Đây là nhận định được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến “Cảm nhận và trải nghiệm của người dân về phản ứng của chính quyền trước tác động của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam: Kết quả khảo sát qua điện thoại Vòng 2, năm 2021” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong tổ chức ngày 7/12, tại Hà Nội.
84% đánh giá cao công tác ứng phó của Chính phủ
Năm 2021, tác động tiêu cực lên việc làm và thu nhập của Covid-19 trở nên rõ rệt hơn, với 77% người được hỏi cho biết thu nhập bị giảm, đặc biệt là đối với những người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động tự do phi nông nghiệp, lao động không có tay nghề, lao động làm việc trong các ngành dịch vụ và những người sinh sống tại các khu vực có thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.
Tuy nhiên, đánh giá của người dân về các biện pháp ứng phó của các cấp chính quyền trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư cho thấy, đa số người trả lời khảo sát vẫn đánh giá cao mức độ hiệu quả trong công tác ứng phó với dịch Covid-19 của các cấp chính quyền, cho dù tỷ lệ này thấp hơn năm 2020. Theo đó, 84% số người được hỏi đánh giá công tác ứng phó của Chính phủ là tốt hoặc rất tốt (97% của năm 2020), 89% đánh giá công tác ứng phó của chính quyền cấp tỉnh là tốt hoặc rất tốt (94% của năm 2020).
Người dân thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với hầu hết các biện pháp phòng, chống dịch. Đóng cửa chợ dân sinh và trường học là các biện pháp ít được ủng hộ hơn.
Tham tán Phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, bà Cherie Russell đánh giá cao cuộc khảo sát này. “Thông qua kết quả khảo sát này, chúng ta có cơ hội được lắng nghe tiếng nói và trải nghiệm của người dân Việt Nam. Nghiên cứu thực chứng này sẽ cung cấp thông tin cho các quyết định chính sách và xây dựng lòng tin hơn nữa trong cộng đồng đối với việc thực hiện các chính sách này”, bà nói.
Cần tập trung triển khai gói hỗ trợ cho nhóm người nghèo
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh: “Kinh nghiệm của Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy rằng lòng tin và sự tín nhiệm của người dân là chìa khóa thành công trong công tác ứng phó với đại dịch của Chính phủ”.
Bà Caitlin Wiesen chia sẻ thêm, năm 2022 với những thách thức khó lường, với chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 thần tốc ở Việt Nam và sự ủng hộ của người dân đối với biện pháp đeo khẩu trang và các biện pháp ứng phó nhanh và linh hoạt của Chính phủ, bà tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức của đại dịch và sớm phục hồi.
Kết quả khảo sát đưa ra một số khuyến nghị, nhấn mạnh sự tin tưởng của người dân là động lực quan trọng, quyết định mức độ hiệu quả trong việc ứng phó đại dịch của các cấp chính quyền. Đồng thời, cần tập trung triển khai gói hỗ trợ cho nhóm người nghèo, lao động không có tay nghề, lao động thời vụ, người làm việc trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Hỗ trợ của cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội và các nhóm/cá nhân từ thiện trong thời gian dịch bệnh hoặc các khủng hoảng tương tự cần được coi trọng và chính thức ghi nhận.
Mặt khác, cần đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ để giúp người dân nhận hỗ trợ kịp thời hơn. Các dịch vụ công trực tuyến cần được cải thiện, qua đó, khuyến khích người dân sử dụng các biện pháp không tiếp xúc trong quá trình làm việc, giao dịch trực tiếp…
Cuộc khảo sát qua điện thoại chuyên sâu này được thực hiện từ ngày 17/9 đến ngày 15/10 với sự tham gia của 1.501 người dân được chọn ngẫu nhiên từ mẫu dân số năm 2019 của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh Việt Nam (PAPI).
Mục đích của khảo sát là so sánh cảm nhận và trải nghiệm của người dân tại 63 tỉnh, thành phố vào năm 2021 với của cảm nhận và trải nghiệm của người dân ở năm 2020 để hiểu những thay đổi trước và trong đại dịch Covid-19.