiều năm nay và đã có nhà đầu tư là Tổng công ty Ðầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), nhưng đến nay dự án bãi đỗ xe ngầm nằm dưới Công viên Tao Ðàn (có quy mô ba tầng hầm chứa 600 chỗ cho ô-tô và khoảng 3.000 xe hai bánh và khu kinh doanh dịch vụ) vẫn là một sân bóng đá không hơn không kém. Theo đó, dự án bãi đỗ xe ngầm tại đây đang phải "án binh bất động" do vướng rất nhiều thủ tục và cả nhà đầu tư chưa có khả năng xây dựng.
Cách đó không xa, dự án bãi đỗ xe ngầm nằm dưới sân khấu Trống Ðồng (có quy mô chín tầng hầm chứa khoảng 560 xe ô-tô và ba tầng nổi dành cho thương mại dịch vụ) do Công ty TNHH Tập đoàn Ðông Dương làm chủ đầu tư vẫn chưa có dấu hiệu khởi công xây dựng. Trong khi đó, bãi đỗ xe ngầm dưới sân vận động Hoa Lư (quy mô năm tầng hầm có sức chứa 1.500 ô-tô, 500 xe máy) cũng do Công ty này làm chủ đầu tư, đang khó có khả năng thực hiện. Bởi đầu năm 2013, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Ðông Dương Nguyễn Văn Lộc đã có văn bản gửi UBND thành phố cho biết, các đối tác dự kiến cùng tham gia dự án này đã xin rút với lý do gặp nhiều khó khăn về tài chính. Cụ thể, Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và Cấp thoát nước (Waseco - đơn vị góp 18% vốn vào dự án) khẳng định bằng văn bản thôi không tham gia góp vốn đầu tư dự án bãi đỗ xe ngầm sân vận động Hoa Lư nữa với lý do công ty đang gặp nhiều khó khăn về tài chính. Tiếp đến là Công ty Ðầu tư tài chính nhà nước (góp 12% vốn) cũng xin rút lui khỏi dự án trên cũng với lý do tương tự. Việc rút khỏi dự án của nhà đầu tư này khiến Công ty Ðông Dương phải tìm nhà đầu tư có tiềm lực khác thay thế. Chính vì thế, đơn vị đầu tư dự án này đã đề xuất lên UBND thành phố phương án tạm hoãn triển khai dự án bãi đỗ xe ngầm sân vận động Hoa Lư cho đến khi tìm được đối tác mới.
Hiện chỉ có duy nhất dự án bãi đỗ xe ngầm dưới Công viên Lê Văn Tám là có thể thực hiện được. Ðây là dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương và cho phép Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) làm chủ đầu tư từ năm 2005 theo hình thức BOT. Dự án có vốn đầu tư khoán gọn hơn 100 triệu USD, gồm một bên là năm tầng hầm chứa khoảng 2.000 xe máy, 1.250 ô-tô, 28 xe buýt, xe tải và một bên là ba tầng hầm, làm thương mại. Tuy nhiên, theo ông Lê Tuấn, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc IUS, mặc dù công ty đã hoàn tất thu xếp tài chính cho dự án từ hơn 15 tháng nay, đồng thời cũng đã hoàn tất hầu hết các thủ tục đầu tư, thiết kế, phòng cháy, chữa cháy, kết nối hạ tầng kỹ thuật, di dời và bảo dưỡng cây xanh... và cũng đã được cấp giấy quyền sử dụng đất, nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công công trình do vướng thủ tục xin giấy phép xây dựng.
Theo ông Lê Tuấn, sau khi điều chỉnh thiết kế cơ sở (đã được Bộ Xây dựng thẩm định phê duyệt năm 2006) và lập thiết kế thi công với những giải pháp hiệu chỉnh cụ thể về kiến trúc, kỹ thuật cơ điện, phòng cháy, chữa cháy và kết cấu..., IUS đã được Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho công văn hướng dẫn và đề nghị IUS "phải có trách nhiệm lập, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng và lập thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo đúng quy định hiện hành tại khoản 1 Ðiều 3 và Ðiều 10 Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20-12-2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định 64/2012/NÐ-CP ngày 4-9-2012 của Chính phủ về cấp phép xây dựng". Sở Xây dựng cũng đã lập lại yêu cầu này tại văn bản 5302/SXD-CPXD ngày 22-7-2013, cho dù UBND thành phố đã nhiều lần chỉ đạo thúc đẩy nhanh tiến độ dự án.
Trong khi đó, theo ông Lê Tuấn, nếu theo quy định tại khoản 1.b Ðiều 19 Nghị định 12/2009/NÐ-CP ngày 10-2-2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, thì dự án này là "công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt" không thuộc diện phải có giấy phép xây dựng và không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư 10/2012/TT-BXD, nên chủ đầu tư không phải lập thủ tục đề nghị cấp phép xây dựng khi các điều chỉnh thiết kế cơ sở không làm thay đổi kết cấu chính và hệ thống kỹ thuật hạ tầng. "Việc thực hiện các thủ tục pháp lý để xin giấy phép xây dựng như quy định tại Ðiều 20 Nghị định số 12/2009/NÐ-CP ngày 10-2-2009, một khi chủ đầu tư có thiết kế cơ sở được thẩm định là khá dễ dàng và thời gian mà chủ đầu tư và Sở Xây dựng cần chỉ khoảng hai, ba tuần. Trong khi đó, việc lập thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Thông tư số 10/2012/TT-BXD là rất phức tạp, chủ đầu tư sẽ mất khoảng hơn mười tháng để thực hiện, sau khi thiết kế cơ sở đã được thẩm duyệt. Vì vậy, dự án không thể khởi công trong quý III/2013 như UBND thành phố chỉ đạo và IUS đã cam kết" - ông Tuấn cho biết. "Nếu các ngành chức năng cho phép thực hiện theo Nghị định 12/2009/NÐ-CP thì công ty cam kết sẽ khởi công đúng tiến độ, còn nếu thực hiện theo Nghị định 64/2012/NÐ-CP thì thời gian phụ thuộc vào tiến độ phê duyệt và dự án khó có thể có giấy phép xây dựng sớm hơn tháng 7-2014"- ông Tuấn khẳng định.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành giao thông, với tiến độ và vướng mắc hiện nay của các bãi đỗ xe ngầm, nếu TP Hồ Chí Minh và Chính phủ không có quy chế riêng, ưu tiên giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư, thì còn lâu các dự án bãi đỗ xe ngầm mới trở thành hiện thực.