THẾ GIỚI NGÀY QUA

Nhật Bản: Tàu sân bay Mỹ rời căn cứ Yokosuka

Truyền thông Nhật Bản cho biết, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ vừa rời căn cứ hải quân Mỹ ở Yokosuka (Nhật Bản) sau đợt bảo trì định kỳ để tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngày 10-6, Chuẩn đô đốc G.Wikoff, Chỉ huy nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan cho biết, sứ mệnh của nhóm tàu sân bay này là hỗ trợ các đồng minh và đối tác khu vực của Mỹ. Nhóm sẽ tiếp tục ngăn chặn các hành động gây hấn và thúc đẩy ổn định, an ninh khu vực. Ông Wikoff khẳng định, sứ mệnh này sẽ thúc đẩy các quy tắc quốc tế để hỗ trợ cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, hòa bình và thịnh vượng.

Đức: Hãng hàng không Lufthansa gặp khó khăn

Ngày 10-6, Hãng hàng không Lufthansa của Đức xác nhận, có khả năng phải sa thải 26.000 nhân viên trong tổng số khoảng 138.000 nhân viên của hãng. Lufthansa cho biết, hãng chỉ có thể cầm cự đến ngày 15-6 tới và có thể phá sản nếu không được cứu trợ kịp thời. Trước đó, Lufthansa cam kết tái cơ cấu ở quy mô lớn như giảm thêm hơn 10.000 việc làm, thanh lý các tài sản trong bối cảnh hãng đang lên kế hoạch thanh toán khoản cứu trợ 9 tỷ ơ-rô (10,26 tỷ USD) của Chính phủ Đức và phục hồi hoạt động sau khi thua lỗ nặng trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành.

Cùng ngày, nghiệp đoàn UFO đại diện cho các thành viên đội bay của Lufthansa cho biết đang nỗ lực đạt thỏa thuận với ban lãnh đạo của hãng. Các thành viên của UFO chấp nhận giảm tới 45% mức lương, với tổng số tiền lên tới 350 triệu ơ-rô, đổi lại công ty cam kết bảo đảm việc làm cho nhiều người nhất có thể.

Bolivia: Ấn định ngày tổng tuyển cử

Quốc hội lưỡng viện của Bolivia ngày 10-6 thông qua luật ấn định thời gian tổ chức cuộc tổng tuyển cử vốn bị trì hoãn vào ngày 6-9 tới. Mặc dù thời gian tổ chức tổng tuyển cử đã được thông qua, song quyết định này vẫn cần được Tổng thống lâm thời J.Anez phê chuẩn. Tòa án Bầu cử tối cao của Bolivia cũng đã đi đến thỏa thuận với các đảng phái chính trị trong nước về thời điểm diễn ra tổng tuyển cử mới.

Anh: Muốn tham gia CPTPP

Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh E.Truss lên tiếng khẳng định Anh muốn tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là mục tiêu chiến lược quan trọng của Vương quốc Anh khi làm việc với các đối tác có cùng chí hướng ở Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Anh cũng bày tỏ mong muốn trở thành đối tác đối thoại của ASEAN, đồng thời khẳng định điều này sẽ bổ sung cho CPTPP.

* Ngày 10-6, hơn 20 nhóm doanh nghiệp Anh viết một thư chung gửi người đứng đầu ba bộ: Nội vụ, Ngoại giao, Giao thông để yêu cầu Chính phủ Anh nới lỏng các quy tắc, hạn chế kiểm dịch và bắt đầu mở cửa nền kinh tế cho các đối tác thương mại. Bức thư kêu gọi chính phủ đưa ra kế hoạch bao gồm một khuôn khổ thiết lập hành lang du lịch giữa Anh với các quốc gia có rủi ro thấp liên quan dịch Covid-19.