Người dân ùn ùn trở lại các thành phố lớn sau kỳ nghỉ Tết

NDO -

Từ sáng 6/2 (mùng 6 Tết), người dân từ các tỉnh đổ dồn về cửa ngõ Thủ đô và các thành phố lớn làm việc, học tập sau kỳ nghỉ dài, lượng phương tiện ô-tô, xe máy tăng đột biến, khiến nhiều đoạn tuyến bị ùn tắc giao thông.

Phương tiện dồn về Thủ đô.
Phương tiện dồn về Thủ đô.

Lưu lượng phương tiện tăng cao đột biến

Cả ngày mùng 6 Tết, ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc thời tiết mưa phùn, rét đậm, giao thông đi lại trở nên khó khăn hơn. Ngay từ sáng sớm, tại ngã tư Pháp Vân-Giải Phóng-quốc lộ 1, lực lượng Cảnh sát giao thông thuộc Đội Cảnh sát đường bộ số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội) dầm mình trong làn mưa rét để phân luồng, hướng dẫn dòng phương tiện đổ về trung tâm Hà Nội.

Càng về gần trưa, lượng phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình và tuyến đường vành đai 3 trên cao hướng về trung tâm Hà Nội càng tăng cao. Một chiến sĩ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng cho biết, năm nay nghỉ Tết khá dài, một số người dân đã quay trở lại Hà Nội từ vài hôm trước, nhưng hôm nay lượng người đi lại mới tăng cao, do đây là ngày cuối của kỳ nghỉ Tết.

Dự báo, chiều tối 6/2, lượng phương tiện tiếp tục đổ dồn về cửa ngõ Thủ đô, các lực lượng chức năng đã bố trí nhiều tổ công tác tuần tra lưu động, chốt trực dọc các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 5 để hướng dẫn, phân luồng giao thông. Trên tuyến quốc lộ 6 từ Tây Bắc về Hà Nội, đường Hồ Chí Minh từ các tỉnh phía nam qua huyện Chương Mỹ (Hà Nội), lượng phương tiện lưu thông cũng tăng cao, nhưng không xảy ra ùn tắc kéo dài.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội thông tin, để bảo đảm giao thông đón luồng phương tiện từ các tỉnh về Thủ đô sau kỳ nghỉ Tết, đơn vị đã chỉ đạo các đội Cảnh sát giao thông phụ trách địa bàn ứng trực 100% quân số, phối hợp lực lượng của Cục Cảnh sát giao thông chốt trực tại các tuyến giao thông cửa ngõ Thủ đô.

Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, trời chuyển mưa rét, càng dễ phát sinh ùn tắc, va chạm giao thông, vì vậy lực lượng cảnh sát giao thông đã bố trí tăng cường nhân lực, nỗ lực phân luồng, bảo đảm giao thông để người dân từ quê quay trở lại Hà Nội có lộ trình an toàn, thuận lợi nhất.

Người dân ùn ùn trở lại các thành phố lớn sau kỳ nghỉ Tết -0
Ùn tắc ở nút cổ chai cầu Mỹ Thuận khi người dân miền tây di chuyển tới TP Hồ Chí Minh.

Từ sáng nay, hàng chục nghìn người dân từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ cũng ùn ùn trở lại TP Hồ Chí Minh, gây ùn tắc cục bộ tại chân cầu Mỹ Thuận phía bờ Vĩnh Long. Hàng nghìn phương tiện, chủ yếu là xe máy nối đuôi nhau “dồn cục” tại khu vực này, nhiều gia đình còn chở theo con nhỏ cùng hành lý lỉnh kỉnh như ba lô, vali, thùng xốp đựng thực phẩm. 

Gần trưa, lượng phương tiện dồn về ngày càng đông, khiến hàng nghìn xe máy chậm chạp nhích từng chút một qua cầu. Đoạn cầu Mỹ Thuận đến ngã ba An Hữu (thuộc địa phận xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), lượng phương tiện cũng dồn thành dòng, di chuyển rất chậm.

