Nhiều quốc gia bắt buộc nhân viên y tế tiêm ngừa Covid-19

NDO -

Số ca mắc mới tăng mạnh do sự nguy hiểm của biến thể Delta và tốc độ tiêm chủng chậm lại khiến nhiều chính phủ quyết định bắt buộc nhân viên y tế - nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao - phải tiêm ngừa Covid-19.

"Thẻ xanh" của một người lao động làm việc tại Rome, Italy. (Ảnh: Reuters)
"Thẻ xanh" của một người lao động làm việc tại Rome, Italy. (Ảnh: Reuters)

Chính phủ Italy ngày 16/9 đã phê chuẩn một số biện pháp nghiêm ngặt nhất để chống dịch Covid-19. Theo đó, tất cả người lao động đều phải xuất trình bằng chứng đã tiêm ngừa Covid-19, kết quả xét nghiệm âm tính hoặc xác nhận đã khỏi bệnh trong thời gian gần đây.

Đây là nỗ lực mới nhất của Chính phủ do Thủ tướng Mario Draghi lãnh đạo trong việc thuyết phục người dân đi tiêm chủng và kiểm soát sự lây lan Covid-19 tại một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch này. 

Sắc lệnh mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/10. Bất cứ người lao động nào không xuất trình giấy chứng nhận y tế hợp lệ đều bị đình chỉ làm việc mà không được nhận lương, tuy nhiên người này sẽ không bị sa thải. Những người "phớt lờ" sắc lệnh nêu trên và cố tình đi làm sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt từ 600-1.500 euro (705-1.175 USD).

"Chưa có biện pháp nào giống như vậy được triển khai tại châu Âu... Chúng ta đang đặt mình lên tuyến đầu trên phương diện quốc tế", Bộ trưởng Hành chính công Italy Renato Brunetta cho biết.

Với hơn 130.000 người tử vong do Covid-19, Italy là quốc gia có số ca tử vong cao thứ ba tại châu Âu, đứng sau Nga và Anh. Khoảng 74% trong 60 triệu dân của nước này đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19, 68% đã tiêm chủng đầy đủ. 

Tháng 3 vừa qua, Italy đã yêu cầu nhân viên y tế tiêm vaccine, nếu không sẽ bị đình chỉ công việc. Theo Liên đoàn Bác sĩ của Italy, tính đến ngày 16/9, 728 bác sĩ đã phải tạm ngừng làm việc. 

Cùng ngày, Chính phủ Pháp cho biết khoảng 3.000 nhân viên y tế tại các bệnh viện, cơ sở dưỡng lão và trung tâm y tế buộc phải thôi việc do những người này không tuân thủ quy định tiêm vaccine ngừa Covid-19. Quy định bắt buộc tiêm chủng đối với nhân viên tại các cơ sở y tế ở Pháp có hiệu lực từ ngày 15/9.

Anh cũng sẽ yêu cầu nhân viên tại các viện dưỡng lão tại vùng England phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ tháng 10 tới. Các hộp đêm cũng như các cơ sở tụ tập đông người khác tại England sẽ yêu cầu khách hàng xuất trình chứng nhận tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 từ cuối tháng 9 này. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết, rất có thể Anh sẽ bắt buộc nhân viên y tế phải tiêm ngừa Covid-19. 

Trước đó, ngày 10/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố chính sách yêu cầu phần lớn nhân viên liên bang tiêm chủng và hối thúc các nhà lãnh đạo phải yêu cầu nhân viên của mình tiêm chủng hoặc xét nghiệm Covid-19 hằng tuần. Biện pháp mới này được áp dụng với khoảng 2/3 người lao động tại Mỹ, những người làm việc cho doanh nghiệp có hơn 100 người lao động. 

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 7 giờ ngày 17/9 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 227.795.418 ca mắc, 4.683.312 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực:
1. Châu Á: 73.573.708 ca mắc, 1.089.966 ca tử vong
2. Châu Âu: 57.299.764 ca mắc, 1.199.021 ca tử vong  
3. Bắc Mỹ: 51.182.101 ca mắc, 1.041.676 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 37.350.390 ca mắc, 1.144.612 ca tử vong
5. Châu Phi: 8.194.185 ca mắc, 205.522 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 194.549 ca mắc, 2.500 ca tử vong

Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 42.631.662 ca mắc, 688.475 ca tử vong
2. Ấn Độ: 33.380.522 ca mắc, 444.278 ca tử vong
3. Brazil: 21.069.017 ca mắc, 589.277 ca tử vong
4. Anh: 7.339.009 ca mắc, 134.805 ca tử vong
5. Nga: 7.214.520 ca mắc, 195.835 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN: 
1. Indonesia: 4.181.309 ca mắc, 139.919 ca tử vong 
2. Philippines: 2.304.192 ca mắc, 36.018 ca tử vong 
3. Malaysia: 2.049.750 ca mắc, 22.355 ca tử vong 
4. Thái Lan: 1.434.237 ca mắc, 14.953 ca tử vong 
5. Việt Nam: 656.129 ca mắc, 16.425 ca tử vong 
6. Myanmar: 440.741 ca mắc, 16.869 ca tử vong 
7. Campuchia: 102.136 ca mắc, 2.078 ca tử vong
8. Singapore: 74.848 ca mắc, 59 ca tử vong
9. Lào: 18.059 ca mắc, 16 ca tử vong 
10. Brunei: 4.675 ca mắc, 23 ca tử vong

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới