Qua trận lũ lịch sử năm 2020 cho thấy, nhà chòi tránh lũ không chỉ bảo đảm an toàn cho các hộ nghèo mà rất cần thiết đối với các hộ gia đình chưa có điều kiện xây nhà kiên cố vượt lũ.
Nơi tránh, trú an toàn trong lũ, bão
Chúng tôi về huyện Lệ Thủy - nơi bị ngập sâu nhất và bị thiệt hại nặng nhất ở tỉnh Quảng Bình trong đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, được nghe nhiều người kể lại những câu chuyện tránh lũ an toàn nhờ có nhà tránh lũ. Những nhà chòi phòng tránh bão, lũ được hỗ trợ xây dựng theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Chính phủ không chỉ giúp hàng trăm hộ vượt lũ an toàn mà còn là nơi trú ẩn cho nhiều người trong những ngày nước dâng cao.
Ông Nguyễn Văn Được ở thôn Mỹ Thủy, xã Sơn Thủy, chỉ vào dấu bùn cao hơn 2,5 m trên tường nhà do nước lũ để lại, nói: “Tui 65 tuổi rồi nhưng chưa khi nào thấy lũ lụt như này, may nhờ cái chòi ni mà cả nhà ở trên đó yên ổn, nếu không có thì chưa biết tránh lũ đâu nữa”. Gần nhà ông Được, gia đình chị Dương Thị Trình cũng may mắn vừa giữ được an toàn tính mạng vừa cất giữ được tài sản trong mưa lũ nhờ có nhà tránh lũ.
Chị Dương Thị Trình chia sẻ mộc mạc: “Nhờ nhà chòi này để có chỗ tránh lụt chứ mẹ con không biết trú ở đâu khi mà nước ngập hơn nửa nhà. Có chỗ cao nấu được ăn cho nên bà con chung quanh chạy lụt vẫn có chút cơm nóng của nhà tôi san sẻ”. Chị Trình cho biết, có được ngôi nhà và thêm chòi tránh lũ bên cạnh là nhờ chị được vay 15 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình và tiền gia đình chị dành dụm nhiều năm.
Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy Nguyễn Văn Thục, qua trận lũ lịch sử này có thể thấy mô hình nhà chòi tránh lũ là an toàn và hiệu quả, không chỉ cần cho hộ nghèo mà ngay cả các hộ gia đình chưa có điều kiện xây nhà kiên cố vượt lũ. Tiếp nối sự thành công của chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng chòi phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Chính phủ, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (GCF) do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) triển khai, hỗ trợ tỉnh Quảng Bình làm 897 nhà an toàn chống chịu bão, lụt cho cộng đồng ven biển và cận ven biển.
Anh Trương Ngọc Khiêm, cán bộ dự án đưa chúng tôi đến thăm những ngôi nhà mới vừa được hỗ trợ xây dựng. Bà Lê Thị Diệu ở thôn Tân Thịnh, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy vui mừng đón chúng tôi tận ngõ, chia sẻ: “Tui năm nay 74 tuổi, ở một mình do con cái lập gia đình ở xa. Ngôi nhà thấp cũ đang bị hư hỏng nặng. Năm 2020, được chính quyền địa phương và dự án hỗ trợ làm nhà chống bão, lụt nên yên tâm hơn nhiều. Đặc biệt, nhà vừa làm xong là lũ lớn ập đến nên rất may có nơi trú ẩn vững chãi”.
Bà Diệu dẫn chúng tôi thăm ngôi nhà hai tầng rộng chừng 25 m2 đang còn mầu vôi mới, sàn tầng một đổ bê-tông, nền lát đá hoa, có cầu thang bằng sắt để lên tầng hai. Tầng hai của ngôi nhà nhỏ được lợp mái tôn, có cửa thoát hiểm cho các trường hợp cần thiết.
Bà Diệu cho biết, tầng hai ngôi nhà này từng là nơi trú ẩn an toàn cho 10 người hàng xóm khi lũ lớn bao vây trong tháng 10 năm ngoái. Nhiều ngày sinh hoạt trong ngôi nhà tránh lũ, bà Diệu sử dụng tất cả những gì mình chuẩn bị được từ gạo, mắm muối, củi lửa để giúp cho bà con có cái ăn, rồi sau đó nhờ được cứu trợ, cuộc sống của 10 người, trong đó có nhiều trẻ em trong ngôi nhà chòi tránh lũ được an toàn. Bà Trần Thị Thiết, hàng xóm của bà Diệu cho biết, do nước lũ dâng lên nhanh, ngôi nhà cấp bốn của bà bị chìm sâu, cả sáu người trong nhà phải sơ tán sang nhà bà Diệu trú đến bốn ngày nước rút mới về lại nhà.
