Con cháu Lạc Hồng

Người kết nối buôn làng

Cùng chúng tôi đi dọc cung đường nhựa chạy về thôn Ka Đô, xã Ka Đô, huyện nông thôn mới Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, chị Tou Prong Nai Khoan, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện chia sẻ: "Ở thôn đồng bào dân tộc thiểu số này, có già làng Tou Prong Dzung hay lắm, ông là "đôi mắt", người "truyền lửa" của buôn làng người Chu Ru mình đó".
0:00 / 0:00
0:00
Già làng Tou Prong Dzung (bên trái) trong chuyến thăm vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc năm 2014.
Già làng Tou Prong Dzung (bên trái) trong chuyến thăm vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc năm 2014.

Trong ngôi nhà mới khang trang, già Dzung mở lời: "Tôi đã uống nguồn nước dòng Đa Nhim hơn 70 năm rồi. Thời khốn khó đã qua, giờ buôn làng mình, huyện mình hiện đại lắm". Quả thật, những ai lâu không tìm về vùng đất bên dòng sông huyền thoại này sẽ khó nhận ra vùng đất mưa nắng dãi dầu của những ngày xưa cũ. Ka Đô giờ là xã nông thôn mới kiểu mẫu, không còn hộ nghèo.

Già Tou Prong Dzung là người hiếm hoi ở buôn làng thời khó khăn được đi học; bởi thế, dân làng thường tìm đến ông nhờ đọc, nhờ viết. Nhiều người ví ông là "đôi mắt" của buôn làng là vậy. Sau này, già Dzung trở thành giáo viên. Năm 1993, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng ở xã. "Hồi đảm nhiệm cương vị chủ tịch xã, mình là người tiên phong phá độc canh cây lúa, trồng xen hoa màu. Mình nói được, phải làm được, nói đi đôi với làm thì bà con mới tin", già Dzung chia sẻ. Từ sự tiên phong của ông mà người dân nơi đây đã thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường, đời sống đã khấm khá hơn nhiều.

Từng kinh qua nhiều vị trí, chức vụ, như Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã kiêm Bí thư Chi bộ liên thôn, từ khi nghỉ hưu, ông làm Bí thư Chi bộ thôn Ka Đô cũ đến năm 2020 và hiện tại là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ka Đô. Nhờ đó, già Dzung chứng kiến rất rõ sự đổi thay trên quê hương mình và đồng cảm với đời sống của nhân dân. "Phải thấu hiểu cuộc sống của dân làng mới giúp họ tìm cách thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Và quan trọng, là cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò già làng thì phải gần dân, giúp dân và làm gương trước" - già Dzung thổ lộ.

Chị Nai Khoan cho biết, già Dzung rất giỏi thuyết phục, là "trung tâm" kết nối bà con dân làng. Bởi ông nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hiểu hoàn cảnh của người dân trong thôn, văn hóa tộc người nên giải thích thấu tình, đạt lý.

Trong Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng năm 2022 vừa tổ chức, già làng Tou Prong Dzung là người được giao "thắp ngọn lửa thiêng" khai hội. Ông bảo, văn hóa là nền tảng của dân tộc, cùng với chăm lo phát triển kinh tế, phải quý trọng giá trị văn hóa truyền thống. "Mình luôn vận động, khuyến khích lũ trẻ tìm tòi để biết, hiểu văn hóa dân tộc mình; phải biết dân ca, dân vũ, đánh chiêng… Hiểu mới yêu, mới gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống" - già Dzung chia sẻ.

Ở nhiều vị trí công tác, nhưng ông cảm thấy hạnh phúc nhất khi được làm giáo viên. Khi đã nghỉ hưu, niềm vui đó lại đến với ông. Từ năm 2000 đến nay, già Dzung được mời tham gia đào tạo tiếng Chu Ru cho cán bộ, công chức huyện Đơn Dương. Ông rất vui khi ngôn ngữ đồng bào mình được nhiều người biết đến. Điều này có thể giúp nhiều người hiểu rõ hơn về văn hóa dân tộc Chu Ru và lan tỏa nét đẹp trong cộng đồng.

Trong lần gặp mới đây, khi tôi hỏi chuyện về già làng Tou Prong Dzung, Bí thư Đảng ủy xã Ka Đô Huỳnh Văn Quang cho biết, ông Dzung là người nhiệt tình, trách nhiệm với cộng đồng. Có thể nói, trong hành trình Ka Đô đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu, có sự đóng góp quý báu của những người có uy tín như già.