Kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam:

Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt: Chuyện bây giờ mới kể Kỳ I: Nhà tù “độc nhất vô nhị” trên thế giới

Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt: Chuyện bây giờ mới kể Kỳ I: Nhà tù “độc nhất vô nhị” trên thế giới

Sự thật ấy ít người biết đến nếu không có sự ra đời cuốn sách “Tuổi trẻ bất khuất - Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt ngày ấy …” do NXB Đà Nẵng ấn hành tháng 9 - 2006. Và sau đó là cuộc Hội thảo do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tổ chức tại Đà Lạt ngày 24-4-2008. Đó là câu chuyện sống động về một nhà tù mà trên thế giới chưa hề có, bởi 600 tù nhân bị chế độ Ngụy quyền Sài Gòn giam cầm ở đây là…thiếu nhi!

Cuốn sách là tập hợp những tư liệu và hình ảnh quý, có thể nói là tâm huyết cả cuộc đời của những người tù nhỏ tuổi đã gìn giữ, viết và cung cấp. “Lời nói đầu” cuốn sách là bút tích của nguyên Phó Chủ tịch nước - cựu tù chính trị 11 năm bị giặc giam cầm tại các nhà tù miền Nam Trương Mỹ Hoa và nhà cách mạng - nhà báo quá cố Trần Bạch Đằng là người viết “Lời tựa”. Cuối Lời tựa cuốn sách, ông Trần Bạch Đằng đã viết: “Tôi tin rằng với chất văn chân thật và sống động xuất phát từ trái tim…quyển sách sẽ góp phần giáo dục truyền thống và lý tưởng cho thanh thiếu niên, động viên và nỗ lực phấn đấu của tuổi trẻ ngày nay trong sự nghiệp xây dựng đất nước…”

* * *

Trong những năm 1968 - 1970, phong trào đấu tranh cách mạng nổ ra mạnh mẽ khắp miền Nam, đặc biệt sau chiến thắng tết Mậu Thân năm 1968 và chiến thắng của nhân dân ta trên khắp miền Nam đã tác động đến phong trào đấu tranh tại các nhà tù làm cho chế độ ngụy quyền Sài Gòn lúng túng. Song, chúng ta cũng gặp nhiều tổn thất. Nhiều chiến sĩ, đồng bào miền Nam đã anh dũng hy sinh và bị địch bắt tù đày, trong đó có nhiều tù nhân đang ở tuổi thiếu nhi.

Để đối phó với phong trào cách mạng, “ly gián” lực lượng tù nhân chính trị trong các nhà tù ở miền Nam, địch tiến hành các biện pháp mà theo chúng là hữu hiệu nhất, đó là tách số tù nhân dưới 18 tuổi ra khỏi số tù nhân lớn tuổi. Vì thực tế, trong các cuộc đấu tranh diễn ra nơi lao tù, ngoài lực lượng tù nhân lớn tuổi kiên cường với lý tưởng của người cộng sản, thì tù nhân thiếu nhi cũng là lực lượng “đáng gờm”. Nếu tách rời hai lực lượng này ra sẽ không còn có sự tiếp ứng, hỗ trợ cho nhau, khi đó địch sẽ dễ dàng phân hóa, cải tạo, gội rửa “tư tưởng cộng sản” ở loại tù nhân nhỏ tuổi này. Đây chính là nguyên nhân sâu xa và thâm độc của kẻ thù dẫn đến sự ra đời nhà lao thiếu nhi Đà Lạt mà chúng bịp bợm công luận là “Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” (đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn).

Di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.

Nhưng, kẻ thù đã sai lầm khi đánh giá thấp tinh thần đấu tranh bất khuất của những tù nhân cách mạng nhỏ tuổi trong suốt thời gian tồn tại của nhà lao này (hai năm ba tháng). Đầu năm 1971, “Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt ra đời”. Trung tâm đặt tại đồi Chi Lăng, nay thuộc phường 9 - TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Gọi là “Trung tâm giáo huấn” nhằm thực hiện chính sách mị dân của kẻ thù, thực chất đây là một nhà lao giam cầm thiếu nhi, những người cộng sản nhỏ tuổi (từ 12 đến 17 tuổi) bị giặc bắt trên khắp miềm Nam (từ vĩ tuyến 17 trở vào).