Anh Trương Ngọc Khiêm giải thích thêm, nhà phòng, tránh bão, lũ của bà Diệu làm theo mẫu do Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình phê duyệt thiết kế với diện tích tầng một bé nhất là 13 m2, lớn nhất 45 m2 (người dân bỏ thêm chi phí để làm rộng hơn), diện tích sàn tránh lũ ít nhất là 10 m2.
Kinh phí làm nhà khoảng 75 đến 80 triệu đồng, trong đó người dân được hỗ trợ 52 đến 55 triệu đồng, bao gồm tiền dự án GCF là 1.700 USD, thanh toán cho người dân tùy theo tỷ giá tại thời điểm đăng ký làm nhà (tương đương 39 đến 40 triệu đồng); hỗ trợ theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTgtừ 12 đến 14 triệu đồng, tùy theo khu vực (khu vực bãi ngang 14 triệu đồng, khu vực dân tộc thiểu số 16 triệu đồng); UBND tỉnh Quảng Bình hỗ trợ 2,5 triệu đồng.
Ngoài ra, người dân còn được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 15 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để hoàn thiện ngôi nhà. Trong quá trình thực hiện có sự giám sát của cán bộ dự án và đại diện chính quyền địa phương. Việc cấp phát kinh phí cũng tùy thuộc vào tiến độ công trình.
Cần mở rộng diện hỗ trợ
Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh có gần 2.500 ngôi nhà tránh lũ an toàn trong trận lũ lớn vừa qua. Điều đó đồng nghĩa ít nhất chừng ấy hộ dân sống an bình trong trận lũ lịch sử chưa từng xảy ra này.
Cùng với mục tiêu đó, trong ba năm gần đây, dự án GCF hỗ trợ tỉnh Quảng Bình xây dựng 897 nhà an toàn chống chịu bão, lụt cho cộng đồng các xã ven biển và cận ven biển. Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình kiêm Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án GCF tỉnh Quảng Bình Đinh Khánh Hậu cho biết, qua đợt mưa lũ lịch sử năm 2020 cho thấy rõ hiệu quả của nhà phòng, tránh bão, lụt do dự án GCF hỗ trợ.
Qua khảo sát, đa số các nhà phòng, chống bão, lụt không bị thiệt hại trong đợt lũ lụt vừa rồi. Tại các xã ngập lụt sâu, đến mức 2,5 m thì nước lụt nằm phía dưới sàn vượt lũ từ 0,5 đến 1,5 m. Ngoài việc là nơi tránh trú của các thành viên trong gia đình còn là nơi trú ẩn của những nhà hàng xóm chung quanh.
Đặc biệt, mô hình này rất tốt đối với những địa phương có ít nhà cao tầng, xa các điểm sơ tán tập trung. Nhà an toàn chống chịu bão, lũ được xem là những điểm sơ tán tập trung quy mô nhỏ. Chính vì đánh giá rất cao công năng của nhà phòng, tránh bão, lụt mà nhiều địa phương trong tỉnh đề nghị mở rộng đối tượng và địa bàn hỗ trợ để giúp người dân giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cái khó hiện nay là chỉ hộ nghèo mới được hỗ trợ và vay vốn ưu đãi để làm nhà tránh bão, lũ. Mức hỗ trợ của ngân sách và mức cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội 15 triệu đồng quá thấp so với nhu cầu vốn cần thiết để hoàn thành một ngôi nhà phòng, tránh bão, lụt, trong khi khả năng huy động nguồn lực tự xây nhà ở của hộ nghèo còn hạn chế.
Để tăng thêm nhiều nhà tránh bão, lũ cho người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng bất thường và gây hậu quả nghiêm trọng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tài đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài chương trình cho vay của hộ nghèo để xây dựng nhà ở phòng, chống bão, lũ và nâng mức cho vay.
Ngoài ra, nên mở rộng đối tượng hộ cận nghèo cũng có thể vay để xây dựng nhà ở phòng, chống bão, lụt nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Còn theo điều phối viên dự án GCF Trương Ngọc Khiêm, để giúp người dân chống chịu với thiên tai, sắp tới, dự án sẽ mở rộng diện được hưởng lợi là đối tượng bảo trợ xã hội và người dân các xã lưu vực sông thuộc huyện Tuyên Hóa, qua đó giúp họ giảm rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra và góp phần ổn định đời sống.
Có thể nói, hỗ trợ xây dựng nhà an toàn chống chịu bão, lũ là công việc ý nghĩa thiết thực đối với người dân, đặc biệt hỗ trợ cho các đối tượng dễ bị tổn thương ở vùng ven biển tỉnh Quảng Bình, đồng thời góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Vì thế, tỉnh Quảng Bình mong muốn UNDP và các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh có ngôi nhà mới làm nơi tránh trú trong điều kiện bão, lũ, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.
Bài và ảnh: Hương Giang