Lương, giáo đồng lòng
Tuyến đường huyện ĐH78 chạy qua xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) những ngày này như một công trường lớn rộn rã tiếng máy xúc, tiếng xe tải, tiếng cười, nói. Một không khí hồ hởi, phấn khởi bao trùm miền quê thuần nông, thường được người dân nơi đây gọi vui là “vùng sâu, vùng xa” của huyện.
Dịp này, khá nhiều đoàn công tác của tỉnh, của các địa phương về tham quan, tìm hiểu và học tập cách làm của cấp ủy, chính quyền nơi đây trong vận động, tuyên truyền người dân tự nguyện hiến đất, hiến ruộng, hiến ao để làm tuyến đường huyện kết nối từ đê hữu sông Luộc đến đường tỉnh ĐT452 có chiều dài 5,5km, tổng mức đầu tư hơn 34 tỷ đồng.
Giữa trưa nắng gắt, cán bộ địa chính xã Quỳnh Ngọc vẫn tận tình đưa phóng viên đến gặp gỡ, trò chuyện với giáo dân Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1950, ở thôn Tân Mỹ. Nụ cười đôn hậu, cái bắt tay mạnh và dứt khoát của những người chuyên đi thuyền, đi biển, ông Cường bắt chuyện ngay sau câu hỏi của chúng tôi: “Ông có nghĩ thiệt hơn khi hiến hàng trăm mét đất mặt đường với giá hàng tỷ đồng?”.
“Tôi nghĩ có lợi cho tất cả mọi người, trong đó có tôi. Đường liên huyện cơ mà, được đầu tư sớm lúc nào, mình được hưởng lúc đó, rồi để lại cho con cháu hưởng, thích quá chứ, chết cũng chẳng đem đi được”, ông nói.
Ở thôn Đông Châu, xã Quỳnh Ngọc, thương binh hạng ¾ Phạm Văn Vạn, 73 tuổi, cũng hiến 200 m đất ở và đất nông nghiệp để huyện Quỳnh Phụ thực hiện dự án, mà không đòi hỏi hỗ trợ hay bồi thường. Ông bộc bạch: “Bà nhà tôi và các con cũng đều thống nhất đóng góp để tuyến đường thêm khang trang. Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và các ban, ngành đoàn thể đến từng gia đình vận động, chúng tôi nhất trí ngay”.
Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Ngọc Phạm Văn Tập cho biết, chủ trương vận động nhân dân hiến đất làm đường liên huyện diễn ra rất nhanh và có sự đồng thuận cao. Ngày 9/7, Đảng ủy xã có Nghị quyết chuyên đề giao UBND xã xây dựng kế hoạch, quy trình, chỉ đạo ba chi bộ ở ba thôn có dự án đi qua là Đông Châu, Quỳnh Lang và Tân Mỹ họp triển khai, các ban, ngành vào cuộc.
Sau đó tuyên truyền chủ trương, nắm tư tưởng và vận động nhân dân, tập trung làm trước ở các hộ có diện tích bị ảnh hưởng lớn, sau đó đến các hộ nhỏ lẻ còn lại.
Ngày 21/7, xã Quỳnh Ngọc hoàn tất việc ký cam kết với 161/161 hộ dân tự nguyện góp đất cùng với nhà nước xây dựng công trình phúc lợi. Ngày 26/7, đã hoàn thành xong việc phá dỡ tường rào, thu gom tài sản trên đất, giải phóng mặt bằng để đơn vị thi công đổ đất, san nền làm đường giao thông. Trong thời gian này, linh mục nhà thờ xứ Tân Mỹ Bùi Đình Nguyện cũng hiến 300 m2 đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp để làm đường.
Cú huých từ một chủ trương đúng
Cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thái Bình, huyện Quỳnh Phụ trong những năm qua cũng thường “bị vướng” trong giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, nhất là các dự án giao thông. Để gỡ khó, đầu tháng 7, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Phụ đã ra thông báo kết luận về việc vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất cho Nhà nước không đòi lại để cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường huyện, đường liên xã do huyện làm chủ đầu tư.
Qua phân tích từ thực tế thi công các tuyến đường huyện cho thấy, chi phí giải phóng mặt bằng gồm: Tiền đền bù đất ở, đất nông nghiệp, tài sản trên đất chiếm từ 20% đến 40% tổng mức đầu tư. Khi công trình giao thông hoàn thành thì giá trị đất mặt đường được nâng lên, người dân địa phương sẽ được hưởng lợi.
Việc nhân dân tự nguyện góp quyền sử dụng đất cho Nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông do huyện làm chủ đầu tư thì tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các công trình nhanh hơn, kinh phí giải phóng mặt bằng giảm hẳn. Huyện có nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng các công trình giao thông và công trình phúc lợi khác; đồng thời việc làm này còn thể hiện ý thức trách nhiệm cao của người dân đối với xã hội.
Để cuộc vận động thật sự hiệu quả, huyện Quỳnh Phụ đề ra một nguyên tắc tạo thành cú huých lớn để chủ trương đi vào thực tiễn cuộc sống. Đó là, địa phương nào có 100% số hộ dân trên tuyến đường đồng thuận, tự nguyện góp quyền sử dụng đất để mở rộng đường huyện, đường liên xã thì được ưu tiên đầu tư xây dựng.
Huyện hỗ trợ tài sản xây dựng và cây trồng hình thành hợp pháp trên đất tự nguyện góp quyền sử dụng đất để làm đường giao thông. Khuyến khích, vận động người dân tự nguyện không nhận bồi thường, hỗ trợ tài sản xây dựng và cây trồng trên đất.
Ngoài ra, huyện Quỳnh Phụ thực hiện tái định cư cho người dân có nhu cầu (nếu diện tích còn lại sau khi tự nguyện góp đất không bảo đảm xây dựng nhà ở, dưới 30 m2 ở đô thị và 40 m2 ở nông thôn). Đối với các công trình công cộng, công trình phúc lợi khác, huyện khuyến khích các địa phương chỉ đạo thực hiện vận động nhân dân tự nguyện góp quyền sử dụng đất cho Nhà nước không đòi lại như công trình giao thông.
Ông Nguyễn Ngọc Nhường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quỳnh Phụ chia sẻ: Thường các dự án giao thông, thời gian làm thủ tục đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng mất cả năm trời.
Nhưng từ khi huyện có chính sách, có cơ chế vận động nhân dân góp quyền sử dụng đất đã tạo ra bước chuyển biến mới, khá tích cực, bởi suy cho cùng người dân bị ảnh hưởng bởi dự án về lâu dài đều là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên khi tuyến đường đưa vào sử dụng, nhất là về giá trị đất.
Cuộc vận động dù mới được triển khai, nhưng bước đầu tạo ra hiệu ứng tích cực, được nhân dân đón nhận hồ hởi, phấn khởi. Sau Quỳnh Ngọc, phong trào đã lan tỏa sang xã Quỳnh Hoàng, rồi Quỳnh Lâm, với 33 hộ dân hiến hàng trăm mét đất nông nghiệp để huyện triển khai làm đường ĐH78. Còn tại tuyến đường ĐH76, cũng đã có 49 hộ dân hiến đất thông qua việc góp quyền sử dụng đất để huyện có mặt bằng sạch thi công dự án.
Hiện nay, tại các xã An Ấp, An Vinh, hàng trăm hộ dân cũng đồng thuận hiến đất để được đầu tư đường giao thông trên địa bàn.