Nhận diện mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong các luật, văn bản dưới luật

Báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của cơ quan của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mang ý nghĩa hết sức quan trọng, qua đó đánh giá đầy đủ bức tranh tổng thể về chất lượng của hệ thống pháp luật và hiệu lực, hiệu quả việc đưa pháp luật vào cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ tại kỳ họp thứ 6. (Ảnh DUY LINH)
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ tại kỳ họp thứ 6. (Ảnh DUY LINH)

Cử tri và nhân dân mong muốn, tại kỳ họp này, Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, chỉ rõ những hạn chế, đưa ra các giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phát triển, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Vừa qua, Ủy ban Pháp luật đã có Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận trong những ngày đầu kỳ họp lần này là: Việc nhận diện đầy đủ, khách quan các bất cập của hệ thống pháp luật và kịp thời khắc phục cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, không dám làm nhưng tìm cách đổ cho luật pháp có vướng mắc.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: từ Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đã nhận diện có một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc sợ sai không dám làm, làm chưa hết chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo số liệu báo cáo, trong số những nội dung thuộc luật, pháp lệnh, nghị quyết được các cơ quan của Quốc hội thống nhất cần xử lý do có mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, số lượng các nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều (khoảng 6,5%).

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, kết quả rà soát này phù hợp với kết luận của Trung ương và Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Điều đó giải đáp được câu chuyện “cứ không làm được việc gì lại đổ hết cho thể chế” là không đúng.

Thực tế cho thấy, nhiều nội dung địa phương phản ánh thì thực chất không phải do luật có vướng mắc mà là do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, hoặc do cách hiểu chưa đúng, hiểu chưa thống nhất hoặc địa phương hỏi nhưng bộ, ngành không trả lời, trả lời chung chung, cũng có những văn bản ban hành chưa kịp thời...

Ủy ban Pháp luật nêu trong báo cáo thẩm tra, chỉ rõ: Trong các nội dung thuộc văn bản dưới luật được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc vướng mắc, bất cập, một số nội dung chưa phù hợp. Một số quy định làm phát sinh “giấy phép con” hoặc quy định thủ tục hành chính chưa hợp lý; có trường hợp quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng lạc hậu, không còn phù hợp... Như vậy dẫn đến việc áp dụng và thực hiện thiếu thống nhất, gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật, ảnh hưởng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Báo cáo của Chính phủ mới đây cũng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Thực tế vừa qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội bày tỏ chưa hài lòng với tình trạng chưa chấp hành đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn xảy ra ở nhiều cơ quan; việc tuân thủ kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa cao, trách nhiệm của các cơ quan liên quan chưa được xác định cụ thể, chưa có chế tài xử lý hiệu quả đối với các trường hợp vi phạm.

Nhiều ý kiến nhận xét: Tính dự báo của chương trình xây dựng luật, pháp luật còn thấp, nhiều dự án được bổ sung vào chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dẫn đến các cơ quan không đủ thời gian nghiên cứu, tổng kết, thẩm định, thẩm tra, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan, đối tượng chịu sự tác động của văn bản, làm ảnh hưởng đến chất lượng của văn bản khi được ban hành...

Nêu ý kiến thảo luận với các đại biểu, khi đặt vấn đề “cả xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thực hiện phải cố gắng nhiều hơn”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Nhiều nội dung các địa phương, bộ, ngành đưa lên, thực tế không phải vướng mắc mà là chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết hoặc do cách hiểu ở dưới không đúng. “Có nhiều văn bản ban hành không kịp thời, luật có rồi nhưng nghị định, thông tư chưa ban hành nên chưa thực hiện được. Đó là chưa kể nghị định không phù hợp với luật, thông tư không phù hợp với nghị định. Có cả văn bản điều hành không đúng với tinh thần pháp luật...”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Kết quả rà soát lần này được Chính phủ báo cáo đầy đủ tới các đại biểu Quốc hội, kèm theo đó là báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, tập trung vào 523 văn bản, trong đó có 66 luật, 2 pháp lệnh, 8 nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 167 nghị định của Chính phủ, 63 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 217 thông tư.

Qua kết quả rà soát, 70% số lượng văn bản phát hiện có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn cần phải sửa ngay đã nằm trong các dự án luật mà Quốc hội sắp sửa đổi, hoàn chỉnh và bấm nút thông qua. Riêng Luật Đất đai có 34 việc, Luật Đấu giá tài sản có 24 việc, hay Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… đều sẽ được giải quyết tại kỳ họp thứ 6 cũng như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2024.

Chính phủ còn “nợ” nhiều nghị định, các bộ, ngành cũng còn “nợ” nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn. Trong khi đó, nếu không có nghị định, thông tư hướng dẫn thì luật cũng chưa thực hiện được ngay, gây ách tắc, khó khăn trong điều hành quản lý của Nhà nước, khó cho chính quyền các cấp.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Có những nơi trong 2 năm ban hành đến 3 thông tư, hay có bộ một lúc bãi bỏ 3 thông tư cùng về một lĩnh vực, cho thấy tính thiếu ổn định trong thể chế, không tạo cho người dân, doanh nghiệp yên tâm làm ăn, gây khó khăn cho công tác điều hành, quản lý.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế)