Người H’Re băng rừng về rừng

NDO -

Những ngày qua, hơn 600 bà con người H’re, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi từ vùng núi cao các tỉnh miền trung - Tây Nguyên trở về quê. Người lớn trẻ em lội bộ, băng rừng ngày đêm, trốn tránh chốt chặn phòng chống dịch Covid-19 từ các ngã đường với hy vọng về bản làng. Hành trình trở về của đoàn người H’re lộ diện góc xám ở vùng núi cao Quảng Ngãi.

Đi bộ, vượt đường rừng hai ngày đêm, vợ chồng Phạm Văn Thô và Phạm Thị Lích được ngành chức năng đón về nha. “Mình mang theo 12 con cá chuồng, ít cá khô và 30 lon gạo đi rừng làm keo thuê”, Phạm Thị Lích vui mừng khi được về nhà.
Đi bộ, vượt đường rừng hai ngày đêm, vợ chồng Phạm Văn Thô và Phạm Thị Lích được ngành chức năng đón về nha. “Mình mang theo 12 con cá chuồng, ít cá khô và 30 lon gạo đi rừng làm keo thuê”, Phạm Thị Lích vui mừng khi được về nhà.

12 con cá chuồn và 30 lon gạo

“Đi 25 ngày rồi nay mới về tới nhà. Hôm đi thì chỗ làm cho ứng trước 500 nghìn đồng. Mình ra chợ mua 12 con cá chuồn giá 40 nghìn đồng, với ít thịt heo nữa. Mua về muối mặn để mang lên rừng ăn 15 ngày. Vợ chồng cõng thêm 30 lon gạo, lên đó hết thì mua thêm. Không có nhiều tiền nên phải để dành. Muối mặn nhiều thì ăn được lâu. Nên hôm đi bộ mình ăn cơm với ít cá chuồn, cá khô còn lại. Lúc đói, lúc không nhưng cũng đủ tới xã Hiếu thì có xe chở về", Phạm Thị Xi ở thôn Gò Ghèm, xã Ba Dinh kể lể.

Ngồi chờ tới lượt để được mấy mẫu xét nghiệm, khám sức khỏe trước khi về nhà, vợ chồng Phạm Thị Xi và Phạm Văn Hóp lục ba lô lôi ít bánh vụn ra ăn đỡ đói. Hành trang sau 25 ngày đi rừng làm thuê của vợ chồng Xi là hai cái balô gọn ghẽ. Bên trong là ba cái nồi nhỏ, ít muối, mắm, vài bộ quần áo cũ, tấm bạt và ít đồ dùng sinh hoạt. Chai nước suối lớn và cái rựa, dao chặt cây lột vỏ keo đeo tòng teng bên hông của Hóp.

H2_Hre-1626430170990.JPG
 Vợ chồng anh Phạm Văn Thỏa và chị Phạm Thị Kết nhận hàng hỗ trợ của địa phương sau nhiều ngày băng rừng về nhà ở xã Ba Dinh. “Ba đứa con mình gởi cho cha mẹ ở làng. Vợ chồng đi gần một tháng, dịch Covid-19 sợ không về được nên quyết định đi bộ về nhà. Mình nhớ con”, Kết bùi ngùi nói.

Gần tháng trước vợ chồng Xi đi cùng 28 người làng lên xe vô núi làm keo thuê cho chủ ở xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Đi chuyến thứ hai nhưng Xi cũng chỉ nhớ chổ ở gần hồ lớn, rừng keo nhiều cây to. Hai tấm bạt trải dưới, che trên cây là nơi trú ngụ của Xi trong những ngày rừng.

Đốn keo, lột vỏ và chất lên xe cho chủ rừng là việc thường nhật. Đàn bà ngày công 220 nghìn đồng, đàn ông 230 nghìn đồng, hôm khỏe thì làm, mệt thì nghỉ. Không có việc thường xuyên nên thu nhập chỉ một nửa so lời hứa của môi giới việc làm.

