Người mẹ “thứ hai” của nhiều nghiên cứu sinh

Với nụ cười hồn hậu, giọng nói nhỏ nhẹ, PGS, TS Phạm Thu Nga (trong ảnh, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) niềm nở đón chúng tôi tại phòng làm việc. Ở tuổi gần 70, PGS, TS Phạm Thu Nga vẫn nhiệt huyết với những đề tài nghiên cứu khoa học và với những học trò của mình.

Người mẹ “thứ hai” của nhiều nghiên cứu sinh

Năm 1985, PGS, TS Phạm Thu Nga sang Pháp học nghiên cứu sinh về chuyên ngành pha tạp đất hiếm. Sau gần ba năm, PGS, TS Phạm Thu Nga về nước, tiếp tục hướng nghiên cứu đã học tại Pháp với các công trình về bột huỳnh quang cho bóng đèn và phích nước. Hồi đó, điều kiện nghiên cứu còn thiếu thốn, kinh phí không nhiều, bà và các cộng sự chỉ đủ dành để trả tiền điện cho việc nghiên cứu. Khoảng đầu những năm 2000, GS, TSKH Nguyễn Quang Liêm - Viện trưởng Khoa học Vật liệu - đưa ra hướng nghiên cứu mới là vật liệu na-nô tinh thể bán dẫn. Thời kỳ ấy ở Việt Nam, lĩnh vực này còn khá mới mẻ, PGS, TS Phạm Thu Nga may mắn được một giáo sư vật lý người I-ta-li-a tìm giúp một bài báo khoa học về na-nô tinh thể CdS. Cảm thấy đây là một lĩnh vực thú vị, PGS, TS Phạm Thu Nga đã chuyển hướng nghiên cứu về vật liệu na-nô. Nhớ về khoảng thời gian đầu nghiên cứu về vật liệu na-nô, PGS, TS Phạm Thu Nga kể rằng, sự chính xác của các phép đo có ý nghĩa quan trọng với kết quả nghiên cứu, trong khi máy móc thiết bị của viện chưa đáp ứng được cho nên nhiều phép đo huỳnh quang, đo thời gian sống của phân tử theo thời gian... phải gửi mẫu ra nước ngoài để thực hiện. Để tiết kiệm chi phí, nhóm nghiên cứu thường tận dụng máy móc ở viện, thông số phép đo nào thật sự cần thiết kiểm chứng mới gửi ra nước ngoài phân tích, có khi kết hợp chuyến công tác đến các phòng thí nghiệm hiện đại của nước bạn để thực hiện các phép đo.

PGS, TS Phạm Thu Nga luôn hướng các hiểu biết và nghiên cứu cơ bản vào lĩnh vực ứng dụng thực tế ở Việt Nam, là một trong những người tiên phong ở Việt Nam nghiên cứu sử dụng phương pháp sol-gel và hóa ướt, để chế tạo các vật liệu thủy tinh silica pha tạp các i-ôn đất hiếm, sản xuất ra các chất bán dẫn nhóm II-VI (và dạng hợp kim của chúng) có kích thước na-nô, được gọi là các chấm lượng tử. Bà đã tự nghiên cứu cải tiến phương pháp tách hoạt chất curcumin trong củ nghệ vàng của Việt Nam với hiệu suất chiết ly cao và số lượng lớn trong thời gian rút gọn nhiều lần so với mô hình thông thường, nhằm phục vụ nguyên liệu cho ngành dược. PGS, TS Phạm Thu Nga cho biết: “Một công ty đặt hàng chúng tôi nghiên cứu quy trình tách chiết curcumin từ nghệ và tìm phương pháp phân biệt hàng thật, hàng giả. Chúng tôi đo phổ huỳnh quang và phổ micro-raman của củ nghệ để xác định chuẩn, sau đó đo phổ các sản phẩm curcumin trên thị trường và so sánh với mẫu chuẩn, nhờ đó xác định được curcumin tự nhiên và tổng hợp”.

PGS, TS Vũ Thị Hồng Hạnh - Trưởng khoa Vật lý, Trường đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên chia sẻ, PGS, TS Phạm Thu Nga là người có sự nhạy cảm khoa học rất tốt cho nên thường bắt nhịp các nghiên cứu mới rất nhanh, có định hướng nghiên cứu rõ ràng cho học viên. Vì thế, các nghiên cứu của nhóm cô thường rất thời sự và có tính ứng dụng cao. “Với cô Nga, tôi không chỉ có sự biết ơn của một người học trò mà còn như một người mẹ. Có những hôm trời lạnh, tôi từ Thái Nguyên xuống Hà Nội làm thí nghiệm mà không mang theo áo ấm, cô đã tặng khăn quàng, mua áo ấm cho tôi. Cô quan tâm tới tất cả học trò từ những điều nhỏ nhặt nhất. Có những đợt khu nhà trọ mất nước giữa mùa hè, cô đề nghị cả nhóm cứ cho quần áo bẩn vào túi để cô mang về nhà giặt. Học trò của cô thường ở tỉnh xa, hoàn cảnh khó khăn. Cô chăm sóc chúng tôi như người mẹ chăm sóc đàn con nhỏ”, PGS, TS Vũ Thị Hồng Hạnh xúc động nói.

Hiện đang theo học thạc sĩ tại ĐH Dresden (Đức), cậu học trò người Tày Hoàng Văn Nông từng gặp nhiều khó khăn khi học tại ĐH Công nghệ. Nhận thấy chí hướng học hành, đam mê nghiên cứu của Hoàng Văn Nông, PGS, TS Phạm Thu Nga tạo điều kiện để học trò của mình tham gia nhóm nghiên cứu, tiếp cận những vấn đề khoa học. Thương hoàn cảnh khó khăn của học trò, bà chu đáo lo cho học trò từng bữa cơm trưa.

Cho đến bây giờ, niềm yêu thương và mong muốn được giúp đỡ các học trò vẫn luôn là động lực và tâm niệm sống của PGS, TS Phạm Thu Nga. Dù đã về hưu, nhưng hằng ngày bà vẫn miệt mài trao đổi, hướng dẫn các nghiên cứu sinh của mình về những hướng nghiên cứu mới. PGS, TS Phạm Thu Nga cho biết, bà đang cùng một nghiên cứu sinh ở Đà Nẵng nghiên cứu sử dụng vật liệu na-nô để tạo pin mặt trời, và hy vọng cuối năm nay sản phẩm sẽ được hoàn thiện.

PGS, TS Phạm Thu Nga sinh năm 1950, hiện là nghiên cứu viên cao cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Bà được trao Giải thưởng Khoa học và Công nghệ của Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia năm 2000, huy chương Vì sự nghiệp khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2003, bằng khen Nữ trí thức tiêu biểu của Việt Nam giai đoạn 2010-2015. Năm 2016, bà là một trong năm nhà khoa học nữ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận giải thưởng Cô-va-lép-xkai-a cho cụm công trình nghiên cứu cơ bản định lý ứng dụng khoa học và công nghệ na-nô.