Nghiệm thu máy bay nhỏ VAM-1

Mô hình VAM-2 với cabin kín, tạo cảm giác an toàn cho người sử dụng.
Mô hình VAM-2 với cabin kín, tạo cảm giác an toàn cho người sử dụng.

GS-TSKH Bùi Song Cầu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Thiết bị Công nghiệp - ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, chủ tịch hội đồng nghiệm thu Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh, khẳng định tự thiết kế và chế tạo ngay một chiếc máy bay hoàn toàn mới là chưa thể được.

Vì vậy,  mua một chiếc máy bay ở nước ngoài, nghiên cứu, tiếp xúc và làm chủ để chế tạo từng bộ phận máy bay là bước tiếp cận đúng đắn của nhóm nghiên cứu chế tạo máy bay nhỏ.

Sau một thời gian nghiên cứu, hoán cải từ mẫu máy bay Beaver RX550 - Canada là càng đáp và các thanh điều khiển, chiếc máy bay nhỏ hai chỗ ngồi đầu tiên ở Việt Nam đã được lắp ráp với tên gọi VAM -1(Vietnam Association Mechanics). VAM-1 là máy bay cánh quạt loại nhỏ, hai chỗ ngồi, có chiều dài 6,4m, sải cánh 9,7m, tốc độ tối đa 130 km/h, tiêu hao nhiên liệu 20 lít/giờ.

Vào ngày 8-12-2005, tại sân bay Nước Trong, Long Thành, Đồng Nai, VAM-1 đã bay thử thành công. Chiếc VAM-1 đã cất cánh và hạ cánh ba lần. 

Trong quá trình bay thử, phi công bay thử nghiệm đã cho máy bay bay trên không trung trong 24 phút. Độ cao nhất trong ba lần bay thử là 875m.

Tại buổi họp nghiệm thu, Hội đồng khoa học đã lưu ý các tác giả của đề tài trên cần có những thử nghiệm đặc thù hơn, đặc biệt là thí nghiệm khí động học máy bay.

Trường hợp muốn sản xuất đại trà VAM-1, cần phải lưu ý đến vấn đề bản quyền do hoán cải từ mẫu máy bay Beaver RX550 - Canada.

Ngoài ra, Hội đồng nghiệm thu cũng lưu ý việc thiết lập các tiêu chuẩn của loại máy bay nhỏ như VAM-1.

Hướng tiếp theo của đề tài trên là chế tạo máy bay VAM-2 và sẽ hoàn thành vào tháng 6- 2006.

Mô hình VAM-2 với cabin kín, tạo
cảm giác an toàn cho người sử dụng.

Theo đó, VAM-1 sẽ có tỷ lệ nội địa hóa là 20% và dự kiến, chiếc thứ hai có tỷ lệ nội địa hóa khoảng 70%.

Khó khăn nhất hiện nay là luật Hàng không Dân dụng Việt Nam chưa cho phép sử dụng máy bay tư nhân.

Tuy nhiên, trong 5 năm tới, theo một số thành viên trong Hội đồng nghiệm thu, máy bay nhỏ sẽ trở thành một sản phẩm chủ lực, đặc biệt là trong ngành hàng không dân sự của TP Hồ Chí Minh. 

Quá trình thử nghiệm máy bay nhỏ 

Tháng 4-2003, Văn phòng Chính phủ đã  ra  thông báo số 55/TB-VPCP ngày 18-4-2003 đồng ý giao cho Hội Cơ học Việt Nam chế tạo thử nghiệm máy bay cánh quạt hai chỗ ngồi nhằm phục vụ cho nông nghiệp, du lịch, quay phim, chụp ảnh, khảo sát... Hội Cơ học Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo đề án và kế hoạch tiến hành chia thành hai bước:

Bước 1: Lắp ráp một máy bay VAM-1 theo mẫu máy bay Beaver RX550 của Canada, hoán cải một số bộ phận (càng đáp, các thanh điều khiển) để thích hợp và có thể sử dụng ở Việt Nam (Máy bay Beaver chỉ có thể hạ cánh tốt trên mặt nước hoặc trên các sân cỏ).

Tính toán lại toàn bộ VAM-1 để học cách thiết kế; Tiến hành bay thử nghiệm VAM-1 để dánh giá các bộ phận hoán cải (đặc biệt phần càng máy bay rất quan trọng và một phần không nhỏ sự cố máy bay xảy ra do càng đáp). Việc bay thử nghiệm cũng để kiểm tra lại các tính toán lý thuyết và thiết kế, chế tạo máy bay VAM-2

Bước 2: Thiết kế, chế tạo máy bay VAM-2 Hội Cơ học Việt Nam đã giao cho GS. TSKH. Nguyễn Xuân Hùng làm Trưởng ban Điều hành đề án và giao cho Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ mới chủ trì thực hiện đề án này.

Để hỗ trợ cho đề án máy bay cánh quạt hai chỗ ngồi, Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ mới đã đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ Tp HCM đề tài NCKH: “Nghiên cứu thiết kế và kiểm định máy bay nhỏ” do GS. TSKH. Nguyễn Xuân Hùng làm chủ nhiệm đề tài, thời gian thực hiện từ tháng 7-2004 đến tháng 7-2005.

Tuy nhiên, do các thủ tục xin phép bay thử nghiệm VAM-1 kéo dài nên đến tháng 7-2005 đề tài mới nghiệm thu đợt 1, và đến ngày 8-12-2005 mới được bay thử nghiệm.