Từ năm 2008, chương trình dạy thí điểm môn toán và một số môn khoa học tự nhiên khác bằng tiếng Anh được triển khai ở TP Hồ Chí Minh và đến nay đã có 10 trường THPT tham gia thực hiện thí điểm với 1.600 học sinh phổ thông được tham gia. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh, bước đầu chương trình đã đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh phổ thông, giúp học sinh làm quen với một số thuật ngữ chuyên ngành, nâng cao khả năng tư duy, cập nhật những kiến thức khoa học mới bằng ngoại ngữ, tạo điều kiện cho các em dễ dàng hội nhập quốc tế. Hiện chương trình chỉ dừng lại ở mức thí điểm nhằm giúp học sinh làm quen với một số thuật ngữ chuyên ngành nên thời lượng học không nhiều, tối đa cho mỗi môn học là hai tiết/tuần.
Tuy nhiên, hầu hết các trường đang thực hiện thí điểm dạy theo chương trình này đều cho rằng, họ đang vướng phải rất nhiều khó khăn như: chưa có giáo trình thống nhất, công tác kiểm tra đánh giá còn nhiều bất cập, thiếu giáo viên có trình độ chuyên môn và trang thiết bị dạy học... Theo các trường, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là thiếu giáo viên có trình độ tiếng Anh và năng lực chuyên môn. Hiện hầu hết giáo viên tại các trường chưa thể dạy các môn khoa học tự nhiên bằng ngoại ngữ, do đó các trường phải tìm giáo viên thỉnh giảng bên ngoài cho nên rất bị động. Ðại diện Trường THPT Gia Ðịnh (quận Bình Thạnh) cho biết, việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh được sự ủng hộ rất nhiệt tình của phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, trường khó có thể đáp ứng được nhu cầu học bởi giáo viên giảng dạy ở lĩnh vực này còn thiếu. Hiện trường có 270 học sinh tham gia chương trình với chín lớp cho bốn môn học gồm toán, lý, hóa và kinh tế với năm giáo viên tham gia giảng dạy nhưng trong đó chỉ có một giáo viên tại trường còn lại là giáo viên thỉnh giảng.
Không chỉ khó khăn về giáo viên giảng dạy, tài liệu dùng để giảng dạy cho chương trình này mỗi trường một khác. Hầu hết các trường tự xây dựng tài liệu giảng dạy trên cơ sở nghiên cứu sách giáo khoa của các nước có nền giáo dục tiên tiến như: Anh, Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po. Do chưa có sự thống nhất về giáo trình giảng dạy, nội dung giảng dạy khác nhau nên cũng khó để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường. Ngoài ra, công tác kiểm tra đánh giá cũng gặp nhiều khó khăn. "Hiện nay nội dung chương trình giảng dạy vẫn chưa có sự thống nhất. Ða số các trường tự soạn tài liệu để giảng dạy. Tuy nhiên, những học sinh tham gia học chương trình này sẽ được đánh giá như thế nào và có đủ điều kiện được cấp bằng quốc tế hay không?" - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai Phạm Thị Lệ Nhân băn khoăn.
Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh Kim Vĩnh Phúc cho rằng, tiêu chí của việc dạy học bằng tiếng Anh là để học sinh có thể đọc, hiểu, viết bài bằng tiếng Anh nhằm hỗ trợ cho công việc học tập, nghiên cứu sau này. Qua chương trình này, học sinh có thể tự đọc tài liệu, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến môn học và có thể trình bày sự hiểu biết của mình về môn học khi cần thiết, việc này giúp ích rất nhiều cho học sinh khi tham gia các kỳ thi quốc tế hoặc có nguyện vọng đi du học sau này. "Tuy nhiên chúng ta cần phải có một kế hoạch cụ thể như áp dụng chương trình học từ cấp lớp nào, từ lớp 6 hay lớp 10; việc thi cử cho học sinh tham gia chương trình này thực hiện thế nào, các em làm bài thi bằng tiếng Anh hay tiếng Việt; học phí phải đóng khi tham gia chương trình này là bao nhiêu...". Còn Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Trần Ðức Nguyên cho rằng, vẫn chưa có chính sách đãi ngộ tương xứng với công sức giáo viên bỏ ra. Cần tăng cường công tác đào tạo, đặc biệt chú ý đào tạo những giáo viên đang dạy các môn khoa học tự nhiên ở các trường về ngoại ngữ chuyên ngành. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ để thu hút giáo viên làm công việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh như hỗ trợ công tác dịch thuật, biên dịch, biên soạn tài liệu giảng dạy.
Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho biết, do đang trong quá trình thí điểm nên các trường khó tránh khỏi các khó khăn. Thời gian tới, Sở cũng sẽ lên kế hoạch tính toán về thời lượng, tài liệu, chương trình thống nhất để hướng dẫn các trường. Ðặc biệt sẽ chú trọng đến việc hợp tác để nâng cao chất lượng giáo viên, đáp ứng cho chương trình, vì đây là yếu tố quan trọng nhất.