Người gắn bó với ngành khoa học và công nghệ nano

Ðược xem như người dẫn dắt ngành khoa học và công nghệ nano, năm 1997, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu (trong ảnh) đã khởi xướng chương trình đào tạo và nghiên cứu ngành khoa học và công nghệ nano tại Việt Nam. Và ông sớm trở thành người đồng hành trong suốt quá trình gây dựng và phát triển Viện Công nghệ Nano (INT) trực thuộc Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Người gắn bó với ngành khoa học và công nghệ nano

Đặt “nền móng”

Theo INT, năm 2003, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã cử đoàn cán bộ tham dự Hội nghị quốc tế về công nghệ nano được tổ chức tại Thái Lan, đồng thời với việc triển khai Ðề án Nghiên cứu chiến lược xây dựng và phát triển công nghệ Nano tại Ðại học Quốc gia. Từ đây, Ðại học Quốc gia trở thành đơn vị đi đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nano tại các tỉnh phía nam bằng việc triển khai Dự án Giáo dục Ðại học do Ngân hàng Thế giới tài trợ với kinh phí gần 4 triệu USD.

Từ dự án này, năm 2004, Phòng Thí nghiệm Công nghệ nano trực thuộc Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập với thiết bị hiện đại, chuyên sâu. Lúc này, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu đã ngoài 60 tuổi, nhưng với niềm đam mê khoa học và mong muốn xây dựng nền móng cho lĩnh vực công nghệ nano ở khu vực phía nam cho nên ông đã nhận lời làm Chủ tịch danh dự của INT.

Sau khi thành lập, INT nhanh chóng thực hiện các đề tài nghiên cứu và công bố các công trình khoa học trong lĩnh vực công nghệ nano và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Ðến nay, INT đã công bố 465 bài báo khoa học và thực hiện 102 đề tài, dự án các cấp. Trong đó, có hai dự án quốc tế quy mô và quan trọng, đó là: Dự án SATREPS hợp tác với Trường đại học Kyushu do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, kinh phí 5 triệu USD; Dự án Ðẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ do Ngân hàng Thế giới tài trợ, kinh phí 2,5 triệu USD.

Nhằm phổ biến và cập nhật kiến thức về khoa học và công nghệ nano cho cán bộ giảng dạy, nghiên cứu viên trẻ của các trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam, từ năm 2004, INT phối hợp với tổ chức MINATEC (Pháp) mở những lớp chuyên đề bồi dưỡng thường niên với sự tham gia giảng dạy của các giáo sư và chuyên gia đến từ Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan... Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu rất ủng hộ hoạt động này, đồng thời ông cũng là người chủ trì lớp chuyên đề MINATEC ngay từ năm đầu tiên. Tính đến nay, INT đã tổ chức được 18 lớp chuyên đề công nghệ micro-nano với sự tham gia của gần 1.500 học viên. Các học viên được MINATEC và INT cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học.

Ðến năm 2004, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu đảm nhận thêm chức vụ Hiệu trưởng sáng lập Trường đại học Công nghệ (thuộc Ðại học Quốc gia Hà Nội). Lúc này, lãnh đạo Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi với ông về đề án mở chương trình đào tạo thạc sĩ công nghệ nano để tăng cường đội ngũ nhân lực nghiên cứu lĩnh vực này ở phía nam.

Ðược sự ủng hộ của GS Nguyễn Văn Hiệu, năm 2005, INT đã phối hợp với Trường đại học Công Nghệ mở khóa đào tạo cao học chuyên ngành Vật liệu và Linh kiện nano. Chương trình này tuyển sinh được 8 khóa với 80 học viên tốt nghiệp thạc sĩ. Trong đó, có nhiều người tiếp tục học lên chương trình tiến sĩ, rồi làm công tác giảng dạy, nghiên cứu…

Hợp tác quốc tế, phục vụ cộng đồng

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghệ micro-nano ở Việt Nam và nhu cầu hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới, năm 2007, INT phối hợp với CEA-LETI-MINATEC (Pháp) lần đầu tổ chức Hội nghị quốc tế về công nghệ Nano và ứng dụng (IWNA). Ðến nay, trải qua bảy lần tổ chức, các Hội nghị IWNA đã thu hút sự quan tâm rất lớn của giới khoa học đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm và các công ty trên thế giới… Những báo cáo chất lượng được gửi phản biện và đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Một trong những thế mạnh của INT là nghiên cứu phục vụ cộng đồng, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Vì vậy, bắt đầu từ năm 2013, INT đều tổ chức thường niên Hội thảo Ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp (WANA). Mục tiêu của hội thảo là giới thiệu, quảng bá rộng rãi các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng trong nông nghiệp đến các công ty, doanh nghiệp và nông dân tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Qua bảy lần tổ chức tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền trung, hội thảo thu hút sự quan tâm rất lớn của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân. INT đã trao tặng và thương mại hóa nhiều sản phẩm nghiên cứu ứng dụng cho các tỉnh Bình Thuận, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu…

20 năm gắn bó cùng INT, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu có nhiều đóng góp lớn lao cho sự phát triển của INT nói riêng và lĩnh vực công nghệ nano ở Việt Nam nói chung. Là giáo sư, tiến sĩ khoa học ngành vật lý lý thuyết và vật lý toán học xuất sắc, ông đã công bố hơn 130 công trình nghiên cứu khoa học, trải rộng trên nhiều lĩnh vực.

Sự nghiệp và đóng góp của GS Nguyễn Văn Hiệu được ghi nhận qua nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý: Giải thưởng Lênin (1986), Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật (1996), Huân chương Ðộc lập hạng nhất (2009), Nhà giáo Nhân dân (2010)….