Sau thời gian nghiên cứu, TS Huỳnh Thế Du (Tiến sĩ quy hoạch, Đại học Harvard) đại diện cho Liên danh tư vấn VNI đã trình bày Dự án tư vấn xây dựng quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, dự án lồng ghép 6 trụ cột trong 37 nhiệm vụ quy hoạch tỉnh và đề xuất mô hình 6 trụ cột và 9 mục tiêu quy hoạch.
TS Huỳnh Thế Du cũng đồng thời đưa ra quy trình và công cụ quy hoạch không gian, hạ tầng; thách thức trong việc chuyển đổi không gian; mục tiêu của chuyển đổi hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ trên không gian; tính kế thừa và đổi mới; thách thức và ý tưởng chiến lược phát triển giao thông vận tải và đô thị Bình Dương.
Liên danh đề ra cách thức triển khai gồm chiến lược hai động cơ; các bước trong triển khai quy hoạch cùng tiến độ triển khai. Trong đó, mục tiêu của dự án đến năm 2050 Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại và phát triển; thành phố trực thuộc Trung ương 4.0 thông minh, văn minh, hiện đại.
Theo các nghiên cứu của mình, tại Hội thảo, PGS,TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ) cho rằng, Bình Dương không dừng lại ở khái niệm tổ hợp công nghiệp dịch vụ mà chuyển đổi sang phát triển đô thị thông minh. Tới đây, hệ sinh thái phát triển của Bình Dương phải là hệ sinh thái phát triển vùng thông minh và sáng tạo trên nền tảng công nghệ số. Trong đó, nguồn nhân lực chủ yếu chính là nguồn lực sáng tạo trí tuệ, không gian được bảo đảm chính là yếu tố, cấu trúc số 1. Bình Dương sẽ phát triển là một xã hội công khai, minh bạch, hội tụ được sức mạnh vùng.
Thảo luận về vấn đề Bình Dương trong bối cảnh toàn vùng Thành phố Hồ Chí Minh và tứ giác động lực, theo TS Trần Du Lịch (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ) cho rằng, việc phát triển Bình Dương phải đặt trong mối quan hệ tứ giác kinh tế. Tứ giác kinh tế này dựa trên bình đẳng số đông, có cơ chế phù hợp sẽ trở thành động lực phát triển không chỉ khu vực phía nam mà cho cả nước. Tứ giác kinh tế cần phát triển dựa trên nền tảng các phương án phân bố lực lượng sản xuất cần phối hợp các địa phương; đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường kết nối vùng, vành đai 3, vành đai 4; xây dựng thị trường lao động chung cho cả vùng; giải quyết tình trạng môi trường.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Becamex IDC đã trao đổi với đơn vị tư vấn về các vấn đề Bình Dương có thể sắp phải đối mặt như bẫy thu nhập trung bình, quá tải hạ tầng giao thông vận tải, yêu cầu cấp thiết của việc phát triển kinh tế cân bằng... và đề nghị việc nghiên cứu công tác quy hoạch chiến lược tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của đơn vị tư vấn cần phải sát với hiện tại và phải thật sự hiệu quả.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, thành quả phát triển của tỉnh Bình Dương có ý nghĩa to lớn, tuy nhiên tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng đặt ra những thách thức lớn. Vì vậy, mục tiêu chiến lược quy hoạch tích hợp của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là duy trì được tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn đã là địa phương có thu nhập trung bình cao; trở thành vùng đất có thu nhập cao với GDP bình quân đầu người tối thiểu 12.000 USD/người/năm (theo Ngân hàng thế giới).
Nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác quy hoạch chiến lược tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đánh giá cao các ý kiến của đơn vị tư vấn và các chuyên gia nghiên cứu về Bình Dương và mong muốn, tỉnh tiếp tục nhận được các góp ý của các tiến sỹ, chuyên gia và các nhóm nghiên cứu trong thời gian tới.
Chiều cùng ngày, hội thảo tiếp tục được tổ chức với phần trình bày về Khung logic và nội dung chiến lược tích hợp cho quy hoạch tỉnh Bình Dương của Nhóm nghiên cứu chuyên gia Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia thuộc Bộ Xây dựng.
Thay mặt cho Nhóm nghiên cứu, PGS,TS,KTS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia đã trình bày về Khung logic và nội dung chiến lược tích hợp cho quy hoạch tỉnh Bình Dương với 7 bước gồm nghiên cứu tiếp cận dự án; hiểu hiện trạng-cơ sở dữ liệu-xác định nguồn lực phát triển; phân bổ không gian phát triển, các cấu trúc không gian động lực; tổ chức không gian lãnh thổ;…
Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia cũng đề xuất phát triển các cấu trúc không gian lớn như chuỗi đô thị động lực TOD, đô thị trí thức kết nối thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) và Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương theo động lực cánh Đông vùng, là đường sắt Cái Mép-Bình Phước; chuyển đổi hạ tầng dịch vụ công nghiệp và đô thị sang dịch vụ cho số đông-dựa vào động lực giao thông nhanh BRG và Metro Suối Tiên-Thành phố thông minh Bình Dương từ động lực Vành đai 3 và 4; chuyển đổi hạ tầng phát triển thành phố thông minh sang thành phố đa phương thức; số hóa không gian để quản lý phát triển theo công nghệ.