Dịch Covid-19 ập đến các tỉnh phong toàn giao thông, việc làm không có vợ chồng Xi cùng làng quyết định về nhà. “Anh em đòi về nên xe chở keo chở từ rừng ra đường xã. Sau đó mình đi bộ từ đó xuống đường lớn bị chặn. Mình vòng lại lên đường rừng qua xã Hiếu (tỉnh Kon Tum) giáp với Ba Tơ đó, có người chở về. Mình không biết đường, cứ đi thôi. Mình sợ lạc đường bị bắt nhốt”, Hóp bối rối. 

Dù đã về đến quê núi sau chặng đường dài, cha con anh Phạm Văn Trinh và Phạm Thị Giang vẫn chưa thôi bàng hoàng. Nỗi ám ảnh trong chuyến đi đầu bị bỏ rơi trong rừng sâu khiến Giang hoảng sợ. Nhà ở thôn Mang Mô, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, giáp ranh tỉnh Kon Tum, nghỉ hè lớp 10, Phạm Thị Giang theo cha đi làm thuê kiếm thêm tiền. Hai tuần trước, chuyến xe chở cha con Giang cùng người làng vào rừng keo ở xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Lột vỏ keo ngày công 220.000 đồng, Giang còn thêm việc cơm nước, giặt giũ cho hai cha con. Lán trại là cây và tấm bạt phủ giữa rừng khiến Giang không thể chợp mắt những ngày đầu, sức khoẻ cũng yếu đi. 60 lon gạo hai cha con ứng tiền cõng lên núi cùng mươi con cá chuồng, cá khô giúp cha con Giang quen dần khi sống ở rừng lạ. Mươi ngày sau, keo ứ đọng, không có việc làm cha con Giang và bà con đi cùng quẩn quanh, chờ ngóng. Hai ngày sau cha con Giang quyết định vượt rừng về quê núi, khi cái đói khát mấp mé lán trại.

H3_Hre-1626430170928.JPG
 Ở tuổi 60, ông Phạm Văn Vâm là người già nhất đi làm rẫy thuê cùng bà con trong làng Mang Mô. Kinh nghiệm sống làng bản miền núi Ba Tơ giúp ông có sức về làng sau chặng đường dài đi bộ hai ngày-đêm.

“Nghỉ hè nên con muốn tranh thủ đi làm giúp ba mẹ. Kiếm 2 triệu thì có tiền mua quần áo, sách vở. Con nhỏ nhưng lên đó họ vẫn nhận công làm trả tiền như mấy cô nên đỡ việc cho ba", Phạm Thị Giang rụt rè nói.

Anh Phạm Văn Trinh giải thích “Vợ ở nhà trông hai đứa nhỏ, mình đi làm kiếm tiền, cực quen rồi. Con nó muốn đi để trông coi cơm nước, làm thêm được chút nào thì làm. Nó đòi đi nên mình cho. Không ngờ chuyến đầu lại khổ như vậy, sợ nhất là đói trong rừng. Qua dịch mình cũng đi nữa”

Đoàn 47… đoàn 28… đoàn 147…

Cơn mưa rừng đầu mùa trút ào cuốn theo lá vàng khô rừng cây chưa kịp rụng. Phía trước trạm y tế xã Ba Dinh huyện Ba Tơ, những ba lô nhiều màu xen lẫn túi xách cũ kỹ bên trên là mấy cái nón lá cũ lủng lổ chổ ướt đẫm sau trận mưa rào. Trong vài ngày, trung tâm các xã vùng sâu huyện Ba Tơ Ba Vì, Ba Dinh, Ba Xa… những chuyến xe chở từng nhóm người cùng hàng trang lỉnh kỉnh.

“Vợ chồng tui ở đoàn 47 người đi từ Khánh Hòa về. Qua nay lên nhận quà hỗ trợ có nhiều đoàn về lắm. Người quen của mình đi trong đoàn 147 người ở Khánh Hòa về đó. Được đón về nhà là mừng”, vợ chồng Phạm Văn Thô và Phạm Thị Lích nhìn nhau thẹn thùng.

