Theo báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội: Đến thời điểm hiện tại, qua tổng hợp, rà soát báo cáo của các bộ và địa phương, những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai lập, thẩm định, quyết định/phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh chủ yếu do những bất cập liên quan nội dung các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản chỉ đạo, điều hành và các quy định pháp luật có liên quan.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, Đoàn Giám sát đã chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan; trong đó, Chính phủ và các bộ, ngành ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành quá chậm dẫn đến thiếu căn cứ pháp lý cần thiết để triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch.
Chậm trễ, thiếu quyết liệt
Báo cáo giám sát cũng nêu công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, các địa phương còn chậm, thời gian đầu chưa quyết liệt như việc phân vùng lập quy hoạch; thời gian thẩm định và phê duyệt quy hoạch kéo dài.
Đoàn Giám sát cũng nêu tư duy trong việc lập, thực hiện quy hoạch và quản lý nhà nước chậm đổi mới theo yêu cầu của Luật Quy hoạch, vẫn muốn quản lý thông qua các quy hoạch được lập theo phương pháp cũ không còn phù hợp nền kinh tế-thị trường cũng như không có sự liên kết giữa các ngành.
Điểm tồn tại khác là chưa có sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ đầy đủ thông tin giữa các ngành và địa phương để bảo đảm sự đồng bộ của quy hoạch được lập theo phương pháp tích hợp, đa ngành...
Qua thảo luận, cơ bản nhất trí với dự kiến kế hoạch triển khai của Đoàn Giám sát trong thời gian tới, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu kỹ kế hoạch làm việc, nội dung làm việc với bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương và hình thức khảo sát làm việc với các địa phương.
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là Đoàn Giám sát tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp, để sau giám sát phải trả lời cho được các vấn đề cụ thể như: danh mục văn bản pháp luật và thời hạn ban hành theo quy định của luật vừa qua; kết quả đánh giá sơ bộ tiến độ và chất lượng quy hoạch; chung quanh việc chấp hành, trình tự, thủ tục trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch; đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan về văn bản pháp luật, về tổ chức thực hiện; quy rõ trách nhiệm và cá thể hóa trách nhiệm…
Vướng mắc trong triển khai, thi hành
Tại phiên họp, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát, cho biết, qua tổng hợp bước đầu, hệ thống pháp luật về công tác quy hoạch sau khi Luật Quy hoạch được ban hành đến nay cơ bản đã được ban hành đầy đủ.
Tuy nhiên, việc ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quy hoạch (Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019) đã bị chậm 14 tháng so với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dẫn đến việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành có liên quan khác cũng không bảo đảm tiến độ và làm ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ lập quy hoạch theo quy định.
Về thời gian hoàn thành các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, ngay sau khi Luật Quy hoạch được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 về triển khai thi hành luật.
Tuy nhiên, đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng thì Nghị quyết 11 không đưa ra thời hạn cụ thể.
Nghị quyết 82 của Quốc hội về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giao Chính phủ tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Trên cơ sở đánh giá khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 và gia hạn tiến độ hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đến ngày 31/12/2022.
Về kết quả lập, thẩm định và quyết định/phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, đến thời điểm này, trong các quy hoạch cấp quốc gia mới có quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 4/38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt. Tất cả các quy hoạch đều được phê duyệt chậm hơn thời hạn ngày 31/12/2020 theo yêu cầu tại Nghị quyết 11/NQ-CP.
Về kế hoạch, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn Giám sát tập trung ưu tiên làm việc với các bộ và lựa chọn trúng vấn đề, kèm theo đó phải xây dựng đề cương chi tiết cho các cuộc làm việc. Đối với các địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với kế hoạch của Đoàn Giám sát nhưng lưu ý cần hạn chế đi địa phương, mỗi vùng chỉ nên chọn 1 tỉnh.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Đoàn Giám sát tiếp tục rà soát, sớm có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương báo cáo theo đúng yêu cầu của Đoàn Giám sát và cần thiết, nếu nơi nào chậm trễ thì phải đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông.
Việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh vẫn còn chậm: Thời gian thẩm định, phê duyệt các nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch kéo dài (thời gian từ khi trình thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia đến khi Hội đồng được thành lập là gần 4 tháng; thời gian từ khi trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia đến khi được phê duyệt là 3 tháng; thời gian từ khi thẩm định xong đến khi được phê duyệt của một số quy hoạch ngành quốc gia kéo dài, một số quy hoạch đã được trình phê duyệt từ quý III/2021 nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt; quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được thẩm định từ tháng 11/2021 đến nay vẫn chưa được phê duyệt)...
(Theo báo cáo tóm tắt kết quả bước đầu của Đoàn Giám sát)