Lo sợ, nhưng không muốn di dời khỏi nhà nguy hiểm
Những ngày gần đây, người dân sinh sống tại chung cư G6A Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình hết sức hoang mang, lo lắng trước thông tin tòa nhà bị xếp loại chung cư nguy hiểm cấp độ D- mức độ nguy hiểm cao nhất trong thang đánh giá an toàn chịu lực công trình, có nguy cơ đổ sập, cần phải di dời người dân để bảo đảm an toàn. Bà Nguyễn Thị Yến, sinh sống tại đây cho biết, bà rất lo lắng về tình trạng xuống cấp của tòa nhà. Từ nhiều năm nay, tường nhà đã bị nứt toác, vữa trát tường bong tróc. Khe hở giữa hai đơn nguyên của tòa nhà ngày càng nứt rộng, chỗ rộng nhất khoảng 80cm. Bằng mắt thường cũng dễ dàng thấy tòa nhà bị nghiêng lún nguy hiểm. Người dân phải sống trong nơm nớp lo sợ.
Tương tự, gần 150 người dân sinh sống tại nhà A tập thể Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình cũng nhấp nhổm đứng ngồi không yên trước thông tin sắp phải di dời đi nơi khác. Tòa nhà được đưa vào sử dụng từ năm 1985, sau khoảng mười năm, bắt đầu xuất hiện vết nứt lớn tại khu vực cầu thang từ tầng một đến tầng năm và phải gia cố bằng hệ thống khung thép để chống đỡ. Trải qua hơn 20 năm, hệ thống cột, xà bằng thép cũng bắt đầu hoen gỉ, xuống cấp. Tòa nhà liên tục bị đánh giá nguy hiểm và đã có đơn vị đến khảo sát, thỏa thuận với người dân về phương án cải tạo, xây dựng mới, nhưng chưa thực hiện được. Mặc dù phần lớn người dân đều đồng tình, ủng hộ việc xây dựng lại tòa nhà để có chỗ ở mới an toàn, khang trang hơn, tuy nhiên, họ băn khoăn về hệ số bồi thường, hỗ trợ, địa điểm tạm cư... và nhất là lo lắng về tiến độ xây dựng công trình. Điều đáng nói là phần lớn các hộ dân ở tầng 1 cho rằng tòa nhà vẫn ổn định, có thể sinh sống được. Họ đưa ra nhiều lý do, kèm theo các điều kiện về bồi thường khá cao với mong muốn giữ nguyên hiện trạng, bởi hầu hết số hộ này đều cho thuê mặt bằng làm nơi kinh doanh, buôn bán, thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Một số người dân cho biết, sẵn sàng “cố thủ”, chống đối việc di dời, cải tạo nhà chung cư đến cùng, nếu chủ đầu tư không đáp ứng các yêu cầu của họ. Thậm chí ngay cả cán bộ của khu dân cư cũng đứng về phía những hộ dân ở tầng 1, ủng hộ việc giữ nguyên hiện trạng của khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng này. Ông Nghiêm Xuân Tuy, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 12, phường Thành Công nêu ý kiến: “Hai đơn nguyên của tòa nhà đã bắt đầu xuất hiện tình trạng lún nứt, tách rời từ gần 20 năm nay. Ở các khu tập thể khác như khu Thành Công còn có nhiều tòa nhà lắp ghép xuống cấp trầm trọng hơn, nhưng người dân vẫn sinh sống bình thường. Vì thế, cứ cho người dân được xây bọc các phần chồi ra chung quanh tòa nhà, không cần phải đập đi xây mới!”.
Các hộ dân sinh sống tại khu tập thể G6A, Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội) đua nhau cơi nới, phá hỏng kết cấu công trình. Ảnh: ĐĂNG ANH
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có hơn 1.500 chung cư cũ từ hai đến năm tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980, trong đó riêng bốn quận nội thành cũ (Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng) có gần 950 công trình. Cho đến nay, cơ bản người dân sinh sống tại các căn hộ chung cư cũ đã được cấp sổ đỏ. Trong quá trình sử dụng, do chính quyền cơ sở buông lỏng quản lý dẫn đến hầu hết tại các khu chung cư cũ đều xảy ra tình trạng cơi nới, lấn chiếm xây dựng trái phép, gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình, mỹ quan đô thị và gia tăng mật độ xây dựng, dân cư so với thiết kế. Trong khi đó, công tác duy tu bảo dưỡng không được quan tâm, khiến các tòa nhà nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp. Nhiều chung cư xuống cấp nghiêm trọng như E6, E7 Quỳnh Mai; nhà A, B Ngọc Khánh; nhà B7, C1, E6, E9 Thành Công; A7 Tân Mai; C8 Giảng Võ… có nguy cơ gây mất an toàn đối với tính mạng và tài sản của người dân.
