“Nằm tàu” chờ nước lớn
Qua phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về đoạn cuối kênh Công Nghiệp, thuộc ấp Thanh Đạm B, xã Tân Hải, huyện Phú Tân. Mùa này, tuyến kênh chịu tác động của gió mùa đông bắc, đón dòng phù sa từ Biển Tây, bị bồi lắng trầm trọng. Lúc nước ròng, đất bồi hai bên lòng kênh nhô cao, lòng lạch chỉ còn chừng hơn 10m. Chú Sáu Mến, chạy đò bao ở vàm kênh Công Nghiệp cho biết: Có lúc nước ròng, lòng kênh còn chưa tới 2m, vỏ lãi (phương tiện thủy loại nhỏ của cư dân) của tôi còn lưu thông được, chứ tàu khai thác thì chịu.
Ở miền biển Công Nghiệp, tàu khai thác chủ yếu với nghề lú bát quái, đẩy ruốc, cào sò, lưới mé… có công suất chừng 40CV trở lại, khai thác gần bờ, mỗi chuyến biển thường vài ba ngày, có khi đi về trong ngày. Do cửa biển bị cạn, cho nên nhiều ngư dân chậm chuyến biển. “Về tới cửa biển mệt đừ người nhưng phải neo lại chờ nước lớn mới chạy tàu về nhà nghỉ ngơi được. Chạy liều vào là mắc cạn liền” - ông Nguyễn Văn Hiền, ngư dân ở Tân Hải chia sẻ.
Một số tuyến kênh nối liền ra biển trên địa bàn xã Phú Tân và thị trấn Cái Đôi Vàm (thuộc huyện Phú Tân) như: Lô Hai, Cái Cám… cũng trong tình trạng tương tự. Người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương nạo vét các tuyến kênh nêu trên nhưng vẫn phải đợi. Ở huyện Trần Văn Thời, một số cửa sông ra biển cũng đang bị bồi lắng nghiêm trọng. Như tại vàm Ba Tỉnh (ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc), tàu cá ra vào mắc cạn thường xuyên, có khi tàu bị chìm hoặc bị gãy chân vịt. Bà con cho hay, đầu năm 2015 tới nay, có ít nhất ba tàu cá bị mắc cạn và chìm cách cửa vàm chưa đến 100 m. Hơn ba tháng trước, tàu cá của ông Phan Thanh Sử chạy vào vàm Ba Tỉnh bị mắc cạn trên bãi cát, quay ngang rồi chìm. Khi trục vớt được tàu, ông Sử phải sửa máy phát điện, thiết bị định vị, gia cố vỏ… tổng chi phí hơn 35 triệu đồng. Nhắc lại sự cố chìm tàu, ông Sử ngao ngán: “Tàu khai thác xa bờ, gặp gió lớn, sóng dữ đánh chìm đã đành, còn tàu của tôi gặp nạn ngay cửa vàm. Nghe qua, nhiều người không tin nhưng đó là sự thật”!
Nghề khai thác gắn chặt với cư dân miền biển. Dù không muốn nhưng sau khi chuẩn bị đủ dầu, nước đá, và các nhu yếu phẩm khác cho chuyến biển, chủ tàu buộc phải ra khơi cho kịp con nước (thường vào dịp rằm, trăng sáng). “Lẽ thường là vậy, nhưng gặp ngay lúc nước ròng, cửa biển cạn, ngư dân như chúng tôi phải neo lại một hai ngày, có khi bốn năm ngày. Còn muốn ra cửa cho kịp con nước cũng như tránh thiệt hại chi phí thì phải thuê phương tiện kéo ra, tốn thêm vài triệu đồng” - ngư dân Huỳnh Văn Vồn, ấp Mũi Tràm B chia sẻ.