Anh Nguyễn Văn Minh, quê An Giang đi xe máy chở theo vợ và con nhỏ cho biết, gia đình anh cũng đoán có khả năng kẹt xe nên khởi hành từ 4 giờ sáng hy vọng đường sẽ thông thoáng nhưng đến cầu Mỹ Thuận cũng đành chịu cảnh ùn tắc vì quá đông phương tiện.

Lượng lao động và sinh viên về quê từ cách đây mấy tháng, giờ quay trở lại TP Hồ Chí Minh ồ ạt sau Tết là nguyên nhân chính khiến các tuyến đường hướng về TP Hồ Chí Minh xảy ra ùn tắc. Mặc dù tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đã được thông xe phục vụ phương tiện ô-tô lưu thông dịp Tết, vì vậy tuyến quốc lộ 1 qua Tiền Giang được giảm tải phần nào, nhưng cầu Mỹ Thuận là “nút thắt cổ chai”, khiến ô-tô, xe máy lưu thông đến đây bị dồn ứ lại.

Mặt khác, tại điểm cuối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đoạn nút giao quốc lộ 1-quốc lộ 30 (ngã ba xã An Thái Trung), cũng phải tiếp nhận một lượng lớn phương tiện từ thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) cùng lúc đổ ra khiến khu vực này cũng xảy ra tình trạng kẹt xe. Một người dân cho biết, biết trước tình trạng kẹt xe nên anh đã đi từ rất sớm, tuy nhiên đến tuyến tránh thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) và ngã ba An Thái Trung, điểm cuối đoạn cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận phải nhích từng chút một trong biển người.

Trước tình trạng trên, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Tiền Giang đã có mặt tại các “điểm nóng” trên quốc lộ 1, đoạn cuối cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận để điều tiết, phân luồng giao thông. Đến 15 giờ chiều, tình trạng giao thông vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Khách bay qua Nội Bài, Tân Sơn Nhất tăng cao

Theo Cảng vụ Hàng không miền bắc, trong ngày 6/2, sân bay Nội Bài (Hà Nội) dự kiến khai thác hơn 370 chuyến bay (gồm 168 chuyến nội địa đi, 166 chuyến nội địa đến, 18 chuyến quốc tế đi và 20 chuyến quốc tế đến). Lượng khách nội địa đi từ cửa ngõ hàng không khu vực phía bắc này dự kiến lên tới 56 nghìn khách.

Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đánh giá, số lượng chuyến bay và hành khách qua sân bay Nội Bài trong hai ngày 5 và 6/2 đều tăng mạnh so dịp trước Tết. Hành khách đi đường hàng không qua Nội Bài vào ngày cao điểm dịp Tết năm nay tăng gần gấp 2 lần so ngày cao điểm Tết Nguyên đán năm trước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so Tết Nguyên đán năm 2020 (ngày cao điểm đạt 620 chuyến với 91 nghìn hành khách).

Người dân ùn ùn trở lại các thành phố lớn sau kỳ nghỉ Tết -0
Hành khách làm thủ tục hàng không tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo trực tiếp thị sát tại sân bay Nội Bài sáng 6/2 đánh giá, lượng khách qua Nội Bài tuy tăng cao nhưng vẫn chưa đạt công suất tối đa, khả năng đáp ứng của sân bay. Hành khách làm thủ tục hàng không vẫn bình thường và thuận lợi, không xảy ra ùn tắc. Dịp cao điểm Tết, các hãng hàng không và đơn vị phục vụ mặt đất đều tăng cường nhân lực hỗ trợ khách tại quầy làm thủ tục và trước điểm kiểm tra an ninh soi chiếu, giải tỏa khách để không xảy ra ùn tắc cục bộ.