Sau khi xây dựng xong cơ sở, chính quyền Mỹ - ngụy gấp rút gom các thiếu nhi tù chính trị từ các nhà tù miền Nam về giam giữ. Đợt đầu tiên vào ngày 23-4-1971, chúng tập trung 126 tù thiếu nhi từ nhà lao Kho Đạn (Đà Nẵng) vào. Tiếp đó, tù thiếu nhi từ các nhà lao tỉnh như: Hội An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bến Tre được chuyển đến. Đợt tiếp theo được gom từ nhà tù Côn Đảo, Chí Hoà và nhiều nhà tù khác.

Cựu tù Mai Bốn (tức Mai Thanh Minh, hiện là Phó giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) kể: “Tháng 4-1971, tôi cùng 46 anh em khác ở nhà lao Côn Đảo được chúng đưa về Chí Hoà. Đến tháng 10-1971, chúng tôi cùng những anh em khác ở khám Chí Hoà, trong đó có các anh Ngô Tùng Chinh, Bảy Bồng, Lê Cảnh… được đưa về Đà Lạt trên cùng một chuyến bay.” Sau đó, tù thiếu nhi từ các nơi đưa về trung tâm ngày càng đông, lúc nhiều nhất lên đến hơn 600 người, trong đó khoảng 200 nữ.

Để che đậy âm mưu của mình, trung tâm này đã đặt ra đủ các ban bệ như: Ban an ninh (chuyên đàn áp phong trào đấu tranh của tù nhân); Ban cải huấn (lên kế hoạch ru ngủ, cách ly, “xóa” lý tưởng cách mạng của tù nhân thiếu nhi); Ban hướng nghiệp (xây dựng và mở các nghề như cắt tóc, thêu đan, may…) và Ban giám thị theo dõi thường trực với những tên cai ngục, quản đốc, giám thị… được tuyền chọn, đều có máu mặt và có “thâm niên” về thành tích tra tấn tù nhân ở nhiều nhà lao miền Nam được điều về đây đảm trách.

Gọi là Trung tâm Giáo huấn, nhưng thực chất giặc áp dụng một chế độ quản lý đặc trưng chế độ nhà tù, như: tù nhân các buồng không được liên lạc với nhau, hàng ngày phải lao động để sống, nhưng chế độ ăn là của… súc vật. Còn cái gọi là giáo huấn chính là bôi đen, xuyên tạc chế độ cộng sản, nói xấu Đảng, Bác Hồ, miền Bắc XHCN…hòng làm lung lạc ý chí kiên cường của những người cộng sản trẻ tuổi, với các quy định bắt buộc mọi tù nhân phải tuân theo, trong đó chúng đặt ra việc chào cờ ba que, hát “quốc ca” vào ngày thứ hai hàng tuần… Nếu tù nhân nào không tuân theo là được xếp vào đối tượng chống đối phải trừng trị, đàn áp với mọi cực hình.

Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.

Trung tâm đã sớm bộc lộ âm mưu thâm độc của kẻ thù và ngay lập tức vướng phải sự phản kháng, đấu tranh quyết liệt của 600 tù nhân thiếu nhi một cách kiên cường. Không thực hiện được chính sách mị dân, xuyên tạc, dụ dỗ, mua chuộc, để phân hóa, kẻ thù điên cuồng quay sang đàn áp bằng những cực hình dã man nhất: mỗi ngày bị đánh ba đợt (sáng, trưa và tối), mỗi lần đánh tất cả tù nhân năm roi, chúng cùm từng nhóm tù nhân lại và nhốt trong các xà lim buốt giá của khí trời Đà Lạt. Chưa hết, tối đến mỗi người tù còn “được” dội nước lạnh vào người! Thâm độc hơn, chúng dùng chiêu bài “lấy người tù trị người tù” bằng việc xây dựng những tù nhân chiêu hồi làm tay sai, nội gián để sẵn sàng đàn áp.

