Đó là một cuộc bầu chọn chỉ diễn ra giữa hai người, ngay cả Aristoteles vĩ đại cũng không được tham gia. Một người qua đời cách đây 50 năm, người kia đã cách đây 277 năm. Nhưng giờ đây họ phải dự một cuộc “đấu tay đôi" mà trọng tài là Royal Society (Hội Hoàng gia) của Anh, một tổ chức được thành lập năm 1660 nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học tự nhiên.
Cả hai người tham gia “cuộc đấu” trên đều từng là thành viên kiệt xuất của hội này: Issac Newton gia nhập Royal Society năm 1672 còn Albert Einstein được bầu làm thành viên ngoại quốc danh dự vào năm 1921.
Trên trang web www.royalsoc.ac.uk, Royal Society đã kêu gọi những người sử dụng internet tham dự cuộc trưng cầu của mình nhằm tìm ra “Nhà vật lý vĩ đại nhất" trong lịch sử loài người giữa hai ứng cử viên cuối cùng nói trên, bằng cách trả lời hai câu hỏi:
1. "Ai trong số hai tên tuổi lớn này là người đã có những đóng góp quan trọng hơn đối với khoa học?”
2. "Ai là người có cống hiến tích cực hơn cho toàn nhân loại nói chung?"
Tên tuổi của hai bậc vĩ nhân này có lẽ không cần phải bàn cãi nhiều. Issac Newton là nhà khoa học người Anh sống ở thế kỷ 17. Ông nổi tiếng với định luật hấp dẫn và sự chuyển động cùng với câu chuyện thú vị về quả táo.
|
Trong khi đó, Albert Einstein, tuy có vẻ gần với cuộc sống hiện đại hơn khi mà ông được bình chọn là con người vĩ đại nhất của thế kỷ. Công thức toán nổi tiếng E=mc2 đã có gần 100 tuổi đời và thậm chí năm 2005 còn được cả thế giới dành để tôn vinh những cống hiến của nhà bác học lỗi lạc này. Và cả hai người này đều được coi là hai thành viên xuất sắc nhất của tổ chức Royal Society.
Issac Newton tham gia vào tổ chức Royal Society uy tín của Anh năm 1672 còn A. Einstein được bầu làm thành viên ngoại quốc danh dự vào năm 1921.
Tham gia cuộc trưng cầu ý kiến, ngoài những người sử dụng internet bình thường, còn có 345 nhà khoa học hiện đang là thành viên của Royal Society. Cuộc trưng cầu kết thúc hôm thứ 4 vừa qua, với kết quả là "phần thắng" nghiêng về Newton!
Với câu hỏi thứ nhất, thì 61,8 % người dân đã lựa chọn Issac Newton. Đáng ngạc nhiên hơn khi mà trong số 345 các nhà khoa học tham gia bình chọn, có tới 86,2 % (một con số áp đảo) nghiêng về nhà vật lý của thế kỷ 17. Trong câu hỏi thứ hai, thì nhà vật lý thiên tài người Anh lại một lần nữa giành chiến thắng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa Newton và Einstein không quá chênh lệch như ở phần thứ nhất. Theo đó, 50,1 % dân chúng và 60,9% các nhà khoa học bầu cho Issac Newton.
Cuộc trưng cầu ý kiến này là một phần trong chương trình kỷ niệm năm Einstein. Đúng 100 năm trước đây, nhà vật lý người Đức gốc Do Thái đã cho đăng những bài báo gây chấn động của mình và được coi là nền tảng của môn vật lý hiện đại. Cùng với công thức E=mc2 nổi tiếng, A.Einstein còn chứng minh được sự tồn tại của hạt nhân, tìm ra mối tương quan giữa không gian và thời gian.
Jim Al-Khalili, giáo sư trường đại học Surrey, là người ủng hộ A.Einstein hết sức nhiệt tình. Ông nói cùng những nhà khoa học khác đã tôn vinh A.Einstein với lý luận là: "Chỉ trong vòng vài tháng mà Einstein liên tiếp đưa ra những bài báo thay đổi hoàn toàn bộ mặt của môn vật lý. Thuyết tương đối của ông đã bác bỏ những quan điểm của chính Newton về không gian và thời gian, mở đường cho một loạt những giả thuyết mới về sự sáng tạo của vũ trụ, về hố đen và về các vũ trụ song song. Nhờ có A.Einstein mà ta tìm ra được photon, cơ sở để chế tạo ra bom hạt nhân hoặc ứng dụng được nguồn năng lượng mặt trời vào mọi mặt của cuộc sống!".
Trong khi đó, ông John Enderby, Giáo sư vật lý danh dự của trường đại học Briston và là phó chủ tịch tổ chức Royal Society lại rất hâm mộ Issac Newton. "Principia Mathematica”, một tác phẩm nổi tiếng nhất của Issac Newton là bước khởi đầu vững chắc cho phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại.
Công trình này đã đề ra những nguyên tắc toán học cơ bản nhất của khoa học tự nhiên và chỉ ra rằng trọng lực là lực tác động lên mọi vật thể tồn tại trong vũ trụ. Chính điều này đã bác bỏ một cách mạnh mẽ tất cả những quan niệm xưa cũ về quy luật chuyển động khác nhau giữa các vật thể trên mặt đất và bầu trời".
Các nhà khoa học khác nhấn mạnh rằng: Chính Issac Newton đã dẫn con người từ chỗ còn mê muội và lầm lẫn trong bóng đêm tới những ánh sáng chói lòa của khoa học chân chính.
Có ý kiến cho rằng kết quả cuộc bầu này chưa xác đáng, vì người tham dự cuộc trưng cầu chủ yếu là người Anh, nên họ “thiên vị” cho người đồng hương của mình là Newton hơn. Cũng vì thế, Chủ tịch của Royal Society, Huân tước Peter May phát biểu trong lễ công bố kết quả rằng: “Nhiều người sẽ nói việc so sánh Newton và Einstein chẳng khác nào so sánh giữa quả táo và quả cam.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất ở đây là tất cả nhân loại đều coi trọng và mang ơn những thành tựu vô cùng to lớn mà cả hai nhà vật lý này đã mang đến cho thế giới con người. Rõ ràng, ảnh hưởng của họ đã vượt xa những phép tính toán thông thường, những công trình trong phòng thí nghiệm hay bị giới hạn chỉ trong lĩnh vực một môn khoa học cụ thể - vật lý. Và cuộc trưng cầu ý kiến này không có mục đích nào khác ngoài việc tôn vinh hai nhà bác học uyên thâm của thế giới!".