Đấy là những năm đầu thập niên 1970 khi anh giáo Nguyễn Huy Thiệp, vừa bước vào tuổi 20, chân trần bám xe khách cà tàng ,“vạn dặm một mình” lên Sơn La nhận việc dạy học.
Điểm đến là Hua Tát, một bản nhỏ thuộc xã Cò Nòi, cách trung tâm huyện lỵ Mai Sơn chừng 15km về phía Đông theo trục quốc lộ 6. Địa thế Hua Tát và Cò Nòi, nhìn trước sau, đều thấm đẫm cảnh sắc thiên nhiên rừng núi kiểu Tây Bắc: dưới những dãy núi đá vôi cao ngất, gối tiếp nhau tít tắp chân trời là những lòng chảo khá bằng phẳng, xanh mướt ruộng lúa và cây ăn trái. Từ lòng chảo, bảng nhiệt từ khô nóng của gió mùa Tây Nam chuyển sang mát mẻ á nhiệt đới khi lên cao. Vào đầu thập niên 1970, lên Tây Bắc chẳng bao giờ là một chuyến đi dễ chịu, thường là mất vài ngày đằng đẵng mới băng qua quãng đường ba trăm cây số từ điểm xuất phát thủ đô thân yêu.
Anh giáo Nguyễn Huy Thiệp cũng “đi xa hơn nữa” cho đến khi núi rừng bạt ngàn bao phủ. Không chỉ Hua Tát, ngay cả các địa danh bao quanh gần đó, bản Lếch, bản Nhạp, bản Hin Thuội, Bó Ngoa, Phiêng Nậm, Hua Nong, Nong Te, hay chếch ra phía trung tâm, Nà Bó, Tà Hộc, Chiềng Đông, Chiềng Sàng, Hát Lót, Chiềng Lương…, đều hoàn toàn lạ lẫm như những dị âm đối với chàng giáo khổ hãy còn bạch diện thư sinh. Làm sao có thể tồn tại, hơn nữa, “thi đua dạy và học” trong điều kiện mà như ông hay nhắc lại đầy tính tự thuật trong các truyện ngắn về sau của mình, là cô đơn, nghèo đói, và hiểm nguy thường xuyên rình rập? “Trường học miền núi nơi tôi ở nằm trên một quả đồi trọc gọi là đồi Thông mặc dầu trên ấy chẳng có một ngọn thông nào […] Mưa lũ kéo dài từ đầu tháng bảy đến giữa tháng chín khiến nơi tôi ở không khác gì một ốc đảo… Tôi có thể ốm rồi chết ở nơi khỉ ho cò gáy này vô ích”(“Chuyện tình kể trong đêm mưa”). Anh giáo Nguyễn Huy Thiệp cố nhiên có xót xa vì tuổi trẻ đầu xanh phải vào nơi xóm núi đơn điệu, buồn tẻ, sương muối khô hanh ban ngay mà buốt giá ban đêm. Nhưng cũng bởi tuổi đôi mươi là khi nhiệt huyết và tâm hồn dễ tự gây ảo giác về tự do, nghĩa vụ, về những điều cao cả, sẵn sàng xua tan mọi âu lo, vụ lợi, toan tính nên Nguyễn Huy Thiệp đã trụ lại được.
Trong “Cô My”, truyện ngắn đầu tiên được đăng trên Văn nghệ (3-5-1986), Nguyễn Huy Thiệp đã để thầy giáo Thức bộc bạch điều sâu thẳm: “Mấy đứa giáo viên xa nhà ngồi bên bếp lửa, rất nhiều câu chuyện vô nghĩa và vô tích sự. May mắn là tôi có niềm say mê sưu tập văn học dân gian, tôi không thiếu những công việc phải làm trong những buổi tối”. Úp mặt vào rừng núi, ở ý nghĩa tích cực nhất, sẽ mách bảo con người nhận thấu sức mạnh của thiên nhiên, tự nhiên. “Nhờ rừng - tờ Le Monde nhận định, ông khám phá ra sức mạnh của thiên nhiên, điều này ánh men lên trong tất cả tác phẩm của ông". Đó hẳn là món quà lớn, đương nhiên đòi hỏi cách đón nhận đặc biệt mà các phép tính chi li về danh lợi, tiền bạc sẽ không thể với tới vì sự xoàng xĩnh của mình.