Phong trào đấu tranh đã diễn ra mạnh mẽ tại nhà lao này thông qua tổ chức Đoàn thanh niên, các anh chị lớn tuổi và một số đảng viên lãnh đạo. Các phong trào đấu tranh chống chào cờ, không hát quốc ca của giặc, xé cờ ba que… diễn ra liên tục làm cho kẻ thù lo sợ. Hành động gan dạ và bất khuất tại nhà lao TN Đà Lạt là trừng trị cai ngục; hay chiến công vang dội của nhóm tù thiếu nhi tự mổ bụng phản đối chế độ nhà tù hà khắc của Ngụy quyền Sài Gòn, đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống đàn áp, trả tự do cho tù nhân đã mãn hạn… Một sự kiện nữa đã làm phá sản âm mưu “dùng người tù trị người tù” là việc năm tù nhân thiếu nhi đã trừng trị tên tù phản bội Nguyễn Cương, kẻ cam tâm làm chó săn cho giặc - vào tối 23-1-1973… Ngoài ra, các chiến sĩ nhỏ tuổi của nhà tù cũng đã bảy lần tổ chức vượt ngục để trở về tiếp tục chiến đấu…

Những phong trào đấu tranh gan dạ, bất khuất của những người tù nhỏ tuổi đã làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ địch khi tổ chức ra Trung tâm này. Đầu tháng 6-1973, Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt bị giải tán…

Nhà lao được xây dựng trên đồi Chi Lăng (nay thuộc khu phố Hồ Xuân Hương, phường 9, Đà Lạt) gồm tám phòng giam lớn (trong đó hai phòng nữ), ba dãy xà lim, mỗi dãy có bốn phòng rộng 6m², dưới mỗi gian xà lim là hệ thống phun nước ngầm làm lạnh phòng giam khi tra tấn các chiến sĩ trẻ tuổi của ta.

Ngày 22-6-2009, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt đã được Bộ VH-TT-DL quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Tập thể cựu tù chính trị Nhà lao Thiếu nhi và ba cá nhân (Đặng Bảo Xy, Ngô Tùng Chinh và Mai Thanh Minh) đã được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Người nữ tù thiếu nhi ngày ấy

Chị Hoàng Thị Mai Hoa.

Sau khi nhà lao thiếu nhi, tức “Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt tan rã (năm 1973), các cựu tù tỏa về tham gia phong trào cách mạng ở các địa phương cho đến ngày nước nhà thống nhất. Sau giải phóng, trong số 600 cựu tù nhân thiếu nhi ấy, người mất người còn, nhiều người đã về với đời thường, với ruộng vườn, sông suối, tìm gặp họ rất khó khăn. Lần theo lời giới thiệu của một chị cựu tù chính trị, tôi đã may mắn gặp được chị Hoàng Thị Mai Hoa - một trong 200 nữ tù thiếu nhi ngày xưa… 

Phải mất hơn một giờ đồng hồ với chiếc xe máy đánh vật trên những con đường gồ ghề, dốc núi quanh co và hỏi đường hết người này qua người khác cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà chị. Căn nhà ván đơn sơ nằm thu mình dưới vườn cà phê sum suê thuộc Khu phố Nam Hồ - phường 11 (vùng ven TP Đà Lạt). Chị Mai Hoa rót nước mời khách và dè dặt trò chuyện. Khi biết tôi muốn viết về những cựu tù thiếu nhi Đà Lạt ngày ấy, người đàn bà 53 tuổi này chợt nhíu đôi chân mày tư lự. Lướt qua rất nhanh trên đôi mắt to, rất sáng ấy tôi bắt gặp ánh lên niềm tự hào xen lẫn chút buồn xa xăm…