Sớm gỡ khó cho ngư dân
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân Nguyễn Văn Den cho biết, tình trạng bồi lắng các cửa biển ở tiểu vùng năm Cà Mau (gồm thị trấn Cái Đôi Vàm và hai xã Phú Tân, Tân Hải) đã xảy ra khoảng ba năm gần đây, nặng nhất khoảng một năm nay. Thực trạng trên không chỉ khiến ghe, xuồng, tàu khai thác… lưu thông gặp rất nhiều trở ngại, mà hộ dân trong vùng cũng không lấy đủ nước cho vuông nuôi tôm. Hệ lụy là nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, dịch bệnh dễ phát sinh. “Chúng tôi đã có tờ trình xin lãnh đạo đầu tư nạo vét nhưng do nguồn vốn hạn hẹp, chỉ ưu tiên những nơi bức xúc. Theo kế hoạch, trong năm 2016, sẽ khắc phục bồi lắng tại cửa Công Nghiệp (hơn ba tỷ đồng) và tuyến Lô Hai (hơn hai tỷ đồng). Còn cửa Cái Cám và một số tuyến khác sẽ đưa vào kế hoạch trong những năm tiếp theo” - ông Den cho biết.
Cà Mau có hàng chục con sông, kênh, rạch đổ ra Biển Đông và Biển Tây. Sóng biển cuốn theo lượng phù sa lớn khiến nhiều cửa biển nhanh chóng bị bồi lắng. Dù đã nỗ lực, nhưng do gặp khó khăn về kinh phí, cho nên một số cửa biển nhỏ như Cái Cám, Công Nghiệp, Ba Tỉnh… chưa được nạo vét thường xuyên, khiến tàu cá lưu thông khó khăn. Chỉ riêng tại miền biển vàm Ba Tỉnh, sơ bộ cũng có hơn 50 tàu cá công suất từ 30 đến 50CV và hơn 30 tàu khai thác công suất nhỏ hơn. Ngư dân Lâm Văn Khanh, một trong những chủ tàu khai thác ở miền biển Ba Tỉnh cho biết: “Thấy vài trường hợp bị mắc cạn, thiệt hại tiền của, tôi không vào đậu tàu ở vàm Ba Tỉnh nữa mà chạy đường vòng qua tận cửa biển Đá Bạc”.
Để cửa biển bớt cạn, nhiều ngư dân có tiềm lực ở miền biển vàm Ba Tỉnh hùn tiền thuê xáng khơi thông lòng lạch. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng, cửa vàm lại bị bồi lắng, ngư dân phải tiếp tục góp tiền nạo vét nhằm duy trì sinh kế. Riêng năm nay, bà con ngư dân đã tự đóng góp hai lần thuê xáng cạp nạo vét cửa vàm Ba Tỉnh, lần gần nhất cách nay khoảng ba tháng. “Sau khi làm đơn xin phép và được chính quyền địa phương chấp thuận, chúng tôi bầu người có uy tín đứng ra vận động, gom tiền các chủ tàu, thuê xáng nhỏ nạo vét cửa vàm” - ngư dân Trương Văn Sâm, một chủ tàu cá ở Khánh Bình Tây Bắc cho biết.
Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai thừa nhận, nhiều cửa biển ở Cà Mau đang bị bồi lắng, nhất là một số cửa ở Biển Tây, như: vàm Ba Tỉnh, Kênh Mới (huyện Trần Văn Thời) và một số cửa ở tiểu vùng năm thuộc địa bàn huyện Phú Tân. Các cửa ấy, cứ nạo vét năm trước, năm sau lại bị bồi lắng. Thật lạ là cùng một tuyến nhưng có cửa bị sạt lở trầm trọng, có cửa thì bị bồi như vàm Ba Tỉnh. Việc nạo vét cũng gặp nhiều trở ngại, vì không có nơi đổ bỏ đất, cát; chủ xáng loại lớn thì chê công trình nhỏ không chịu làm, còn xáng cạp loại nhỏ thì không thể múc sâu và không quẳng đất được xa. Sắp tới Chi cục Thủy lợi tỉnh sẽ cử cán bộ chuyên trách khảo sát thực tế các cửa biển để có kế hoạch và giải pháp lâu dài khơi thông luồng lạch, giúp ngư dân thông đường, yên tâm bám biển. “Trong khi chờ các giải pháp hữu hiệu được triển khai, ngư dân nên tạm cho tàu cá lưu thông qua các cửa khác sâu hơn, rộng hơn để thuận đường ra biển tránh những thiệt hại đáng tiếc” - ông Hoai khuyến cáo.