Lúc đầu, Nguyễn Huy Thiệp dạy ở Trường Bổ túc công nông. Học viên đều lớn tuổi, thuộc diện cán bộ, công chức ở vùng Đông Bắc trong thời chiến. “Đến lúc đó - Nguyễn Huy Thiệp kể lại, thật sự họ cũng chưa được học nhiều, không ít người còn chưa biết viết”. Anh giáo Thiệp tận tình, nhiệt huyết soạn bài và dạy theo đúng nội dung giáo án như các đồng nghiệp đang làm. Nhưng sau chừng ba năm, ông nhận ra học viên chẳng bận tâm và cũng chẳng hiểu gì những bài giảng đó. Ông bắt đầu chuyển sang cách dạy “kể chuyện”: đọc một cuốn tiểu thuyết nào đó rồi kể lại cho học viên nghe. Họ tỏ ra thích thú và nhớ lâu các câu chuyện đó, có lẽ vì chúng sát thực với chuyện đời thường ngày của học viên. Nhờ ảnh hưởng của học viên - cán bộ, một thư viện được dựng lên trong trường. Và thầy giáo Thiệp, độc giả chính của thư viện này, sẽ tiếp tục kể lại những bộ tiểu thuyết quen tên thời đó: “Làm gì” của N. Chernysevski, bộ ba “Chú bé”, “Cậu tú” và “Ngọn cờ khởi nghĩa” của Jules Vallès… Trong 7 năm 2 tháng dạy ở đây, Nguyễn Huy Thiệp đọc gần hết sách của thư viện, bõ hờn cho ngày đầu tiên xách một valy có dăm ba cuốn sách nhưng phải vứt dọc đường vì kiệt sức leo bộ dốc núi. Đến cuối năm 1977, ông chuyển sang dạy ở trường phổ thông Mai Sơn với nhiều học sinh trẻ trung hơn. Lúc ấy, ông xấp xỉ ba mươi và không gì không thể, ông làm Bí thư Đoàn trường!
Nguyễn Huy Thiệp còn học vẽ. Ông theo chân họa sĩ Lò Văn Quang, một tên tuổi nổi bật của hội họa Sơn La bấy giờ, để trau dồi tay nghề vẽ họa của mình. Những năm sau chiến tranh, Nguyễn Huy Thiệp từng làm họa báo cho tờ Sơn La Đổi mới. Năm 1977 thì cùng Cà Kha Sam, cũng là họa sĩ xuất thân từ Trường Mỹ thuật Yết Kiêu, tổ chức một buổi triển lãm tranh mang hơi hướng tuyên truyền. Vốn liếng ít ỏi ấy, trong hoàn cảnh nghèo nàn vật chất và tinh thần, dù sao cũng nuôi dưỡng ý nghĩ trở thành họa sĩ của Nguyễn Huy Thiệp, để chính bản thân ông không bị nhạt nhẽo, đơn điệu. Tuy thế, tài sản đáng kể nhất của “gã ngố rừng” lại là những mẩu truyện ngắn được viết một cách âm thầm khi ở Hua Tát: Trái tim hổ viết năm 21 tuổi, Con thú lớn nhất viết năm 23-24 tuổi và đến 27 tuổi, ông hoàn chỉnh mười truyện ngắn liên hoàn. Mãi khi về Hà Nội (cuối 1979) được bảy năm, khi đã vơi bớt phần nào tự ti trước văn đàn, anh giáo Thiệp mới dám gửi đăng chùm truyện ngắn ấy trên báo Văn nghệ (tháng 1-1987) dưới một tên chung: Những chuyện kể bất tận của thung lũng Hua Tát.
Hua Tát là nơi khởi sinh và đồng thời làm cho hành trạng văn chương Nguyễn Huy Thiệp trở nên khác biệt. Có lẽ không một ai, kể cả Nguyễn Huy Thiệp, sẽ hình dung được hết những danh tiếng và thăng trầm văn chương của ông về sau. Nhưng khi hồi nhớ quãng thời gian sống trải ở núi rừng Hua Tát, ông dám chắc “sống dễ lắm”. Sống dễ lắm bởi có mây trắng, hoa cúc dại, có sương mù và những cơn mưa, những thung lũng hoang vắng và nhất là, được “nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống”.