Nhiều chính sách nhân văn đến với người lao động Vĩnh Phúc

Với phương châm “Tất cả vì sức khỏe con người”, tỉnh Vĩnh Phúc luôn đi đầu trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, đồng thời ban hành các chính sách riêng để hỗ trợ tốt nhất cho người dân, người lao động trong đại dịch Covid-19.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đón người dân trở về từ TP Hồ Chí Minh tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: Trà Hương)
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đón người dân trở về từ TP Hồ Chí Minh tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: Trà Hương)

Khẩn trương triển khai các chính sách của Nhà nước

Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc chịu tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19. Việc làm, thu nhập cũng như các khoản phúc lợi khác của người lao động giảm sút. Nhiều ngành nghề kinh doanh phải dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động.

Trong số 170 doanh nghiệp tham gia khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tháng 7/2021, có 140 doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp tạm thời về lao động; 3 doanh nghiệp cắt giảm lao động; 118 doanh nghiệp cho lao động ngừng việc. Sáu tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) (từ 3 tháng trở lên) là 923 đơn vị, với số tiền là 67,1 tỷ đồng. So với cuối năm 2020 đơn vị nợ đóng, chậm đóng tăng 323 đơn vị; Số đơn vị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh là 116 đơn vị, với số lao động giảm là 4.176 người.

Nhiều chính sách nhân văn đến với người lao động Vĩnh Phúc -0
 Hướng dẫn người lao động nhận tiền hỗ trợ. (Ảnh: Hà Hồng Hà)

Theo thống kê toàn tỉnh có 41.527 hộ kinh doanh, trong đó gần 14.000 hộ kinh doanh phải dừng, tạm dừng hoạt động, dẫn tới khoảng 21.000 người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm.

Để hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với người dân, tỉnh Vĩnh Phúc nỗ lực triển khai các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước với phương châm: Cán bộ, cơ quan nhà nước phải chủ động tìm đến người lao động, tìm đối tượng hỗ trợ, coi an sinh xã hội như là biện pháp quan trọng để bảo vệ nguồn nhân lực, ứng phó dịch bệnh.

Bà Ngô Thục Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn. Tính đến ngày 22/10/2021, tỉnh đã hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 3.633 đơn vị doanh nghiệp với 705.719 lượt lao động được giảm đóng. Số kinh phí giảm mức đóng tạm tính đến tháng 10/2021 là hơn 20 tỷ đồng. BHXH tỉnh căn cứ trên biến động lao động hằng ngày của doanh nghiệp về đối tượng tham gia BHXH để làm căn cứ giảm trừ trên phần mềm hệ thống của BHXH.

Vĩnh Phúc đã hỗ trợ người lao động được tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đối với 584 lao động, trong đó lao động mang thai và nuôi con nhỏ là 384 người, với kinh phí hỗ trợ hơn 2,2 tỷ đồng. Hỗ trợ 754 lao động ngừng việc và 233 lao động mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi với tổng số tiền gần 1,1 tỷ đồng; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch, hộ kinh doanh, …

Toàn tỉnh có 55.812  trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh với kinh phí hỗ trợ hơn 9,7 tỷ đồng.

Đối với chính sách mới nhất theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về  hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, do ngành BHXH đã số hóa công tác quản lý người lao động, nên việc rà soát, lập danh sách đối tượng được hưởng chế rất nhanh và chính xác. Tính đến ngày 22/10, có 33.844 người lao động được chi trả hơn 85,7 tỷ đồng và có 3.468 doanh nghiệp được thông báo giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Hằng, xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) làm việc cho Công ty Panasonic tại Hà Nội nhưng phải nghỉ việc từ đầu năm do dịch bệnh Covid-19. Từ thông tin trên đài báo về Nghị quyết 116, chị liên hệ với BHXH huyện Sông Lô và được nhận tiền hỗ trợ trực tiếp tại huyện. Chị Hằng cho biết đang phải nuôi 3 con nhỏ trong điều kiện không có việc làm, khoản tiền nhỏ này rất có ý nghĩa đối với gia đình chị.

Nhiều chính sách của tỉnh đi vào cuộc sống

Nhiều chính sách nhân văn đến với người lao động Vĩnh Phúc -0
 Triển khai tiêm vaccine cho người lao động tại thành phố Vĩnh Yên. (Ảnh: Hà Hồng Hà)

Bên cạnh việc thực hiện các chính sách của Trung ương, hai năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc chủ động ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 16 về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề cập đến những giải pháp tổng thể, căn bản trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm các dịch vụ công cộng, hỗ trợ sản xuất và phát triển cơ sở hạ tầng.

Tháng 5/2021, khi dịch Covid-19 lần thứ hai bùng phát trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành hai nghị quyết quan trọng về an sinh xã hội. Đó là Nghị quyết về hỗ trợ kinh phí tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 và Nghị quyết về một số chế độ hỗ trợ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày tiền ăn cho người bị cách ly y tế bắt buộc tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly y tế tập trung, hỗ trợ người tham gia trực tại các chốt, trạm kiểm dịch.

Tháng 8/2021, tỉnh sớm triển khai nhiều biện pháp thiết thực hỗ trợ người dân quê Vĩnh Phúc gặp khó khăn tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân đã quyên góp hàng chục tỷ đồng và hàng trăm tấn gạo chuyển trực tiếp cho người dân Vĩnh Phúc tại các tỉnh phía nam. Vĩnh Phúc cũng là tỉnh đầu tiên bố trí máy bay đưa 1.199 công dân từ thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai về quê, ưu tiên cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai và phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng. Tỉnh lo toàn bộ chi phí đi lại, xét nghiệm, cách ly cho những người dân này. 

Nhiều chính sách nhân văn đến với người lao động Vĩnh Phúc -0
 Đón công nhân vào ở miễn phí trong các ký túc xá. (Ảnh: Khánh Linh)

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng ban hành quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhóm này gồm những lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập, như người bán hàng rong, buôn bán nhỏ, thu gom rác, phế liệu, xe ôm, cắt tóc, gội đầu, phòng tập yoga, phòng tập gym… Đến nay, các huyện, thành phố trong tỉnh nhận được 4.643 đơn đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động. Tỉnh đã thực hiện chi trả cho 4.684 người lao động với số tiền hơn 7 tỷ đồng.

Để hỗ trợ cho người lao động trong trong các khu công nghiệp, tỉnh yêu cầu các khách sạn giảm giá phòng cho chuyên gia ở lại tỉnh, không quá 500.000 đồng/phòng; đồng thời bố trí chỗ ở miễn phí cho chuyên gia và người lao động ngoại tỉnh ở lại không về nhà trong thời gian có dịch.

Người lao động và người sử dụng lao động đánh giá cao các chính sách nhân văn của Trung ương và của tỉnh.  Ông Kim Woon Ki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Partron Vina (thành phố Vĩnh Yên) phấn khởi cho biết: Công ty có hơn 4.000 lao động, đến nay rất nhiều công nhân nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP. Công ty cũng được giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tháng 10/2021 là 244 triệu đồng, tính cả 12 tháng được giảm đóng khoảng 3 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này sẽ giúp người lao động đỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp tục duy trì sản xuất, tái tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động.