Người có công nỗ lực đóng góp cho cộng đồng

NDO - Sơn Động là huyện miền núi nghèo của tỉnh Bắc Giang nhưng nơi đây có tới gần 1.800 hộ gia đình có công với cách mạng. Những năm qua, cùng với phong trào phát triển kinh tế-xã hội, chung tay xây dựng nông thôn mới, người có công ở Sơn Động không chỉ tự mình vươn lên thoát nghèo, mà nhiều người còn trở thành những tấm gương tiêu biểu, có đóng góp tích cực cho cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Ma Hữu Khang (giữa) trao đổi về công tác vận động nhân dân hiến đất làm đường.
Ông Ma Hữu Khang (giữa) trao đổi về công tác vận động nhân dân hiến đất làm đường.

    Về đến xã An Lạc, đa phần người dân đều biết đến ông Ma Hữu Khang, người dân tộc Tày. Hơn 70 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, nhưng thương binh Ma Hữu Khang vẫn luôn tận tụy với công việc của bản làng.

    Ngôi nhà gỗ vợ chồng ông sinh sống nằm trên ngọn đồi thoai thoải của thôn Đồng Bài. Ngôi nhà ấn tượng với mỗi người có dịp ngang qua bởi sân vườn ngăn nắp với khung cảnh thanh bình.

    Gặp chúng tôi ông cho biết: “Từ ngày nghỉ công tác ở xã, tôi về tham gia hoạt động cùng chi bộ thôn, nhưng khi cần tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã thì anh em vẫn đến nhờ tôi hỗ trợ. Từ năm 2012, tôi được bà con bầu chọn là người uy tín trong cộng đồng. Được Đảng tin, dân mến, thì dù có tuổi cao tôi cũng nguyện dốc sức lực của mình để giúp cho đời sống bà con ngày càng được nâng cao”

    Cách đây nhiều năm khi nhà nước có chủ trương giao rừng cho dân bảo vệ, ông Khang là người tiên phong nhận đất giữ rừng. Khi đó quyền lợi bảo vệ rừng không được là bao, nhưng ông đã vận động được nhiều hộ dân trong xã tham gia để những cánh rừng mãi xanh tốt cho đến ngày nay.

    Khi phong trào phát triển kinh tế rừng phát triển, ông Khang lại là người tiên phong bỏ công sức, tiền của để trồng rừng kinh tế.

    Cùng với đó, ông tận tình hướng dẫn bà con về kỹ thuật chăm sóc cây, cách chọn giống cây keo, cây bạch đàn sao cho phù hợp với vùng núi nơi đây.

    Chỉ vài năm sau, hiệu quả kinh tế phát triển rừng đã giúp gia đình ông và nhiều gia đình trong xã vươn lên thành những hộ có kinh tế khá giả.

    Những năm gần đây, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, một lần nữa ông lại là người tiên phong hiến đất mở đường, làm đường bê-tông cho bà con đi lại.

    Gia đình ông đã hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường. Ông cùng với các cấp chính quyền thôn, xã đi vận động nhân dân tạo nên phong trào hiến đất làm đường rộng khắp trong toàn xã.

    Đến nay, hàng chục nghìn mét vuông đất của các hộ gia đình trong xã đã được hiến để mở đường liên thôn, liên xã.

    Chia tay ông Khang, đi trên con đường trải nhựa rộng thênh thang với hai bên ngút ngàn xanh ngắt của rừng bạch đàn, chúng tôi về xã Tuấn Đạo thăm mô hình Hợp tác xã ong mật hữu cơ Sơn Động của thương binh Nguyễn Đức Minh.

    Với phương châm nghỉ hưu không nghỉ việc, ông Minh quay về khởi nghiệp trên quê hương Tuấn Đạo sau gần 30 năm cống hiến trong quân ngũ.

    Ông Minh say mê chia sẻ về kinh nghiệm nhân giống cũng như cách chăm sóc đàn ong bản địa. Ông bảo, ong tự nhiên thì phải được sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, và cũng chính vì vậy mật ong rừng hữu cơ Sơn Động mới được giá cao trên thị trường, được nhà nước công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

    Người có công nỗ lực đóng góp cho cộng đồng ảnh 2

    Ông Nguyễn Đức Minh bên gian trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã.

    Hợp tác xã do ông Minh sáng lập đến nay đã thu hút được hơn 50 hộ gia đình tham gia làm thành viên. Kỹ thuật nhân đàn, kỹ thuật dưỡng ong trong mùa cây rừng chưa ra hoa đều được các thành viên nắm bắt thành thục. Nuôi ong tự nhiên là nguồn thu nhập ổn định, thường xuyên của các hộ gia đình nơi đây.

    Cùng với việc phát triển đàn ong, ông Minh với vai trò là giám đốc hợp tác xã còn mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc và nhân lực mở nhà xưởng sản xuất nước uống tinh khiết và sản xuất hương. Hai xưởng sản xuất của hợp tác xã đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động.

    Về hưu với quân hàm đại tá, 50 năm tuổi Đảng, giờ đây ông Minh cũng đã bước sang tuổi thất thập; nhưng với ý chí của Anh bộ đội Cụ Hồ, ông Minh từ bỏ cuộc sống nơi phố thị để về quê giúp bà con phát triển kinh tế, góp phần thay da đổi thịt vùng đất núi rừng vốn nghèo khó quê ông.

    Theo báo cáo của UBND huyện Sơn Động, trong hơn 1.800 hộ gia đình người có công với cách mạng, thì có đến có 172 người là thương, bệnh binh, 121 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, 171 thân nhân liệt sĩ… Toàn huyện có 38 mẹ được nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

    Những năm qua được sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước, sự hoạt động hiệu quả của các phong trào giúp nhau làm kinh tế trong cộng đồng, đến nay 100% số hộ người có công đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, nhiều thương bệnh binh, người có công đã trở điển hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện, nhiều người được nhân dân bầu chọn là người có uy tín trong cộng đồng.

    Chị Vi Thị Tú, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện chia sẻ, huyện Sơn Động xác định công tác chăm lo đời sống người có công với cách mạng là nhiệm vụ xuyên suốt, thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; mỗi cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền các cơ quan đơn vị phải huy động tối đa các nguồn lực toàn xã hội để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

    Đến nay hầu hết các hộ gia đình người có công đã có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Và thật quý báu hơn nữa khi những người có công lại đang tiếp tục nỗ lực cống hiến đóng góp những thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng dân cư - nơi các bác, các anh đang sinh sống.