Người phi công làm hoang mang không lực Hoa Kỳ

NDO - NDĐT- Trong căn nhà đậm chất nghệ sĩ ở một con ngõ nhỏ phía ngoài đê sông Hồng, ông Nguyễn Hồng Mỹ nhớ lại những năm tháng hào hùng của một thời hoa lửa. Câu chuyện binh nghiệp của người phi công bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trong trận Điện Biên Phủ trên không có nhiều điều đặc biệt. Hơn 40 năm sau, những hồi ức về một thời quá khứ hào hùng vẫn còn nguyên vẹn.
Cuộc hội ngộ giữa ông Mỹ và người phi công lái chiếc F4 bị ông bắn rơi.
Cuộc hội ngộ giữa ông Mỹ và người phi công lái chiếc F4 bị ông bắn rơi.

Dội gáo nước lạnh đầu tiên

Không còn trong quân ngũ nhưng người phi công tiêm kích của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nào vẫn cứ thổn thức với bầu trời. “Anh hiểu trời hơn mọi người. Trời gắn với anh ngay từ những buổi đầu như thuở nào chúng ta đến với nhau bằng tất cả nỗi buồn vui thương nhớ. Em ơi em máu bọn anh đã đổ. Để giữ cho vòm cao mãi trong lành”. Ông chia sẻ, suy nghĩ của anh em phi công chúng tôi hết sức đơn giản: “Chiến đấu và giành chiến thắng, tất cả chỉ có vậy thôi…”.

Nhớ lại chuyến xuất kích, dội gáo nước lạnh vào không quân Hoa Kỳ, ông Mỹ kể: Ngày 19-1-1972, tôi nhận lệnh cất cánh chiến đấu. Tôi bay ở vị trí số một cùng thượng úy Lê Minh Dương. Sở chỉ huy báo có tốp máy bay cường kích của địch bay trên độ cao 4.000 m. Tốp máy bay địch hôm đó có tới 24 chiếc. Nhưng đúng lúc đó, đèn nhiên liệu của tôi cũng báo sắp hết xăng. Tôi xin sở chỉ huy là cố theo một đoạn nữa xem sao. Tôi tăng tốc và lấy độ cao cùng với máy bay địch, khi đến địa phận Nghệ An thì tôi cảm thấy thời cơ tốt nên phóng liền 2 quả tên lửa. Tôi biết đã trúng mục tiêu nhưng cự ly quá gần nên không tài nào tránh được. Máy bay tôi chui luôn vào đám cháy đó và động cơ bị tắt . Sở chỉ huy ra lệnh nhảy dù, tôi cố lượn vòng lại và hạ thấp độ cao. Sau đó, tôi khởi động lại thì động cơ lại nổ và hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa cũng là lúc hết sạch nhiên liệu.

Trong cuộc rượt đuổi gay go trên bầu trời suốt từ Hòa Bình vào đến Nghệ An, Nguyễn Hồng Mỹ đã bắn cháy chiếc F101 của không quân Hoa Kỳ trên bầu trời Nghệ An. Đó là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên mà không quân ta bắn rơi trong năm 1972, dội một gáo nước lạnh vào thái độ vênh vang của không quân Hoa Kỳ. Ngay trong ngày hôm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới thăm Trung đoàn Tiêm kích 921, khen ngợi, rút kinh nghiệm và động viên. Phi công Nguyễn Hồng Mỹ được gắn Huy hiệu Bác Hồ. Chiến tranh ngày càng leo thang. Ông Mỹ nhớ lại: “Hồi đầu năm 1972, chưa đánh lớn. Lúc ấy chủ yếu là các lực lượng máy bay trinh sát”.