Đón trước nhịp độ tăng trưởng trở lại của các đường bay nội địa, cùng với việc khôi phục đường bay quốc tế thường lệ chở khách, sân bay Nội Bài đã có kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ theo từng giai đoạn. Đồng thời, triển khai kế hoạch tăng cường bảo đảm an ninh cấp độ 1 trong dịp Tết, kết thúc vào ngày 11/2 theo chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam; rà soát năng lực đáp ứng của 2 nhà ga hành khách vào các giai đoạn cao điểm, khung giờ cao điểm.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ các hãng hàng không để nắm bắt chính xác kế hoạch bay, bố trí vị trí đỗ máy bay; mở tối đa hệ thống máy soi chiếu an ninh, mở lại khai thác sảnh E, linh hoạt điều chỉnh quầy thủ tục, sắp xếp cửa ra máy bay, băng tải hành lý phù hợp thực tế và nâng cao năng lực phục vụ hành khách. Hiện 102 quầy check in tại nhà ga T1 và 22 điểm soi chiếu an ninh có khả năng thông qua 4.000 khách/giờ.

Để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân đi vào phía nam sau kỳ nghỉ Tết, các hãng hàng không đang lên kế hoạch tăng chuyến từ nay đến ngày 12/2. Ngay trong sáng 6/2, các hãng hàng không đã xây dựng kế hoạch tăng hơn 100 chuyến bay trong các ngày từ 6 đến 12/2, chủ yếu ở chặng Hà Nội-TP Hồ Chí Minh. Do các giờ ban ngày đã kín, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng xây dựng kế hoạch bay vào khung giờ đêm.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), trong ngày 6/2, ngày cuối của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hành khách tiếp tục ồ ạt đổ về sân bay, lượng khách tiếp tục phá kỷ lục từ đầu mùa Tết với hơn 670 chuyến bay, hơn 101 nghìn lượt người. Trong khi lượng khách bay đi từ Tân Sơn Nhất chỉ đạt hơn 31,7 nghìn khách, lượng khách các chuyến bay đến tiếp tục tăng cao, đạt hơn 70 nghìn khách (tăng 4.000 khách so ngày 5/2). 

Ga quốc nội đi ở Tân Sơn Nhất trong ngày 6/2 đông nhất trong khung 7-8 giờ sáng với hơn 2.800 khách, ga quốc nội đến tăng mạnh từ khoảng 9 giờ sáng, trung bình mỗi giờ có khoảng 3.500 khách. Khung giờ đông nhất là 16-17 giờ với hơn 4.700 khách, 18-19 giờ gần 3.900 khách. Đặc biệt, khung giờ tối từ 21 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau, lượng khách qua sân bay này liên tục ở mức cao, dao động trong khoảng từ 3.700 đến hơn 4.300 khách/giờ. 

Lượng khách tăng cao đột biến ở sân bay khiến ta-xi truyền thống và xe công nghệ như Grab, Be bị thiếu trầm trọng, không đủ đáp ứng nhu cầu của hành khách, nhiều người phải chờ đợi vài tiếng mới đón được xe, nhiều hành khách chờ quá lâu phải kéo hành lý ra đường Trường Sơn để đón taxi.

Cảng vụ Hàng không miền nam đã trực tiếp làm việc với các ngành chức năng và Hiệp hội vận tải taxi, cũng như yêu cầu các đơn vị tại Tân Sơn Nhất căn cứ kế hoạch phục vụ Tết xây dựng phương án phối hợp tăng cường phương tiện để giải phóng khách nhanh, tránh bị ùn tắc.

Để giải tỏa hành khách nhanh nhất có thể, an ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất đã phối hợp Đồn Công an sân bay, công an phường 2 quận Tân Bình và lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố điều tiết, phân luồng, duy trì an ninh trật tự khu vực bên trong nhà để xe; phối hợp điều hành các hãng taxi tập trung lượng xe về khu vực sân bay giải phóng khách. Nhà chức trách hàng không cũng khuyến cáo hành khách đến Tân Sơn Nhất trong dịp này nên chủ động xe cá nhân hoặc đặt xe trước để tránh phải chờ đợi quá lâu tại sân bay.

Tết sẻ chia