Hành trình của Thô và Lích ở xã Ba Dinh cùng con nhỏ sau 20 ngày rừng xa về nhà cũng đầy trắc trở. Lích lúng túng: “Gạo mùa dịch mua trên đó 160 nghìn đồng/kg, mình đâu có nhiều tiền mà mua nữa. Họ bảo nếu dịch còn kéo dài thì gạo còn tăng giá nữa nên vợ chồng mình lo về”. Đoàn người 47 thành viên già trẻ, bé lớn cùng nhau gồng gánh hạ sơn. Đi bộ từ trên rừng xuống đường xã bị chặn, đoàn 47 người phải quay ngược tìm đường rừng khác xuống đường lớn đón xe ô-tô. Đi bộ hai ngày một đêm, con trai nhỏ 13 tuổi của vợ chồng Lích kiệt sức. Vài đứa trẻ trong đoàn theo cha mẹ không chịu nỗi nắng nóng, đói khát.

H4_Hre-1626430171374.JPG
 Bà con H’re về từ Bình Định được kiểm tra sức khỏe, mấy mẫu xét nghiệm.

Đến các điểm ủy ban nhân dân xã nhận hỗ trợ lương thực, kiểm tra sức khoẻ, bà con H’re lại rộn ràng, vui tươi hơn. “Về đoàn mấy… ở đâu… đi bộ mấy ngày…” là những câu hỏi thăm của những người đồng cảnh ngộ. Vui mừng xen lẫn xót xa. “Đoàn mình 30 người, trên đường đi thì còn gì ăn nấy. Mình xin nước, xin mì tôm có người cho người không. Tối thì ngủ ven đường. Do dịch Covid-19 nên nhiều người không dám nói chuyện với mình. Tối thì đoàn mình ngủ cách xa các nhà dân để đề phòng dịch. Mình cũng sợ mà”, chị Phạm Thị Kết ngậm ngùi.

Những ngày qua, xã Ba Dinh đón ít nhất ba đoàn, với hơn 150 người đi làm rẫy từ vùng núi cao các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định trở về. Các đoàn đi theo nhóm từ 28 đến 47 người và trở về làng qua nhờ sự hỗ trợ nơi sở tại hoặc từ quê nhà đón ở các điểm chốt chặn liên tỉnh.

Trên thực tế, số bà con H’re đi từng nhóm nhỏ trở về nhiều hơn. Chủ tịch UBND xã Ba Dinh Phạm Văn Ôn cho biết, hiện vẫn còn nhiều bà con làng bản trong xã bị kẹt ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên và chưa thể trở về quê do dịch bệnh.

“Họ tự về, đi lát đát từng nhóm nhỏ. Nhiều đoàn nhiều người về nhà rồi lên khai báo y tế. Bà con nói nơi làm rẫy khó khăn, thiếu thốn ốm đau, lương thực gần cạn nên phải về nhà”, Chủ tịch UBND xã Ba Dinh nói thêm.

60 tuổi, ông Phạm Văn Vâm ở thôn Mang Mô, xã Ba Xa là người già nhất nhóm bà con H’re liên tỉnh về quê. Mái tóc bạc trắng, balô nhỏ gọn cùng dao rựa chặt keo, ông Vâm gần như đuối sức sau hai ngày đêm lội bộ qua các ngã đường. Kinh nghiệm sống ở rừng núi Ba Tơ cho ông sức để trở về nhà. “Lúc đi đoàn mình 25 người, giờ 21 người về, 4 người còn lại vẫn trụ bám rừng chưa trở về. Mình đi mấy đoàn trước đây rồi nhưng lần này là cực nhất. Sợ đói nên tôi rủ anh em về, tới đâu hay tới đó”.

