Nhảy Flashmob, cách mới để thể hiện cảm xúc

NDO - ND - Bình thường, không phải ai cũng đủ tự tin ca hát, nhảy múa trước đám đông. Thế nhưng, từ khi trào lưu nhảy Flashmob lan đến Việt Nam, các bạn trẻ đã sẵn sàng thể hiện những điệu nhảy sôi động, vui vẻ ở nơi công cộng, qua đó, gắn kết mọi người, thể hiện cảm xúc và truyền đi những thông điệp riêng.
Nhảy Flashmob tại ngày hội Youth Day 2012.
Nhảy Flashmob tại ngày hội Youth Day 2012.

FLASHMOB có nghĩa là một cuộc huy động đám đông chớp nhoáng, khi một nhóm người được hẹn trước, bất ngờ cùng tập trung lại nơi công cộng để cùng làm một việc gì đó, rồi lập tức giải tán. Xuất hiện lần đầu năm 2003, đến nay, nhảy flashmob đã trở thành hoạt động phổ biến của các bạn trẻ trên thế giới. Flashmob là vũ điệu của tập thể, không chỉ giúp các bạn trẻ giải tỏa căng thẳng, thêm niềm vui, kết nối bạn bè mà còn giúp gây sự chú ý, truyền thông điệp. Nhảy flashmob không yêu cầu trình độ vũ đạo nhiều, cũng không mất thời gian luyện tập, tất cả mọi người đều có thể cùng tham gia, miễn là nhiệt tình. Tính tích cực, tính ngẫu hứng và khả năng lôi kéo, thu hút đám đông của nhảy flashmob khiến nhiều bạn trẻ yêu thích. Nhiều bạn còn say mê theo đuổi, thành lập các câu lạc bộ nhảy flashmob, hoạt động thường xuyên.

Sáng 21-9, ngay từ sớm, hàng trăm bạn trẻ đã có mặt tại Vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ để tham gia màn nhảy flashmob, tuyên truyền cho chương trình hát và nhảy cộng đồng "Hãy cùng hát vang" do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức. Mỗi người một trang phục, từ đồ thể thao, đồng phục học sinh... đến đồ công sở nhưng hơn 200 người đều háo hức chờ đợi điệu nhảy bắt đầu. Những động tác đơn giản, khỏe khoắn cuốn hút mọi người theo từng nhịp điệu. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn, chương trình "Hãy cùng hát vang" sẽ là một sân chơi thú vị cho thanh, thiếu niên Hà Nội cùng nhau giao lưu, ca hát và nhảy múa, góp phần tăng thêm tình yêu thương, hướng thiện và tạo sự gắn kết giữa mọi người. Chương trình sẽ chính thức diễn ra vào ngày 7-10 tới đây tại Quảng trường sân vận động Mỹ Ðình, mục tiêu xác lập kỷ lục số người nhảy và hát, tạo sức lan tỏa và gửi đi thông điệp vì hòa bình của Hà Nội.

Nhảy flashmob không chỉ dành cho những người có thể chất khỏe mạnh. Ngày 22-9 vừa qua, tại Gò Ðống Ða (số 4, phố Ðặng Tiến Ðông), hơn 100 người khuyết tật đã cùng hòa mình vào những điệu nhảy flashmob có tên "Tôi tự hào, tôi nhảy, tôi yêu". Trần Thu Lan, sinh viên Trường đại học Quốc gia Hà Nội, xúc động nhớ lại: "Những người bạn bị khuyết tật, họ vui vẻ sử dụng những phần cơ thể khỏe mạnh, nhiệt tình thực hiện những động tác nhảy phù hợp. Nhìn sự thích thú trên khuôn mặt các bạn, em nghĩ điệu nhảy đã đem lại nhiều niềm vui và tạo sự hòa nhập, gắn kết".

Hơn 100 bạn sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã dùng những điệu nhảy flashmob để tuyên truyền về bảo vệ sức khỏe cho thanh niên. Tại cả ba địa điểm biểu diễn là sân trường học viện, ký túc xá Ðại học Sư phạm, Công viên Ðống Ða, các bạn trẻ đều hết mình với từng nhịp điệu. Màn biểu diễn thu hút sự chú ý của đông đảo sinh viên và người dân. Tại công viên, không ít người già, trẻ nhỏ cũng vui vẻ hòa nhịp cùng những động tác vũ đạo sôi nổi. Nhảy flashmob còn lan tỏa về các trường học, được các bạn học sinh thể hiện trong ngày khai trường hoặc bế giảng. Nhiều học sinh Trường THPT Am-xtéc-đam và Trường THPT Việt Ðức vẫn đầy thích thú khi tả lại màn nhảy flashmob chia tay thời học sinh của các anh chị khóa lớp 12. Một số bạn trẻ lại chọn flashmob để thể hiện tình yêu. Dù nội dung các thông điệp có thể khác nhau nhưng nhảy flashmob đang ngày càng phổ biến, lôi cuốn nhiều bạn trẻ tham gia, với những cảm xúc, suy nghĩ theo một cách rất riêng và mới mẻ.