Chị Mai Hoa kể lại, chị được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng và trên quê hương cách mạng (Khu phố Nam Hồ trước đây là vùng có phong trào cách mạng rất mạnh của tỉnh Lâm Đồng - Tuyên Đức cũ). Cả gia đình Mai Hoa, gồm cha, các anh, chị và bản thân chị đều tham gia kháng chiến. Những năm 1969 - 1970, phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương này sục sôi khí thế. Khi ấy, Mai Hoa mới 16 tuổi nhưng đã hăng hái tham gia phong trào Đoàn thanh niên với nhiệm vụ tập hợp, giáo dục thiếu nhi, tuyên truyền đấu tranh chống dồn dân, lập ấp của giặc, làm giao liên đưa thư liên lạc cho các cơ sơ cách mạng nội thành…

Giữa năm 1970, trong lúc phong trào đấu tranh cách mạng diễn ra quyết liệt thì có một tên trong hàng ngũ cách mạng phản bội, chiêu hồi, chỉ điểm cho giặc. Do đó, hàng loạt cơ sơ bí mật của ta bị bại lộ, bị giặc bố ráp, bắt bớ, triệt phá. Trong vụ này, cha, người chị gái và Mai Hoa cũng bị giặc bắt. Riêng chị Hoa, do còn nhỏ tuổi nên giặc đưa về Lao thẩm vấn (Trại tạm giam Đà Lạt). Tại đây, giặc dùng mọi thủ đọan: dụ dỗ, tra tấn bằng dây da, roi điện, cột treo ngược người lên xà nhà… hòng bắt chị khai ra những cơ sơ bí mật, những cán bộ cách mạng đang nằm vùng. Tuy nhiên, mọi đòn thù tàn bạo không lung lạc được ý chí của người nữ thiếu niên gan dạ. Giặc đã kêu án một năm tù và đưa Mai Hoa về giam ở Lao xá Đà Lạt. Trong tù, Mai Hoa nhận tin dữ: người anh ruột của chị treo cờ giải phóng tại Trường tiểu học Sào Nam bị giặc bắn chết. Cúng với nỗi đau mất người ruột thịt thân yêu lại bị giặc ghép thêm tội có thân nhân là cộng sản, Mai Hoa bị phạt tăng thời hạn 6 tháng tù và đưa về “Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt”.

Những ngày bị giam ở trung tâm này, Mai Hoa đã hòa vào phong trào đấu tranh sôi nổi của 600 tù thiếu nhi ở đây đòi giặc trả tự do cho những tù nhân mãn hạn, chống đàn áp, chống chào cờ ba que, đòi tự do, dân chủ… Những cuộc đấu tranh của chị và anh em tù nhân thiếu nhi đã góp phần dẫn đến sự tan rã của cái gọi là “Trung tâm Giáo huấn” mà giặc dựng lên để giam cầm những chiến sỹ thiếu nhi. Đến tháng 8-1973, hết hạn tù, Mai Hoa tiếp tục tham gia phong trào đấu tranh cách mạng cho đến ngày đất nước thống nhất.

Năm 1985, chị Mai Hoa lập gia đình. Chồng chị là một đại tá quân đội, hiện đang công tác tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng. Do người chồng bị nhiễm chất độc da cam trong những năm tháng tham gia chiến đấu, nên người con trai thứ hai của anh chị (năm nay 18 tuổi) bị dị tật rất đáng thương…

Chia tay người nữ cựu tù thiếu nhi trong buổi chiều Đà Lạt mưa rả rích, lòng tôi chợt bùi ngùi. Chiến tranh đã đi qua cùng với biết bao hy sinh, đau thương, mất mát và một thế hệ cha anh từ lúc tuổi còn thiếu niên đã dấn thân, không tiếc máu xương hiến dâng cho Tổ quốc để có ngày hôm nay. Trong số họ, nay người mất, người còn. Trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người trong số họ lại tiếp tục cuộc chiến đấu không kém phần cam go, có người ôm mãi trong lòng những vết thương riêng như gia đình chị Mai Hoa…

Kỳ sau: Đấu tranh bất khuất diệt ác, trừ gian trong nhà tù