Người làm đẹp phố núi Pleiku bằng một bài thơ

Nhà thơ ấy, chỉ với một bài thơ, và bài thơ ấy được một nhạc sĩ lớn phổ nhạc, đã góp phần quan trọng mang lại niềm vui cho một thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thành phố Pleiku (Gia Lai). (Ảnh PHAN NGUYÊN)
Một góc thành phố Pleiku (Gia Lai). (Ảnh PHAN NGUYÊN)

Nhà thơ ấy là Vũ Hữu Định, một nhà thơ “của Đà Nẵng mình”, như cách những người Đà Nẵng vẫn gọi những người mà họ yêu quý và tự hào.

Nhạc sĩ phổ bài thơ để đời của Vũ Hữu Định chính là nhạc sĩ Phạm Duy.

Và thành phố được yêu thương trong bài thơ quá đỗi yêu thương ấy là thành phố Pleiku.

Bài thơ ấy có một cái tên quá đơn sơ, quá dễ gần, và cuối cùng, quá dễ in vào tâm hồn của rất nhiều người, nhất là những người đã từng ở, đã từng biết tới thành phố Pleiku.

Tôi không có nhiều dịp lên thăm Pleiku. Nhưng trong những lần tôi tới nơi đây, thành phố duyên dáng miền cao nguyên này luôn để lại trong tôi những ấn tượng. Nhưng ấn tượng đầu tiên lại bắt đầu từ một… bài thơ, bài Còn một chút gì để nhớ của người bạn tôi - cố thi sĩ Vũ Hữu Định. Không phải thành phố nào cũng nhận được một bài thơ hay, một bài thơ dễ thương đến thế, mà để đời đến thế như bài thơ nhỏ của Vũ Hữu Định.

Đúng là Pleiku phải bắt đầu từ “phố núi cao phố núi đầy sương/phố núi cây xanh trời thấp thật buồn”. Một vẻ gì mơ hồ, lặng lẽ, khiêm nhường, nhưng hàm chứa đủ nét đẹp tiềm ẩn cuốn hút khách phương xa. “Anh khách lạ đi lên đi xuống/may mà có em đời còn dễ thương”.

Anh đi lên đi xuống chỉ vì có gì đó buộc anh không thể bỏ qua, không thể lơ đãng, dù chưa thể cắt nghĩa. Còn “em” ở đây chính là Pleiku đó, đúng như đoạn thơ sau này trong bài thơ: “em Pleiku má đỏ môi hồng/ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/nên mắt em ướt và tóc em ướt/da em mềm như mây chiều trong”.

Em là thành phố, mà thành phố cũng là em, bài thơ vừa mờ sương vừa trong trẻo, như Pleiku buổi chiều và Pleiku tắm trong màu nắng sáng.

Với tôi, cùng với bài thơ Vũ Hữu Định, Pleiku chính là thành phố thơ ca. Không hẳn thành phố nào sản sinh nhiều thi sĩ thật nổi tiếng thì mới được gọi là thành phố thơ ca. Vẻ đẹp thơ ca luôn là vẻ đẹp chìm ẩn, mà Pleiku lại có đúng vẻ đẹp ấy.

Những năm sau hòa bình, khi tôi được về Trại sáng tác văn học Quân khu 5 do nhà văn Nguyễn Chí Trung phụ trách, một nhà thơ “trong thành” mà tôi chơi thân đầu tiên chính là nhà thơ Vũ Hữu Định. Anh Định khi ấy là nhân viên Điện lực Đà Nẵng, công việc chính của anh là “chạy vòng ngoài”, “sếp” chỉ đâu đánh đó, nên rất rỗi rãi. Thế là suốt ngày Vũ Hữu Định cứ luẩn quẩn ở số nhà 1B Ba Đình chơi với chúng tôi, chủ yếu là chơi với tôi và Thái Bá Lợi, hai nhà thơ, nhà văn trẻ “trong rừng”. Quen ở rừng, quen ở chiến trường nên tôi với Lợi đều rất thoải mái, chơi với Vũ Hữu Định thì quá vui. Cứ chiều chiều, mấy anh em (có Đoàn Huy Giao nữa) thường kiếm quán cóc nào đó ngồi uống rượu thuốc với nhau. Mồi mè đơn sơ, rượu rẻ tiền, vì chúng tôi dạo đó rất “đói”, nhưng vui lắm.

