Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã lần đầu tiên quan sát và đo được hoạt động rơi tự do của các nguyên tử phản vật chất, cung cấp bằng chứng cho thấy, lực hấp dẫn ảnh hưởng đến phản vật chất giống như vật chất thông thường.
Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature, các nhà khoa học trường Đại học Ben Gurion của Israel (BGU) xác nhận Nguyên lý Tương đương yếu (WEP) - một phần quan trọng trong Thuyết tương đối rộng của Albert Einstein.
Thuyết tương đối rộng đề cập đến sự tương tác của lực hấp dẫn và vật chất, trong đó nhận định rằng vật chất và phản vật chất phản ứng với lực hấp dẫn giống hệt nhau, không phụ thuộc vào cấu trúc bên trong của chúng.
Tất cả những thứ mà chúng ta quan sát được đều được tạo thành từ vật chất thông thường. Trong khi đó, phản vật chất là "cặp song sinh" bí ẩn của vật chất thông thường, có cùng khối lượng nhưng có điện tích trái dấu.
WEP đã được thử nghiệm trên vật chất thông thường với độ chính xác cao, tuy nhiên rất khó thử nghiệm trên phản vật chất vì tính hiếm có và khó sản sinh của phản vật chất. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã sử dụng máy gia tốc hạt của Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) để tạo ra các nguyên tử phản hydro. Sau đó, các nhà khoa học "khóa" các nguyên tử phản hydro trong bẫy từ trường và làm lạnh chúng ở nhiệt độ rất thấp.
Để đo hoạt động rơi tự do của các nguyên tử phản hydro, các nhà khoa học đã thả chúng ra khỏi bẫy từ trường và đo thời gian chúng rơi xuống một khoảng cách nhất định. Họ nhận thấy rằng, gia tốc của các nguyên tử phản hydro cũng giống như gia tốc của các nguyên tử vật chất thông thường.
Tuyên bố của BGU nêu rõ: “Kết quả nghiên cứu này là một cột mốc quan trọng trong việc nghiên cứu các tính chất và hành vi của phản vật chất”.
Trong khi đó, CERN đánh giá phát hiện này là dấu mốc lớn trong nghiên cứu về phản vật chất do “đây là thí nghiệm trực tiếp đầu tiên” thực sự quan sát được tác động của lực hấp dẫn lên chuyển động của phản vật chất.