Theo đó, mức thâm hụt thương mại cao nhất mọi thời đại 859,1 tỷ USD trong năm ngoái cao hơn đáng kể so mức 676,7 tỷ USD ghi nhận vào năm 2020.
Riêng trong tháng 12/2021, thâm hụt thương mại hàng hóa tăng 3,2% lên 101,4 tỷ USD, đánh dấu mức cao kỷ lục. Trong đó, nhập khẩu tăng 2% lên mức cao nhất mọi thời đại là 259,7 tỷ USD. Xuất khẩu tăng 1,3% lên 158,3 tỷ USD. Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu dịch vụ, nhập khẩu tư liệu sản xuất và xuất khẩu hàng tiêu dùng cũng đạt mức cao kỷ lục.
Trong năm 2021, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục 1,1 nghìn tỷ USD từ mức 922 tỷ USD vào năm 2020. Nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao lịch sử là 2,9 nghìn tỷ USD, được thúc đẩy bởi nhập khẩu vật tư và vật liệu công nghiệp cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014.
Nhập khẩu tăng mạnh đã lấn át đà phục hồi mạnh mẽ trong xuất khẩu của Mỹ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa tăng 23,3% lên mức kỷ lục 1,8 nghìn tỷ USD. Xuất khẩu vật tư và nguyên liệu công nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng hóa khác và xăng dầu đều đạt mức cao kỷ lục.
Điều này dẫn đến nhập siêu của Mỹ trong năm 2021 tăng lên tương đương 3,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mức 3,2% vào năm 2020. Riêng nhập siêu đã khiến tăng trưởng GDP của Mỹ giảm 1,39 điểm phần trăm vào năm ngoái, khiến nền kinh tế tăng trưởng 5,7% trong năm 2021, song đây vẫn là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1984, sau khi chính phủ đổ gần 6 nghìn tỷ USD vào các gói hỗ trợ phục hồi trong đại dịch, qua đó thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, nhập khẩu của Mỹ gia tăng có thể phản ánh tình trạng hàng hóa được “giải phóng” sau quãng thời gian phải nằm cảng nhiều tháng do thiếu nhân công bốc dỡ. Lượng hàng tồn đọng tại các cảng vẫn ở mức cao, cho thấy nhập khẩu hàng hóa có thể lập 1 mức cao kỷ lục khác trong tháng 1/2021. Trước đại dịch, nhập khẩu có xu hướng tăng cao trước mùa mua sắm nghỉ lễ cuối năm và giảm dần vào quý đầu tiên của năm mới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, tăng trưởng nhập khẩu sẽ chậm lại trong những tháng còn lại của năm 2022, do các doanh nghiệp đang tiến hành tái cơ cấu lại lượng hàng tồn kho dựa trên chi tiêu thực tế của người tiêu dùng, vốn được dự báo sẽ giảm trong năm 2022, dẫn đến nhu cầu đối với các sản phẩm tiêu dùng nhập khẩu sẽ giảm dần trong năm.
Năm ngoái, Mỹ đã đạt kỷ lục xuất khẩu sang 57 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thị trường hàng đầu là Mexico ghi nhận mức tăng lên 276,5 tỷ USD.
Hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc cũng tăng 21,4% lên 151,1 tỷ USD, nhưng với việc nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 16,5% lên 506,4 tỷ USD, thâm hụt thương mại của Washington với Bắc Kinh đã tăng lên 355,3 tỷ USD vào năm ngoái, so 310,3 tỷ USD vào năm 2020.