Tôi còn nhớ, có lần Vũ Hữu Định kể tôi nghe ngày còn chiến tranh, anh viết xong bài thơ Còn một chút gì để nhớ là khi anh đào ngũ khỏi “quân lực Việt Nam Cộng hòa” và bị bắt đi “lao công đào binh”. Đi lao công đào binh thì khổ lắm, vừa khổ vừa nguy hiểm, dễ chết như không, lại không có lương bổng gì hết. Bị đày lên tận vùng ngã ba biên giới để canh giữ một tiền đồn, vừa khổ vừa đói vừa buồn, Vũ Hữu Định lại trốn khỏi “lao công đào binh”. Từ đó, anh chính thức trở thành một nhà thơ “lang thang cơ nhỡ, trốn lính”. Bài thơ anh viết về Pleiku vừa được in trên báo Sài Gòn chưa lâu thì nhạc sĩ Phạm Duy đọc được, thấy hay quá, lại hợp với mình, ông bèn phổ nhạc. Phạm Duy là nhạc sĩ lớn, nên bài thơ Còn một chút gì để nhớ ông phổ nhạc vừa hay, vừa giữ gần như nguyên từng câu thơ của Vũ Hữu Định.

Khi kể tôi nghe, Định nói là bản nhạc làm anh rất thích, nhưng thích nhất là Phạm Duy giữ nguyên lời bài thơ của anh, kể cả đầu đề cũng không thay đổi. Chỉ có điều này khiến anh hơi “khó khó chịu”. Đó là không nghe Phạm Duy nói gì về tác quyền bài thơ cả, dù lúc đó Vũ Hữu Định đã là nhà thơ khá nổi tiếng trên thi đàn Sài Gòn. Mà nhà thơ, lại kiêm “lao công đào binh trốn lính” nữa, thì đói thường trực.

Anh nói với bạn bè, phen này phải đi gặp Phạm Duy để đòi tác quyền bài thơ. Nói là làm. Vũ Hữu Định đã về Sài Gòn, tìm đến nhà Phạm Duy, và… đòi nhuận bút tác quyền. Hóa ra, Phạm Duy cũng rất vui vẻ, tiếp anh nhà thơ “đói”, và đưa ngay cho anh một số tiền kha khá, gọi tạm là “tác quyền” bài thơ. Vũ Hữu Định vô cùng sảng khoái, vì mình đã tới tận nhà Phạm Duy, và “đòi tiền” thành công. Anh rủ bạn bè đi uống bia thoải mái. Tiền tác quyền Phạm Duy đưa cho anh khá nhiều, phải uống bia tới mấy bữa mới hết. Sau đó lại đói. Nhưng vui.

Vũ Hữu Định hồn nhiên như thế, nên gặp tôi với Thái Bá Lợi là thân nhau ngay, vì chúng tôi cũng hồn nhiên không kém.

Tháng 3/1976, khi tôi mới về Trại sáng tác Quân khu 5, thì được giao ngay nhiệm vụ “đi bán Mùa gặt tháng Tư”. Không phải bán lúa bán gạo gì, mà bán… thơ văn. Đó là tập sách đầu tiên của Trại sáng tác chào mừng kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên sau hòa bình. Điều ngạc nhiên thú vị nữa là cái tên sách “Mùa gặt tháng Tư” lại là tên một bài thơ của Vũ Hữu Định trong tập sách ấy. Khỏi nói Định đã sung sướng và tự hào thế nào, vì anh chỉ là “cựu lao công đào binh” lại được in bài thơ chào mừng Quốc hội khóa đầu tiên sau hòa bình, tên sách lại lấy ngay tên bài thơ của anh. Nội chuyện đó đã khiến chúng tôi có nhiều cuộc nhậu mừng cho Vũ Hữu Định. Sách bán chạy, dù tiền thu về thì lúc có lúc không. Nhưng ông Nguyễn Chí Trung nói: “Tiền bạc không quan trọng, đây là sách chào mừng, một món quà quý của anh em văn nghệ khu 5, vậy thôi”.

Vũ Hữu Định đã vui với mấy anh em chúng tôi suốt mấy năm chúng tôi ở Đà Nẵng; tới năm 1979 thì Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh phải ra Hà Nội học trường Viết văn Nguyễn Du, còn tôi với Ngô Thế Oanh lại về Quy Nhơn biên chế vào Hội Văn nghệ Nghĩa Bình.

Năm 2021, 40 năm sau ngày mất của Vũ Hữu Định, tôi gặp nhà thơ Văn Công Hùng ở Pleiku, được nghe anh kể về độ lan tỏa kỳ lạ của bài thơ Còn một chút gì để nhớ. Nó đã thành bài thơ nằm lòng của nhiều người dân Pleiku. Nhà thơ ấy đã làm đẹp cho phố núi Pleiku bằng một bài thơ nhỏ để đời. Và nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ ấy thành một ca khúc để đời. Còn gì đẹp hơn thế?