Trước thực trạng nêu trên, từ năm 2005, TP Hà Nội đã triển khai kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, nhưng sau hơn mười năm mới có hơn mười dự án được thực hiện, tương đương khoảng 1% kế hoạch. Tiến độ thực hiện các dự án cũng rất chậm như dự án nhà A1, A2 tập thể Nguyễn Công Trứ gần bảy năm thi công xây dựng vẫn chưa hoàn thành, bàn giao cho các hộ dân; dự án nhà B6 Giảng Võ sau hơn mười năm vẫn là một khu đất trống.
Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, hằng năm thành phố đã tiến hành kiểm định, đánh giá mức độ nguy hiểm các chung cư hư hỏng, xuống cấp. Riêng năm 2015 đã phát hiện thêm hai công trình nguy hiểm nêu trên, trong tổng số 42 chung cư cũ được kiểm định. Tuy nhiên, trên thực tế việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư nguy hiểm cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Điển hình như dự án xây dựng chung cư nguy hiểm C1 Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình đã di dời người dân từ năm 2008, nhưng mãi đến nay mới thi công trở lại. Theo đại diện Tổng công ty Công trình giao thông 1, đơn vị chủ đầu tư, mặc dù chỉ có hơn 30 hộ dân trong tổng số 110 trường hợp, chủ yếu là các hộ sinh sống tại tầng 1 của khu chung cư không đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đã khiến dự án phải dừng lại nhiều năm. Việc chậm trễ thi công không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đơn vị, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà đầu tư khác. Còn đối với nhà C8 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, sau khi được xếp loại nguy hiểm cấp độ D, Sở Xây dựng đã chuẩn bị quỹ nhà tái định cư để di dời các hộ dân, nhưng người dân không đồng tình, vì cho rằng kết quả kiểm định “có vấn đề”. Sau đó, thành phố đã mời đơn vị khác của Bộ Xây dựng kiểm định và kết quả giống nhau, nhưng các hộ dân vẫn chưa chịu di dời.
Nguyên nhân chính dẫn đến kế hoạch cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội chậm trễ là do bất đồng giữa người dân và chủ đầu tư về phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chính sách tạm cư, tái định cư. Người dân thì mong muốn được tái định cư với hệ số bồi thường cao, trong khi chủ đầu tư thì lo ngại công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, thiếu chính sách khuyến khích đầu tư, các chung cư cũ tập trung tại các quận trung tâm, phải hạn chế chiều cao công trình và hệ số sử dụng đất, khả năng sinh lời từ dự án thấp, cho nên chẳng mấy nhà đầu tư mặn mà. Từ cuối năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trong đó có nhiều nội dung mới. Tuy nhiên, tiến độ cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội chưa chuyển biến rõ nét.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng, cải tạo, xây dựng chung cư cũ là công việc lớn, khó và liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhiều người dân. Sở Xây dựng sẽ sớm dự thảo, trình UBND thành phố ban hành quy định về cơ chế, chính sách, lộ trình phù hợp với điều kiện của Thủ đô để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn. Trước mắt, ưu tiên xây dựng các nhà chung cư nguy hiểm. Sở Xây dựng sẽ phối hợp các sở, ngành tổ chức rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án, trình thành phố thu hồi những dự án chậm triển khai. Việc kiểm định, đánh giá mức độ nguy hiểm của các công trình là cơ sở quan trọng để tiến hành cải tạo, xây dựng chung cư cũ, cho nên Sở Xây dựng Hà Nội phải hết sức thận trọng trong thực hiện rà soát, kiểm định, bảo đảm đúng quy trình và chính xác. Riêng đối với chung cư nguy hiểm mức độ D sẽ mời các chuyên gia đầu ngành về kết cấu để tham vấn, đến khi bảo đảm đầy đủ cơ sở khoa học mới trình thành phố phê duyệt kết quả.