Nguyễn Hồng Mỹ sinh năm 1946, quê ở Nghệ An. Năm 1965, khi đang học Đại học Kinh tế năm thứ nhất thì không quân về tuyển phi công ở các trường đại học, ông Mỹ đăng ký dự tuyển. “Hồi ấy tôi không nghĩ là tôi trúng đâu bởi lúc bấy giờ tôi nhỏ con lắm, chỉ hơn 50 cân thôi. Có những người to, khỏe nhưng cứ bị loại dần. Và tôi thì trúng tuyển”. Trong số 120 thanh niên ưu tú toàn miền Bắc được gửi đi học lái máy bay ở Liên Xô, tôt nghiệp Mig 21 có 19 người, Mig 17 được hơn 30 người.

Ông Mỹ kể lại, trong các chuyến được mời sang thăm Mỹ sau này, các sĩ quan không quân Mỹ gọi ông là anh hùng, ông bảo: Tôi chưa bao giờ được phong anh hùng. Họ trả lời, họ tôn trọng ông bởi vì ông là người đã bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên cùng với chiếc F4 của không quân Hoa Kỳ trong năm 1972, mở màn trận Điện Biên Phủ trên không. Và chính ông đã dội một gáo nước lạnh vào những thứ vũ khí vốn coi là tối tân bất khả xâm phạm, biểu tượng sức mạnh của nước Mỹ. Trong mắt họ, ông là một anh hùng.

Chiến tranh một lần nữa leo thang. Ngày 15-4-1972, không quân Mỹ bắt đầu đánh ra miền Bắc. Ngày 16-4-1972, ông Mỹ được lệnh xuất kích cùng đồng chí Lê Khương tại sân bay Nội Bài. Sở chỉ huy thông báo có tốp máy bay địch cách vị trí hai ông đang bay khoảng 15 km. Hôm đó, tốp máy bay địch quá đông, lúc đầu là 16 chiếc, sau tăng thêm 8 chiếc, tổng cộng có 24 chiếc chia làm nhiều vòng nối nhau. Ông Mỹ kể: Tôi bị một tốp ba chiếc F4 bám sát đằng sau. Chúng phóng 5 quả tên lửa nhưng tôi tránh được. Sau này, phi công Mỹ vẫn thắc mắc, không hiểu bằng cách nào tôi có thể tránh được đến năm quả tên lửa của họ. Lý do cũng đơn giản thôi. Tên lửa thì được lập trình theo quỹ đạo, chúng không thể bám theo lí trí, không thể bám theo những vòng bay sáng tạo của con người được. Nhưng, đến quả thứ 6 thì tôi thấy có một lực đẩy đi rất mạnh. Biết là dính đòn rồi. Cần lái lúc này không điều khiển được nữa. Máy bay tôi bốc cháy ở địa phận Hòa Bình. Ông Mỹ bị chấn thương ba đốt sống và gãy cả hai tay.

Về điều trị nhưng vẫn cứ đau đáu một điều là làm thế nào để được bay lại tiếp tục chiến đấu. Ông Mỹ kể: “Hôm đồng chí Tư lệnh quân chủng PK-KQ Phùng Thế Tài vào thăm tôi ở Viện 108, tôi xin đồng chí cho tôi về chiến đấu”. Sau đợt điều trị, một tay thì khỏi, còn một tay thì phải khoan bốn lỗ rồi đặt một cái nẹp sắt lên. Về bay được một thời gian, gãy cả nẹp sắt, tạo thành một khớp giả, nhưng không biết. Đến khi phát hiện, phải đi mổ lại, phải lấy xương chậu để ghép lên. Sau khi ghép lại tay thì cũng không thể bay được nữa. Ông Mỹ xin chuyển ngành trong nỗi nhớ da diết bầu trời.

Những người bạn của lịch sử

Người đã bắn rơi máy bay ông Nguyễn Hồng Mỹ ngày 16-4-1972 đó là một viên phi công Mỹ mang tên Daniel Edwards Cherry. Đã có một cuộc hội ngộ đặc biệt giữa hai con người, hai người lính đã từng đối đầu trong lịch sử và họ trở thành bạn của nhau sau cuộc gặp gỡ lịch sử đó.

