Nhà trường và con người tự học, sáng tạo, đạo đức

ND - Trên ghế nhà trường, học trò có học thật, làm thật mới sống thật nên người, có tích cực tự học, tự làm dưới sự hướng dẫn của thầy, mới tự trang bị cho mình kỹ năng học, kỹ năng làm, kỹ năng sáng tạo và kỹ năng sống - những kỹ năng tối cần thiết cho con người tiếp tục tự học hành sáng tạo suốt đời.

Sau nhà trường, người học cần tự học bằng mọi hình thức thích hợp mới có khả năng tự tìm, tự tạo việc làm, đổi mới, sáng chế, sáng tạo, sống văn hóa, văn minh, tiến cùng thời đại, trong một thị trường lao động toàn cầu hóa luôn biến động dưới tác động thường xuyên của tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Nhu cầu tự học luôn luôn gắn kết với nhu cầu làm, nhu cầu sống của con người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ, mọi ngành nghề, mọi vị trí xã hội, mọi thời đại. Tự học tốt mới có khả năng làm tốt, làm giỏi, làm sáng tạo, mới có thể sống tốt, sống văn hóa, đạo đức. Con người tự đáp ứng được cao nhất ba nhu cầu cơ bản học - làm - sống của chính mình là "con người tự học, sáng tạo, đạo đức".

"Tấm gương Hồ Chí Minh" tổng hòa cách tự học khoa học, cách làm cách mạng sáng tạo thiên tài với cách sống đạo đức danh nhân văn hóa thế giới, về mặt lý luận cũng như thực tiễn, cấp bách trước mắt cũng như về cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp trồng người, chính là "tấm gương tự học, sáng tạo, đạo đức".

Học, làm, sống theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh là "Học tốt, làm tốt, sống tốt", "Tự học hay, làm sáng tạo, sống văn hóa, đạo đức", "Tự học, sáng tạo, đạo đức". Mỗi người học hãy chủ động từ bỏ lối "học vẹt, thụ động, tiếp thu một chiều", "học gian, thi lận, làm dối" khá phổ biến hiện nay, phấn đấu "thực học, thực làm, thực tài", "tự học hay, làm sáng tạo, sống văn hóa, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa", vươn tới làm một "chủ thể tự học, sáng tạo, đạo đức".

Phát huy vai trò "Mỗi thầy giáo, cô giáo hãy là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo như lời kêu gọi của đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, nhân Ngày Nhà giáo 20-11-2006, từ bỏ lối "dạy áp đặt, truyền thụ một chiều", "thầy giảng - trò ghi nhớ", phấn đấu dạy sáng tạo, phát huy nội lực tự quản lý - tự học sáng tạo của người học, tự học thường xuyên, sống đạo đức, tất cả vì năng lực tự học sáng tạo của học sinh thân yêu. Mỗi nhà trường chủ động phấn đấu chuyển đổi mô hình nhà trường khoa cử khép kín hiện nay sang mô hình nhà trường mở tự học, sáng tạo, đạo đức, vì nhu cầu học - làm - sống tốt suốt đời của người học, đào tạo ra những "con người tự học, sáng tạo, đạo đức", có lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất tốt đẹp của dân tộc và của thời đại, có năng lực tự học và bản lĩnh sáng tạo ngang tầm đổi mới đất nước theo nhịp bước khẩn trương của thời đại. Nhà trường tự học, sáng tạo, đạo đức, gọi tắt là nhà trường tự học, hội tụ ít nhất bảy đặc tính cơ bản: Người học, tự học hành sáng tạo suốt đời là gốc.

"Học đi với lao động. Lý luận đi với thực hành. Cần cù đi với tiết kiệm". Gắn kết "Học - Làm - Sống", "Tự học - Sáng tạo - Ðạo đức", "Ðào tạo - Nghiên cứu - Sản xuất", "Trường - Viện - Doanh nghiệp".

Nội lực tự quản lý  - tự học sáng tạo của người học là quyết định, ngoại lực dạy và quản lý là quan trọng, gắn kết với nhau thành nguồn lực tổng hợp phát triển người học thành chủ thể tự học, sáng tạo, đạo đức.

Phát huy trí sáng tạo, khả năng vận dụng, thực hành, kỹ năng sống, tự tìm, tự tạo việc làm và năng lực tự học của người học là mục tiêu - phương pháp.

Công nghệ thông tin - truyền  thông và ngoại ngữ là phương tiện.

Dân chủ hóa quá trình đào tạo và quá trình quản lý là động lực.

Phát huy  trí sáng tạo và sức mạnh toàn Ðảng, toàn dân xây dựng nhà trường và xã hội "tự học, sáng tạo, đạo đức" là mục tiêu - động lực tổng hợp.

Nhà trường tự học cùng với toàn dân tạo ra các điều kiện, phương tiện, môi trường thuận lợi cho mọi người, từ em bé đến cụ già, từ người dân đến người lãnh đạo, ai cũng có cơ hội và khả năng tự học hành sáng tạo suốt đời, sao cho cả xã hội trở thành một nhà trường tự học lớn đáp ứng được tốt nhất ba nhu cầu sinh tồn và phát triển cơ bản của con người - một xã hội tự học, sáng tạo, đạo đức.

