Những tháng trước, do ảnh hưởng của Covid-19, các sản phẩm nông nghiệp đều giảm giá mạnh vì hoạt động vận chuyển và thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nhưng nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa vẫn thu mua sắn nguyên liệu với giá cao cho người dân.
Miền tây tỉnh Quảng Trị với 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn phù hợp trồng nhiều loại cây, nhất là trồng sắn cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa.
Anh Hồ Văn Chung ở thôn Thanh Ô, xã Thanh, huyện miền núi Hướng Hóa cho biết, vụ này gia đình anh trồng được 4ha sắn. Nhờ được chăm sóc tốt nên rẫy sắn cho năng suất khá cao. Dự kiến, số tiền thu về từ việc bán sắn của gia đình anh đạt khoảng 200 triệu đồng. Nhờ thu nhập cao từ việc trồng sắn, anh Chung có tiền làm nhà to, đẹp, ngoài ra còn tiết kiệm được một khoản tiền gửi ngân hàng.
Chủ tịch UBND xã Thanh, Hồ A Cất cho biết, xã có 6 thôn, gần 100% hộ gia đình ở các thôn đều trồng sắn nên người dân có thu nhập khá cao. Từ việc liên kết với nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa, trồng sắn đã đem lại hiệu quả lớn, góp phần làm cho cuộc sống người dân trong xã ngày tốt hơn.
Xã A Dơi nằm về vùng Lìa của huyện Hướng Hóa, năm nay trồng được gần 300ha sắn, thời điểm này, người dân đã thu hoạch được 1/3 diện tích. Cây sắn được mùa, được giá nên người trồng sắn rất vui, trung bình bán cho nhà máy với giá từ 2.300 đồng đến gần 3.000 đồng/kg sắn tươi. Nhiều gia đình ở xã này có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ việc trồng sắn sau mỗi vụ.
Anh Lý Văn Địa, thôn Đồng Tâm, xã A Dơi, những ngày này đang thu hoạch sắn. Anh cho biết, gia đình anh trồng được 6ha sắn. Với phương pháp trồng sắn hiện đại, mỗi ha sắn trên đất mới cho năng suất gần 40 tấn/ha; trồng trên đất cũ năng suất có giảm hơn, còn 23-25 tấn/ha. Anh Địa là người chăm chỉ làm ăn, rẫy sắn của anh luôn được bón phân nên năng suất năm nào cũng cao. Trừ chi phí đầu tư, anh Địa còn lãi được 50 triệu đồng/ha sắn mỗi vụ.
Nhờ thành tích trồng sắn giỏi, nhiều năm liền anh được kết nạp vào câu lạc bộ nông dân trồng sắn có thu nhập 100 triệu đồng. Tại xã A Dơi còn nhiều hộ trồng sắn giỏi như hộ của anh Hồ Văn Thịnh, Lý Văn Thức…
Ông Lê Ngọc Sáng, Phó Giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa của Tổng công ty Thương mại Quảng Trị cho biết, để thích ứng với tình hình mới, nhà máy luôn chủ động phương án phòng, chống dịch bệnh, luôn bảo đảm sản xuất, kinh doanh.
Xe tải chở sắn đến cổng nhà máy phải dừng lại để thực hiện đo thân nhiệt người trên xe, phun, xịt khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển. Tất cả giao dịch đều giữ khoảng cách quy định, cố gắng bảo đảm an toàn cao nhất cho nhân viên và người dân qua giao dịch mua bán.
Vì vậy, những lúc dịch Covid-19 cao điểm, nhà máy vẫn luôn bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, không có ca bệnh nào xuất hiện trong lực lượng công nhân và người mua bán hằng ngày. Trung bình mỗi ngày, nhà máy thu mua gần 1 nghìn tấn sắn tươi chế biến xuất khẩu tinh bột sắn.
Trồng sắn được xem là công việc phù hợp nhất với người dân tộc thiểu số ở miền tây tỉnh Quảng Trị, không chỉ hợp điều kiện tự nhiên, xã hội mà còn cả với trình độ canh tác của đồng bào, lại cho thu nhập khá cao. Thấy được điều đó, Tổng công ty Thương mại Quảng Trị liên kết với nông dân trồng sắn rồi bao tiêu sản phẩm, chứ không lấy đất của dân.
Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Quảng Trị cho biết, liên kết trồng sắn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân lại vừa giúp chính quyền 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông giữ được đất đai vùng biên giới, khẳng định chủ quyền bằng cách tạo điều kiện cho bà con sinh sống và sản xuất. 2 huyện này có khoảng 40 nghìn nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều và Tà Ôi liên kết trồng sắn với tổng diện tích 10 nghìn ha. Tổng thu nhập từ việc trồng sắn của người dân mỗi năm đến hơn 500 tỷ đồng.
Nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với Covid-19, Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã luôn sáng tạo nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả kịp thời động viên, khuyến khích người dân cùng người lao động của doanh nghiệp đều có lợi.
Hiện tại, có gần 100 nông dân người dân tộc Vân Kiều, Tà Ôi được kết nạp vào câu lạc bộ có thu nhập 100 triệu đồng/năm từ việc trồng sắn. Những người này được thưởng bằng các suất du lịch hoặc có chế độ ưu tiên cao trong các hoạt động.
Cụ thể, tại nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa đã thiết lập phòng “Bông sắn vàng” như phòng VIP, những người có sản lượng sắn nhiều được phát thẻ “Bông sắn vàng” khi đến nhà máy bán sắn được hưởng các chế độ nghỉ nghơi, ăn uống trong thời gian này. Ngoài ra họ còn được miễn giảm tiền khi sử dụng các dịch vụ khác của tổng công ty.
Đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra, Tổng công ty Thương mại Quảng Trị vẫn tiếp tục thu mua các loại nguyên liệu đầu vào cho người dân, không thể dừng hoạt động các nhà máy chế biến tinh bột sắn, mủ cao-su, viên nén năng lượng. Nếu dừng lại thì người lao động mất việc làm, người dân làm ra nguyên liệu không biết bán ở đâu, thiếu tiền để phục vụ cuộc sống sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội.
“Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp và dự báo còn kéo dài. Vì vậy, việc phát triển thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh là tất yếu mà tổng công ty luôn quan tâm để tìm ra hướng đi phù hợp nhất”, ông Hồ Xuân Hiếu khẳng định.