Phim Việt “được mùa” ra rạp Tết

NDO - NDĐT - Năm nay, dòng phim thương mại, giải trí được mùa ra rạp Tết khi có đến ngót nghét chục phim với đủ các thể loại từ hài đến hành động, kinh dị, cho khán giả Việt Nam nhiều lựa chọn hơn trong kỳ nghỉ dài ngày.
Phim Thiên mệnh anh hùng.
Phim Thiên mệnh anh hùng.

Ưu thế hài và kinh dị

Năm nay, có tới phân nửa số phim khởi chiếu dịp Tết là phim hài: “Hello cô Ba”, “Lệ phí tình yêu”, “Hoán đổi thân xác” và “Vũ điệu đường cong”.

“Hello cô Ba” là phim của hãng Phước Sang, với sự tham gia của nhiều diễn viên tên tuổi: Hoài Linh, Kim Thư, Phước Sang, NSƯT Việt Anh, Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Huỳnh Anh Tuấn, Tấn Beo, Hiếu Hiền, Phi Nhung và hai gương mặt ăn khách qua cuộc thi đình đám “Cặp đôi hoàn hảo” Trấn Thành và Phạm Văn Mách.

Phim kể về cuộc sống của một anh chàng nông dân hiền lành, chất phác do Hoài Linh thủ vai. Một lần nhìn trộm cô hàng xóm tắm, anh này bị té giếng và bỗng dưng có khả năng tiên đoán như thần qua mái tóc dựng đứng. Ngoài ra, Hoài Linh còn hóa thân thành cô Ba với tài lên đồng, với những màn biến hóa độc đáo, từ Marylin Moroe, nữ hoàng Ai Cập cho đến chú bạch tuộc Paul nổi tiếng trong mùa giải World Cup. Nhưng quyền năng này cũng gây ra cho anh bao cảnh dở khóc dở cười...

“Lệ phí tình yêu” của hãng BHD kể về câu chuyện tình cảm lãng mạn, hài hước và nhiều bất ngờ giữa một nhân viên ngân hàng và một con nợ. Anh chàng khách hàng (Huy Khánh) chạy trốn đám chủ nợ và cô nhân viên ngân hàng chuyên đòi nợ bằng khủng bố điện thoại, cuối cùng lại yêu chính kẻ gây nhiều rắc rối cho mình. Phim có sự tham gia của nhiều gương mặt ăn khách như Huy Khánh, Minh Hằng, Hiếu Hiền, Ngọc Quyên, diễn viên hài Mai Thanh Dung...

“Vũ điệu đường cong” (We entertainment, HK Film, Dofilm, HK film, bộ phim đầu tiên của Việt Nam đưa những vũ điệu quyến rũ của môn múa bụng lên màn ảnh, có sự tham gia của nhiều gương mặt trong làng giải trí như Bình Minh, Võ Thành Tâm, Kim Phượng, Tiêu Châu Như Quỳnh, Việt Anh, Tăng Nhật Tuệ, Hoài Linh, Hồng Vân... Phim xoay quanh những suy nghĩ, lối sống của giới trẻ ngày nay thông qua việc khai thác những vũ điệu A-rập quyến rũ.

“Hoán đổi thân xác”, phim về một phát minh kỳ dị của một nhà bác học hậu đậu, khiến nhà khoa học đổi thân xác với chú chó trung thành của mình, và chàng ca sĩ cơ bắp lại ở trong thân hình mảnh mai của cô người mẫu. Hàng loạt tai nạn xảy ra, các nạn nhân của vụ hoán đổi thân xác chỉ trông mong vào nhà khoa học để lấy lại hình hài cũ của họ, nhưng chính ông – trong hình dạng của chú chó, lại đang bị đe dọa bởi một kẻ thù khác... Phim có sự góp mặt của Chí Tài, Trương Thế Vinh, Ngọc Oanh,

Bên cạnh dòng phim hài chủ đạo, phim kinh dị cũng là một món hấp dẫn. Đáng chú ý hơn cả là “Lời nguyền huyết ngải” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, với câu chuyện kì bí về cây ngải hút máu người... Dàn diễn viên trong phim phần lớn là những gương mặt mới, như Yu Dương, Phan Anh... bên cạnh các diễn viên gạo cội như Thành Lộc, Như Quỳnh...

Câu chuyện về cặp vợ chồng trong ngôi nhà kỳ bí của phim “Ngôi nhà trong hẻm” (diễn viên chính Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn), và sự ám ảnh chung quanh con số 23 trong “Cột mốc 23” (Huy Khánh, Phi Thanh Vân, Thân Thúy Hà...) là những lựa chọn khác.

Món “lạ” duy nhất trong mâm cỗ phim Tết năm nay là “Thiên mệnh anh hùng”, bộ phim dã sử dựa trên tiểu thuyết võ hiệp “Bức huyết thư” của tác giả Bùi Anh Tấn. Với phần võ thuật do Johnny Trí Nguyễn phụ trách, cùng sự góp mặt của hàng loạt gương mặt trẻ trung như Midu, Kim Hiền, Vân Trang, Huỳnh Đông, Khương Ngọc, Văn Anh, “Thiên mệnh anh hùng” được khán giả đón đợi nhiều hơn cả.

Miếng bánh có hạn

Như mọi năm, phim Tết được coi là thị trường chính, quan trọng nhất trong cả năm. Vì thế không khó hiểu khi hầu hết các hãng đều tung con át chủ bài của mình ra vào dịp này. Số lượng rạp tính bình quân trên đầu người chưa phải là nhiều, lại phải cạnh tranh với các “bom tấn” ăn khách của điện ảnh Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng được các nhà nhập khẩu, phát hành tính toán tập trung cho dịp Tết, cho nên thị phần còn lại của các phim Việt không nhiều. Việc đàm phán giữa nhà sản xuất và nhà phát hành về chia sẻ rạp giữa phim nhập khẩu với phim Việt cũng không đơn giản. Cách đây hơn một năm, vụ kiện um xùm giữa các nhà phát hành trong nước với Megastar cũng xuất phát từ nguyên nhân này. Cạnh tranh dịp Tết có nghĩa là chấp nhận rủi ro và chia sẻ “miếng bánh” vốn đã ít ỏi.

Gần đây, nhiều nhà sản xuất đã bắt đầu tính đến việc chuyển thời điểm ra mắt phim của mình vào những dịp nghỉ lễ khác, vừa đỡ chen nhau, vừa rộng thị phần cũng nhiều hơn. Năm 2009, “Bẫy rồng” chọn thời điểm khởi chiếu vào dịp Noel, năm 2010, “Giao lộ định mệnh”, “Khi yêu đừng quay đầu lại”... đều “né” Tết... Còn trong năm 2011, hàng loạt phim ra mắt rải rác trong năm phần lớn đều thu được kết quả tốt, đặc biệt là “Long ruồi” với doanh thu có ngày lên đến hơn 1 tỷ đồng, hay “Hot boy nổi loạn” thu về hơn 10 tỷ đồng đã làm giới chuyên môn choáng váng.

Nhìn tổng thể, không thể phủ nhận những nỗ lực của các nhà làm phim, các nhà sản xuất khi đem đến cho khán giả những lựa chọn phong phú, mặc dù mục tiêu hàng đầu là lợi nhuận. Chính sự phong phú, sôi động mùa phim Tết của các hãng phim tư nhân đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền điện ảnh Việt đang loay hoay vượt khó.