... lầm lũi

Từ nhiều năm qua, chuyện bà con H’re các làng bản huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Hà… tỉnh Quảng Ngãi đi làm thuê rừng rẫy các tỉnh miền trung - Tây Nguyên không còn xa lạ. Cứ đến mùa vụ, ở trung tâm các xã miền núi Ba Tơ xuất hiện những chuyến xe khách tập kết đưa bà con H’re hành quân từ rừng Ba Tơ đến các cánh rừng xa lạ mưu sinh. Từ mai mối chủ xe kết nối với chủ rừng tìm công lao động đến người đi trước kéo người đi sau lầm lũi chuỗi ngày kiếm thêm tiền bên ngoài cánh rừng Quảng Ngãi.

Thống kê tại xã Ba Dinh cho thấy, toàn xã có 5.350 người thì có khoảng 400 người đi làm keo thuê các tỉnh. Ở xã Ba Xa, có 5.000 người thì có đến hơn 500 người đi chặt keo thuê liên tỉnh, chiếm 10% dân số.

Theo báo cáo sơ bộ của huyện Ba Tơ, hiện có khoảng 620 người dân là đồng bào H’re từ các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Nam… trở về quê trong những ngày qua khi dịch Covid-19 lan rộng các tỉnh. Thực tế, số người trở về theo nhóm nhỏ, đi các ngã đường rừng liên tỉnh khác nhiều hơn. Cho đến nay các xã huyện miền núi Ba Tơ chưa thể thống kê chính xác số bà con đi làm thuê trở về nhà.

“Nhiều đoàn về được đón, nhiều nhóm 8 đến 16 người thì tự đi. Họ theo các ngã đường qua các tỉnh để về nhà. Có nhóm băng qua thủy điện, vượt đèo các tỉnh về địa phương. Chúng tôi nắm thông tin và đón bà con ở các điểm chốt đưa về nhà”, Thiếu tá Đinh Tô Lâm, Trưởng Công an xã Ba Xa cho hay.

H5_Hre-1626430170865.JPG
Bà con H’re về từ Bình Định được kiểm tra sức khỏe, mấy mẫu xét nghiệm. 

Thực trạng người dân miền núi Quảng Ngãi đi làm thuê rừng rẫy các tỉnh ngày càng nhiều. Với ngày công lao động từ 220.000 đến 230.000 đồng, làm thuê thời vụ kéo dài từ 15 đến 20 ngày. Họ lầm lũi đi về, không ít người biết không nhiều người hay. Dịch Covid-19 đến, đoàn người lầm lũi ấy đối diện nguy hiểm, rủi ro cho bản thân. Còn chính quyền địa phương thì không nắm rõ, không quản lý được dân sinh của mình.  “Họ đi làm không xin giấy tờ, không báo địa phương. Xã có nói bà con là đừng đi làm xa do tình hình dịch phức tạp nhưng họ vẫn đi mình không quản được”, Chủ tịch UBND xã Ba Dinh Phạm Văn Ôn cho biết.

Những ngày này, bà con các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi vẫn ngày đêm tìm đường trở về miền núi quen thuộc. Chính quyền địa phương rà soát, kiểm tra lại số người vắng, số người đã về an toàn để tính toán, lo liệu. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lữ Đình Tích cho hay, bà con đi làm ăn xa kiếm thêm thu nhập là chính đáng, phù hợp.

Tuy nhiên, việc quản lý an sinh tại các xã vùng sâu, vùng xa cần phải điều chỉnh hơn nữa. “Công tác quản lý dân trên địa bàn, nắm cho được dân mình ở đâu, làm gì để khi có chuyện mình đưa bà con về. Nếu có sự cố địa phương can thiệp, hỗ trợ dân tốt hơn, tránh lúng túng như hiện nay. Quản lý địa bàn tốt để tránh rủi ro, nguy hiểm cho bà con”.

Cơn mưa rừng hắt thẳng vào những thân người lầm lũi đi về phía làng. Rừng hoang sơ giữa đại ngàn Quảng Ngãi vẫn dang rộng vòng tay nuôi sống nhiều phận người. Bức tranh miền núi nhiều mảng màu trắng xám hiện dần qua những phận người lang bạt.