Nhà thơ nữ Virginia Hamilton Adair, đem lại sắc điệu riêng cho thi đàn Mỹ suốt nhiều thập kỷ thế kỷ với hàng nghìn bài thơ vừa qua đời ở tuổi 91. Hàng trăm bài thơ của bà đã đăng trên nhiều báo và tạp chí, đến cuối đời mới tuyển vào ba tập gây tiếng vang lớn – Những con kiến và trái dưa hấu ( Ants on the Melon” , 1996), Niềm tin và lời nguyền rủa ( Belief and Blasphemies, 1998), Sống trên lửa ( Living on fire, 2000).
Các nhà thơ và các nhà phê bình đánh giá cao sự nghiệp thơ ca cuả Adair: “Bà đến với thế giới này như một vệt sao chổi sáng chói” ( nhà thơ Galway Kinnell ), “Nhà thơ Mỹ xuất sắc kể từ Wallace Stevens” ( nhà phê bình Eric Ormsky). Nhiều người ca ngợi thơ Adair sáng tạo về nhịp điệu và sự vui tươi dí dỏm, trong khi những người khác thích thú với cách cảm nhận và suy tư của bà như người khiếm thị nhìn thấy bí hiểm của bóng tối, nhiều người khác nữa chia sẻ những cảm hứng “kỳ diệu”, “thiên tài”...
Sinh tại New York năm 1913, Adair đến với thơ từ tuổi nhỏ, như lời bà kể với báo chí, khi chưa đi học đã được người cha làm việc cho một công ty bảo hiểm và cũng có làm thơ, đọc cho nghe trường ca Iliad. Học trung học tại trường Mount Holyoke ở Massachusetts, bà từng đoạt giải trong một cuộc thi thơ của trường. Năm 20 tuổi, sau khi giành được bằng thạc sĩ tại Radcliffe, bà có thơ đăng trên nhiều tạp chí có uy tín, và hai lần được Ivy League công nhận là gương mặt thơ có triển vọng.
Suốt đời say mê sáng tác, có một gia tài thơ đồ sộ, nhưng rất lạ là Adair không nghĩ mình là nhà thơ chuyên nghiệp và trên thực tế bà không sống bằng thơ. Bà làm nghề giảng dạy tiếng Anh và nghệ thuật hơn 20 năm tại Trường đại học bách khoa quốc gia California ở Pomona, từ năm 1955 khi vợ chồng bà chuyển đến.
Bà nghỉ hưu và rơi vào những năm tháng khủng hoảng tinh thần khi chồng bà, Douglass Adair, nhà sử học và biên tập viên NXB William & Mary Quarterly, đột nhiên tự sát bằng súng, tại phòng ngủ, trong buổi tối kinh hoàng khi bà đang làm bữa tối trong bếp tầng dưới. Bà bị sốc, và từ đó đến cuối đời vẫn dằn vặt thốt lên: “Không thể nào hiểu nổi”. Tâm trạng này bà thổ lộ trong cả vệt thơ từ đó đến hết đời, về cái chết bí ẩn của người thân yêu nhất, về những kỷ niệm tình yêu ...
Mãi đến năm bà ở tuổi 83, nhà thơ nổi tiếng, tác giả tập thơ After Word, thúc giục mãi, bà mới gom một ít thơ cho ra tập đầu tay “Ants on the Melon”. Các tạp chí và NXB The New Yorker, the New York Review of Books, Time Magazine giới thiệu tập thơ, và thế là 70 nghìn cuốn bán hết, lập kỷ lục về tiêu thụ sách thơ. Vì thế nên giới xuất bản liên tiếp in thơ bà trong hai tập tiếp theo.
Khi có tuổi, Adair tìm đến đạo Phật, lập ra một một trung tâm Phật học tại địa phương. Tuy nhiên, số phận khắc nghiệt chưa buông tha bà. Bà bị mù lòa năm 88 tuổi, vì chứng glô-côm. Nhưng trái tim thơ vẫn đập, bà vẫn viết, bằng cách đọc cho người giúp việc đánh máy, trong căn phòng ở ẩn đầy các giá sách với chồng đống các bản thảo, và chiếc máy chữ cổ lỗ Olympia vẫn lách cách nhả chữ đến khi bà trút hơi thở cuối cùng vĩnh biệt thế giới này.