Người Việt trẻ chung tay, đồng hành cùng đất nước

Học tập, làm việc ở nước ngoài, nhận được nhiều chế độ đãi ngộ cũng như cơ hội phát triển tại những môi trường làm việc lý tưởng, nhưng đông đảo người Việt trẻ vẫn luôn hướng về quê nhà, mong muốn đóng góp một phần công sức vào sự nghiệp phát triển đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Người Việt trẻ chung tay, đồng hành cùng đất nước

Thời gian qua, dù đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng như các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục… đã không ngừng đổi mới, tạo nhiều điều kiện thuận lợi, cơ chế ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài trở về sinh sống và làm việc toàn thời gian hay trong một thời gian nhất định ở trong nước; hoặc dù sống ở nước ngoài nhưng vẫn có thể tham gia tư vấn, tham mưu, kiêm nhiệm, hỗ trợ trong nước. Chính những biện pháp, giải pháp quyết liệt và linh hoạt này đã thuyết phục được một bộ phận không nhỏ trí thức trẻ ở nước ngoài có điều kiện đóng góp tài năng, tiếp tục tạo ra nhiều giá trị hữu ích, thúc đẩy sự tiến bộ của cộng đồng, xã hội và đất nước.

Từng bốn lần được Viện Nghiên cứu ung thư hàng đầu thế giới MD Anderson (Hoa Kỳ) vinh danh, con đường nghiên cứu của Tiến sĩ Phan Minh Liêm (sinh năm 1983) tưởng như chỉ "trải đầy hoa hồng". Song ít ai biết rằng, trong thời gian du học, Liêm thường xuyên phải ghi âm lại bài giảng do không thể theo kịp chương trình trên lớp. Thậm chí, cậu sinh viên đến từ Việt Nam còn phải nhận nhiều ánh mắt xem thường của bạn học, khi không thể tự mình hoàn thành những thí nghiệm y sinh đơn giản. Dù vậy, bằng nỗ lực và quyết tâm phi thường, người thanh niên ấy đã từng bước khẳng định được giá trị của bản thân, trở thành tấm gương hiếu học cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên người Việt noi theo. Thành công ở xứ người, Phan Minh Liêm vẫn ngày đêm trăn trở hướng về quê hương, nhất là khi tỷ lệ người mắc bệnh ung thư tại Việt Nam đang ở mức cao so với thế giới. Từ năm 2012 đến nay, Liêm đã bắc nhịp cầu đưa các giáo sư hàng đầu của Viện MD Anderson đến Việt Nam giảng dạy về ung thư cho hàng trăm nhà khoa học, bác sĩ, sinh viên. Anh có công lớn trong việc sáng lập và điều hành Viện Y sinh Việt Nam-Hoa Kỳ, cơ sở nghiên cứu và điều trị ung thư quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.

Người Việt trẻ chung tay, đồng hành cùng đất nước ảnh 1
Hồ Thu Hương (bên trái) tham dự Lễ hội Sách Thời báo Los Angeles với tư cách tác giả. Ảnh: FBNV

Cũng vấp phải không ít khó khăn trong thời kỳ du học tại CH Czech, Tây Ban Nha, Argentina và Pháp, Hồ Thu Hương (sinh năm 1988) đã đưa ra ý tưởng táo bạo là sáng lập "Cộng đồng Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới" nhằm giúp người trẻ Việt Nam nâng cao kỹ năng, kiến thức và quan trọng hơn cả là tạo một mạng lưới hỗ trợ người Việt trên quy mô toàn cầu. Hầu hết người quản lý dự án này đều là người Việt trẻ đang học tập, sinh sống, làm việc tại nước ngoài. Trở ngại về khoảng cách địa lý được Hương cùng các cộng sự khắc phục thông qua việc tận dụng lợi thế của internet, mạng xã hội và ứng dụng hội họp trực tuyến. Nhờ đó, cộng đồng của Hương đã truyền cảm hứng, kinh nghiệm cho hàng nghìn bạn trẻ Việt đang còn bỡ ngỡ khi lần đầu bước ra thế giới.

Quảng bá, lan tỏa văn hóa, truyền thống dân tộc đến bạn bè quốc tế theo những cách riêng biệt, không kém phần độc đáo cũng là cách thức mà nhiều du học sinh Việt Nam đang thực hiện. Tiêu biểu có thể kể đến dịch giả trẻ Nguyễn Bình (sinh năm 2001) hiện theo học Ngành Thiên văn học tại Trường đại học Arizona (Hoa Kỳ). Bình đã mạnh dạn dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Anh, và đã vinh dự nhận Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam. Được biết từ lúc là một cậu bé 10 tuổi, Bình đã có niềm yêu thích với lịch sử, văn chương và ngôn ngữ cổ. Nhưng quan trọng hơn cả, chàng trai "gen Z" ấy sớm mang trong mình ý thức muốn lan tỏa rộng sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam ra thế giới, ít nhất là ở các quốc gia nói tiếng Anh. Hiện Nguyễn Bình dự định sẽ chuyển ngữ thêm những tác phẩm kinh điển của văn chương Việt như Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc sang tiếng Anh.

Lọt vào danh sách Under 30 năm 2022 của Forbes Việt Nam, Phạm Mỹ Linh (ảnh trên) gây chú ý đặc biệt vì là gương mặt nữ trẻ nhất trong lĩnh vực kinh doanh và khởi nghiệp được ấn phẩm danh giá này bình chọn. Sau khi tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Trường đại học Birmingham (Vương quốc Anh), Mỹ Linh quyết định trở về nước, góp phần phát triển hệ thống dịch vụ và ghi dấu ấn với việc gọi vốn thành công 2,3 triệu USD vào OnOnPay từ các quỹ quốc tế. Chưa dừng lại ở đó, Mỹ Linh trở thành đồng sáng lập và là giám đốc chiến lược, triển khai các dự án quan trọng cho nền tảng thương mại điện tử B2B Telio.

Trong khi đó, với việc đạt danh hiệu Quả cầu vàng năm 2021 do Trung ương Đoàn cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1986) người từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Bách khoa Paris (Pháp) đã cho thấy người làm nghiên cứu có thể đạt được nhiều thành tựu tầm cỡ quốc tế ngay trên đất nước mình. Trong tám năm công tác tại Khoa Toán-Tin học, Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thanh Bình đã sở hữu bốn bằng sáng chế quốc tế liên quan đến việc xây dựng các hệ thống về trí tuệ nhân tạo (AI), 50 công trình khoa học mang giá trị lý thuyết và thực tiễn cao.

Có thể thấy, những đóng góp của thế hệ những người trẻ đã và đang học tập, làm việc ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng của đất nước. Vượt qua rào cản địa lý, họ luôn kề vai, sát cánh, đồng hành với thế hệ trẻ trong nước, chung tay xây dựng và phát triển Tổ quốc. Không chỉ vậy, những cá nhân tiêu biểu của lực lượng này đã và đang đóng vai trò tiên phong trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội. Để phát huy nguồn lực quý giá đó, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, làm tốt hơn nữa công tác thu hút, trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện thuận lợi giúp họ phát huy hết sở trường và năng lực sáng tạo để cống hiến cho đất nước.