Xây dựng xã hội học tập không phải chỉ vì nhu cầu học theo nghĩa hẹp là "xã hội hóa giáo dục", "cho ai cũng được học, học suốt đời và đều tích cực cùng tham gia làm giáo dục", mà phải đồng thời đáp ứng cả ba nhu cầu học - làm - sống của dân. Xã hội học tập Việt Nam phải  là một xã hội "học, làm, sống theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh", một xã hội "tự học, sáng tạo, đạo đức".

"Thi đua xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập" cần được cụ thể hóa thành cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết thi đua tự học hay, làm sáng tạo, sống văn hóa", xây dựng con người, nhà trường, xã, phường, doanh nghiệp, cộng đồng "tự học, sáng tạo, đạo đức", tiến tới một xã hội tự học, sáng tạo, đạo đức.

Người lớn trong gia đình cần tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho mọi thành viên đều được học, làm, sống tốt, phấn đấu xây dựng gia đình hiếu học ba tốt: phổ cập giáo dục theo độ tuổi, làm ăn giỏi, sáng tạo, sống văn hóa, cần kiệm, lành mạnh, hài hòa.

Người lao động khắp mọi xã, phường, doanh nghiệp, mọi vùng miền đất nước, mọi lĩnh vực đời sống xã hội phấn đấu thi đua "Tự học hay. Làm sáng tạo. Sống văn hóa", xây dựng cơ sở, đơn vị, cộng đồng, địa phương... "tự học, sáng tạo, đạo đức" ba tốt: phổ cập tốt trung học và đào tạo nghề sau trung học ngắn hạn, làm kinh tế giỏi, sáng tạo, sống văn hóa, hợp tác, lành mạnh, hài hòa, loại trừ tệ nạn và tiêu cực xã hội.

Người cán bộ Ðảng, Nhà nước, Mặt trận tiên phong phấn đấu "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nêu gương sáng về đạo đức cách mạng, tự học và sáng tạo, "đem tài dân, sức dân, của dân" phát triển mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết thi đua Tự học hay, Làm sáng tạo. Sống văn hóa". Các trường hành chính, quốc phòng, an ninh, công đoàn, đoàn đội... của hệ thống chính trị là những nhà trường tự học trọng điểm quốc gia. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh là nhà trường tự học, sáng tạo, đạo đức đẳng cấp quốc tế, đặc biệt là về học thuyết Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh, triết học biện chứng, sáng tạo học, khoa học lãnh đạo, quản lý.

Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng cả nước trở thành một xã hội "tự học, sáng tạo, đạo đức" - một xã hội học tập hiện đại, trên cơ sở phổ cập bậc trung học; phổ cập đào tạo nghề sau trung học ngắn hạn cho hơn 50% dân số độ tuổi đại học; hoàn thành về cơ bản việc chuyển đổi mô hình nhà trường khoa cử khép kín hiện nay sang mô hình nhà trường mở tự học, sáng tạo, đạo đức, xây dựng hệ thống trường tự học trọng điểm quốc gia với một bộ phận đẳng cấp quốc tế.

Với đà phát triển  mạnh, bảo đảm chất lượng thật hiện nay, có nhiều khả năng phổ cập bậc trung học trước năm 2015. Các trường "chuyên", "chất lượng cao" cần từ bỏ cách "chuyên luyện gà nòi", "chuyên luyện thi" tự đổi mới thành nhà trường tự học trọng điểm quốc gia "chuyên dạy sáng tạo - học sáng tạo", "chuyên dạy cách phát huy tốt nhất nội lực tự quản lý - tự học sáng tạo của học sinh", thành một trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về việc học, học cách học, dạy cách học sáng tạo. Các trường sư phạm và quản lý giáo dục chủ động đi trước một bước thành nhà trường tự học, sáng tạo, đạo đức trọng điểm quốc gia đẳng cấp cao, đặc biệt là về khoa học tư duy, sáng tạo học,  học sáng tạo, dạy sáng tạo, quản lý sáng tạo, có khả năng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo thành những "tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo", gắn kết với các trường chuyên phổ thông thành một mạng lưới nghiên cứu, ứng dụng khoa học về học, dạy, quản lý sáng tạo.

Ðào tạo và phổ cập đào tạo nghề sau trung học ngắn hạn trở thành chiến lược quốc gia hàng đầu: Chuyển các trường nghề hệ 12+1, 12+2 và tương đương cùng với Tổng cục Dạy nghề vào hệ thống giáo dục sau trung học, bảo đảm đào tạo liên thông giữa đào tạo nghề sau trung học ngắn hạn với đào tạo đại học, thu hút tối đa số tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm, tiến tới hơn 50% dân số độ tuổi đại học được vào giáo dục sau trung học trước năm 2020. Xây dựng hệ thống trường nghề sau trung học ngắn hạn trọng điểm quốc gia, với những "chương trình đào tạo toàn cầu hóa", tiến tới tham gia thị trường đào tạo nhân lực quốc tế.

Nắm khâu then chốt là đại chúng hóa đại học thành một hệ thống giáo dục sau trung học mở, tự học, sáng tạo, đạo đức với bốn trình độ đào tạo liên thông liên kết với nhau: lao động kỹ thuật (một, hai năm), cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, tập trung trí tuệ và nguồn lực xây dựng hệ thống trường đại học trọng điểm quốc gia với một số trường, khoa đạt đẳng cấp quốc tế.