Để tìm lại người phi công Việt Nam năm xưa, trong lá thư gửi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia li” từ Mỹ, ông Cherry đã viết: “Tôi đã từng tham chiến trong một trận chiến với không quân Việt Nam tại một địa điểm cách Hà Nội khoảng 30 dặm vào một buổi sáng ngày 16-4-1972. Người phi công bay chiếc Mig 21 ngụy trang và sau khi điều khiển rất tài ba chiếc máy bay trong nhiều phút, người phi công đã tung dù. Tôi luôn tự hỏi người đàn ông đó là ai? Anh ta còn sống sót sau lần nhảy dù đó không? Anh có gia đình không và có bao nhiêu con? Sẽ là một niềm hân hạnh lớn lao cho tôi được gặp anh. Chương trình có cách nào để tôi liên lạc với người phi công anh dũng đó không? Tuy chúng tôi đã là kẻ thù trong một khoảng thời gian nhưng tôi có cảm giác là chúng tôi có nhiều điểm giống nhau. Biết đâu giờ đây chúng tôi có thể tìm được những điểm chung cho một tình bạn mạnh mẽ”.

Tại trường quay ngày ấy, năm 2008, lần đầu tiên hai cựu phi công từng là đối thủ bầu trời của nhau, họ bắt tay nhau. Họ nhắc lại quá khứ để khép lại quá khứ. Ông Mỹ nói: "Riêng trận này tôi đã thua ông nhưng chung cuộc, chúng tôi đã thắng các ông. Trong không chiến, cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Điều đó ông rõ hơn ai hết. Và rất may, bây giờ chúng ta vẫn còn ngồi với nhau".

Sau cuộc gặp gỡ, tướng Dan Cherry đã tới Hà Nội, thăm ngôi nhà nhỏ của cựu phi công MiG-21 Nguyễn Hồng Mỹ ở phố Cầu Đất. Họ đã trở thành bạn bè…

Ông Mỹ kể: Năm 2009, khi lần đầu tiên tôi sang Mỹ, ông Dan Cherry đã bay sang Tampa, tiểu bang Florida để gặp tôi, đưa tôi đi thăm các nơi của nước Mỹ như một người hướng dẫn du lịch. Ông ấy đưa tôi đến Disney World và tham dự một buổi biểu diễn máy bay ở Florida. Và lần đầu tiên, sau 37 năm, ông Nguyễn Hồng Mỹ lái máy bay bay trên bầu trời, và đó là bầu trời nước Mỹ. Các tờ báo Mỹ khi đó đều đưa tin, bài về một phi công Việt Nam bay khai mạc biểu diễn tại triển lãm hàng không quốc tế.

Tại một buổi lễ với hơn 3000 người, ông Mỹ được trao quyết định bổ nhiệm đại tá danh dự. Năm 2011, ông lại được mời sang Mỹ nói chuyện và khai giảng lớp học Chỉ huy và Tham mưu của Không quân Mỹ. Lớp học có khoảng 500 sĩ quan đến từ khắp nước Mỹ. Tại đây, ông được tặng thưởng Huân chương danh dự.

Cuộc đời người phi công tiêm kích một thời tung hoành oanh liệt trên bầu trời một thời đã làm kinh hoàng không quân Mỹ. Bây giờ, ông sống một cuộc sống giản dị trong căn nhà ở một con ngõ nhỏ tại Hà Nội. Cuộc sống thường ngày không làm mất đi chất lính trong con người ấy. Nỗi nhớ bầu trời vơi đầy trong những cuộc tụ họp của những người đồng chí, anh em cùng chiến đấu năm xưa, nay người còn, người mất. Cuộc sống hiện tại cứ nối tiếp, có những người bạn mới như Cherry ở tít trời Tây cách xa nửa vòng trái đất vẫn thường xuyên sẻ chia những vui buồn cùng ông. Có những người bạn mới biết và tìm đến với ông để được lắng nghe về một thời quá khứ, về câu chuyện của một con người lịch sử.