“Người bạn” 30 năm đồng hành với sinh viên

Suốt 30 năm qua, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam (tiền thân là Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật sinh viên) đã không ngừng thích ứng, sáng tạo để trở thành “người bạn” của sinh viên thông qua những chương trình đa dạng, sôi nổi, thiết thực, gần gũi.
0:00 / 0:00
0:00
Các đội bóng futsal sinh viên tranh tài tại Giải Thể thao sinh viên Việt Nam (VUG) do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam tổ chức. Ảnh: vug.vn
Các đội bóng futsal sinh viên tranh tài tại Giải Thể thao sinh viên Việt Nam (VUG) do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam tổ chức. Ảnh: vug.vn

Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên quận Hoàng Mai (thành phố Hà Nội), mọi người đều biết hoàn cảnh của em Nguyễn Thị Ly, học sinh lớp 12A2. Mắc căn bệnh hiểm nghèo từ khi lọt lòng, Ly đã bị bỏ rơi tại bệnh viện, không rõ nhân thân. Sau này, một cặp vợ chồng giàu lòng trắc ẩn đã nhận em làm con nuôi. Thế nhưng, khi cô bé Nguyễn Thị Ly mới được 13 tháng tuổi, bố mẹ nuôi của em bỗng đột ngột ra đi sau một vụ tai nạn. Ly lại về ở cùng bà nội nuôi. Tuy nhiên, bà đã già yếu không còn sức lao động, bản thân em cũng đau ốm liên miên. Hai bà cháu đành dẫn nhau đi ăn xin qua ngày.

Sau này, khi đã đi học, với bản tính khiêm tốn, hiền lành và chăm chỉ, cô gái sinh năm 2005 luôn được thầy cô, bạn bè giúp đỡ, hỗ trợ tận tình. Không những luôn đứng trong tốp đầu của lớp, của trường, nhiều lần đi thi học sinh giỏi cấp thành phố..., Nguyễn Thị Ly còn thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện như “Tiếp sức mùa thi”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Hoa phượng đỏ”, hỗ trợ các thầy, cô giáo kèm cặp các bạn trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Với bà nội, em luôn là người cháu hiếu thảo. Dù được nhiều nơi ngỏ ý nhận nuôi và chính bà cũng động viên Ly nhận lời, nhưng em vẫn một mực từ chối để chăm sóc bà. Hiện, hai bà cháu sống dựa vào nguồn trợ cấp hằng tháng khoảng 1,5 triệu đồng của Hội Chữ thập đỏ.

Xác minh hoàn cảnh của Ly, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam đã nhanh chóng triển khai học bổng “Vững tương lai” tặng Nguyễn Thị Ly. Trong bốn năm tới, Trung tâm sẽ hỗ trợ tổng cộng 80 triệu đồng (mỗi năm 20 triệu đồng, xét duyệt lại từng năm dựa trên kết quả học tập) từ nguồn Quỹ Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam.

Ðược khởi động từ năm 2012, hiện nguồn quỹ nêu trên đã huy động các nguồn lực xã hội được tổng cộng 18 tỷ đồng, trao gần 1.800 suất học bổng từ tiền lãi ngân hàng với tổng giá trị hơn 6 tỷ đồng. Năm 2023, quỹ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan triển khai học bổng “Vững tương lai” với tổng giá trị 6 tỷ đồng.

Với tiền thân là Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật sinh viên, sau 30 năm phát triển, trưởng thành (25/3/1993-25/3/2023), Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam (trực thuộc Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam) đã thật sự trở thành “người bạn lớn” tin cậy, luôn đồng hành với sinh viên cả nước trong các mặt học tập và đời sống qua nhiều chương trình, sự kiện sôi nổi, hấp dẫn, phù hợp với tâm lý các bạn trẻ.

Trong đó, tiêu biểu có chương trình “nổi tiếng một thời” là SV96, do trung tâm phối hợp với Ðài Truyền hình Việt Nam triển khai, đã trở thành biểu tượng đặc biệt đối với khán giả trẻ cả nước suốt một thời gian dài. Bên cạnh đó, nhiều thế hệ sinh viên vẫn khắc ghi những kỷ niệm của chuỗi chương trình “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc”. Ðến với chương trình, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu có cơ hội đến thăm hỏi, giúp đỡ, trao quà tặng gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình cán bộ, chiến sĩ; trao quà, cờ, ngư cụ tặng ngư dân bám biển; tìm hiểu về chủ quyền biển đảo, trình diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân trên các đảo Thổ Chu, Phú Quý, Côn Ðảo, Cô Tô, Lý Sơn, Cù Lao Xanh…

Bên cạnh đó, nhờ những nỗ lực không ngừng của lớp lớp thế hệ cán bộ trung tâm, Giải Thể thao sinh viên Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện, phát triển vượt bậc. Khởi động lần đầu vào năm 2013, qua 10 năm phát triển, đến nay giải đã thu hút hơn 10 nghìn lượt vận động viên trẻ tham gia, gần 2 triệu lượt khán giả theo dõi, cổ vũ. Ngoài ra, trung tâm còn gặt hái nhiều thành công qua hai hoạt động trọng điểm là Cuộc thi Công nghệ trí tuệ Student Chie-tech và Chương trình “Kỹ năng quản lý tài chính sinh viên”.

Theo anh Lâm Tùng, Phó Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam, qua thời gian, với những thay đổi liên tục trong hình thái xã hội và thói quen, sở thích của giới trẻ, trung tâm luôn thích ứng trong công nghệ, sáng tạo về phương thức triển khai hoạt động nhằm bảo đảm nội dung các sự kiện, chương trình luôn đa dạng, phong phú, thu hút, gần gũi với sinh viên, ngày càng tăng cường tính thiết thực, hiệu quả.

Thành quả từ sự phấn đấu của trung tâm là hàng trăm cá nhân, hàng nghìn tập thể sinh viên với kiến thức xuất sắc, có kỹ năng vượt trội đã được tìm kiếm, tôn vinh thông qua các cuộc thi tài năng, học thuật. Hàng nghìn sinh viên đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ kịp thời. Thông qua trung tâm, các chủ trương của Ðảng, tổ chức Ðoàn, Hội cũng như các cấp chính quyền đã được truyền tải đến sinh viên cả nước.