Người dân bỏ tiền túi, giải cứu động vật hoang dã

NDO -

Thời gian qua, bên cạnh việc nói không với hành vi buôn bán, sử dụng động vật hoang dã, nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh sẵn sàng bỏ tiền túi để giải cứu thành công nhiều cá thể động vật quý hiếm bị săn bắn, nuôi nhốt. Thông điệp bảo vệ môi trường tự nhiên đang được lan tỏa, góp phần làm thay đổi suy nghĩ, tư duy của cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường.

Từ năm 2021 đến nay, Vườn quốc gia Vũ Quang đã tiếp nhận 220 cá thể động vật hoang dã do người dân và lực lượng chức năng bàn giao.
Từ năm 2021 đến nay, Vườn quốc gia Vũ Quang đã tiếp nhận 220 cá thể động vật hoang dã do người dân và lực lượng chức năng bàn giao.

Sau khi bàn giao 44 cá thể rùa quý hiếm thuộc nhóm IB, IIB cho Vườn quốc gia Vũ Quang, anh Phạm Việt Thắng ở Hà Tĩnh khẳng định, nếu gặp lại các cá thể động vật quý hiếm đang bị nuôi nhốt, bày bán, anh vẫn tìm mọi cách để “giải cứu”, đưa động vật về với rừng.

“Do đặc thù công việc tại ngành điện lực thường xuyên đi công tác, khảo sát đường dây tại các vùng biên giới ở các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, thấy nhiều người dân bán các loại động vật quý hiếm, đặc biệt là rùa nên tôi đã thu mua lại”, Anh Phạm Việt Thắng cho biết.

Cũng theo chia sẻ của anh Thắng, lúc thu mua, suy nghĩ của mình đơn giản lắm, mình mua về chăm sóc một thời gian rồi sẽ bàn giao, trao trả chúng về thiên nhiên. Những lúc đó tôi suy nghĩ, nếu mình không gặp và mua kịp thời thì có khi những chú rùa này sẽ được bán cho một nhà hàng nào đó, điều này sẽ thật đáng tiếc.

Theo nhẩm tính của anh Phạm Việt Thắng, để thu mua được 44 cá thể rùa quý hiếm được bàn giao cho Vườn quốc gia Vũ Quang, anh phải rất nhiều lần rong ruổi đi từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình mới bắt gặp, phát hiện được các cá thể này đang nằm trong nhà dân hoặc đang được người đi rừng rao bán.

Chia sẻ về những trăn trở của mình, anh Phạm Việt Thắng đề xuất, để hoạt động “giải cứu”, cứu hộ không bị đánh đồng với hành vi buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã, rất cần có cơ chế, hành lang pháp lý để khuyến khích, bảo vệ người dân khi tham gia hoạt động cứu hộ, bảo tồn động vật rừng quý hiếm. Đồng thời, cần xây dựng trung tâm cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã trên địa bàn để kịp thời cứu chữa, chăm sóc các cá thể động vật bị thương sau khi được người dân bàn giao.

Được biết, trong tổng số 44 cá thể rùa quý hiếm được anh Thắng bàn giao cho Vườn quốc gia Vũ Quang, có 3 cá thể rùa cổ sọc (tên khoa học là Mauremys sinensis), là loài động vật quý hiếm thuộc nhóm IIB, được quy định trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; 41 cá thể rùa hộp trán vàng (tên khoa học là Cuora galbinifrons), là loài động vật quý hiếm thuộc nhóm IB, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Cũng vào trung tuần tháng ba vừa qua, sau khi biết tin có hai người đàn ông lạ mặt đang rao bán một con khỉ vàng và một con trăn đất, lo sợ hai cá thể này bị các nhà hàng, quán ăn mua giết thịt nên anh Nguyễn Đức Đan, ở xã Xuân Liên (Nghi Xuân) sốt sắng tìm mọi cách để “giải cứu”, đưa hai cá thể động vật quý hiếm trở về với tự nhiên. Biết được mục đích anh Đan nên bà con lối xóm cũng ra sức thuyết phục hai người lạ mặt bán lại cá thể trăn đất, khỉ vàng cho anh Đan.

Người dân “bỏ tiền túi”, “giải cứu” động vật hoang dã -0
 Anh Nguyễn Đức Đan bàn giao cá thể khỉ vàng và trăn đất cho Kiểm Lâm Nghi Xuân.

Sau khi “giải cứu” thành công hai cá thể động vật từ tay người lạ, anh Đan đã báo ngay cho Hạt kiểm lâm huyện Nghi Xuân đến tiếp nhận và bàn giao hai cá thể nói trên cho đại diện Vườn quốc gia Vũ Quang chăm sóc, tái thả về môi trường tự nhiên. Được biết, đây không phải là lần đầu anh Nguyễn Đức Đan mua lại động vật hoang dã thả về tự nhiên. Vừa qua, anh Đan từng mua một con trăn gấm, một cá thể rùa mái vàng để tái thả về rừng tự nhiên.

Mới đây, khi biết tin gia đình ông Trần Hậu Hải (Thạch Hà) giao nộp cá thể linh trưởng cho lực lượng kiểm lâm, người dân thôn Quý Linh, Thạch Xuân mới tá hỏa biết được đây là loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm, được xếp hạng nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN thế giới. Cũng như ông Hải, đa phần người dân đang sinh sống tại đây bày tỏ quan điểm, nếu biết trước đây là động vật quý hiếm thì chúng tôi đã thông báo, bàn giao lại cho lực lượng chức năng để tái thả vào tự nhiên.

Bà Đinh Thị Thi, vợ ông Hải cho biết: Mùng 3 Tết Nguyên đán 2022, trong lúc cả nhà chúng tôi đang vui Tết đón Xuân thì có một chú chà vá vào trước khu vực sân nhà và quanh quẩn ở đó. “Ban đầu gia đình tôi cũng không biết đây là con vật gì, chỉ biết nó thuộc họ khỉ, thấy đẹp nên đông đảo bà con quanh xóm đến xem. Vợ chồng tôi thấy thương thì kiếm chuối, ổi, thỉnh thoảng luộc thịt cho nó ăn và từ đó đến tháng 4/2022 thì sống cùng gia đình chúng tôi. Nhiều lần có người gạ hỏi mua với giá hơn trăm triệu nhưng vợ chồng tôi không bán”, bà Đinh Thị Thi chia sẻ.

Sống ở bìa rừng xã Thạch Xuân nhưng đây là lần đầu tiên vợ chồng ông Hải, bà Thi thấy con vật này. Sau khi chăm nuôi một thời gian, vợ chồng ông quyết định trình báo lên thôn và chính quyền địa phương. Cán bộ kiểm lâm huyện Thạch Hà sau đó về gia đình xác minh và khẳng định đây là loài chà vá chân nâu (tên khoa học là Pygathrix nemaeus). Đây là một loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm, được xếp hạng nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN thế giới.

Phó Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang, Thái Cảnh Toàn cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng và bảo tồn các loại động vật quý hiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong cộng đồng dân cư, hoạt động săn bắn, buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn đã thuyên giảm đáng kể, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường tự nhiên, nhất là các động vật quý hiếm được nâng lên rõ rệt.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Vườn quốc gia Vũ Quang đã tiếp nhận 220 cá thể động vật hoang dã do người dân và các lực lượng chức năng bàn giao. Sau khi tiếp nhận, hầu hết các cá thể động vật đã được chăm sóc, huấn luyện tập tính hoang dã, trước khi được thả về với môi trường tự nhiên để sinh tồn, phát triển.