Ngọn lửa trong gương - bộ phim về cuộc đời nhà thơ Lưu Quang Vũ

Sau 20 năm, gia đình muốn làm một điều gì đó thật đặc biệt để tưởng nhớ và nhà biên kịch Ðào Trọng Khánh - một người bạn rất thân của gia đình đã viết Ngọn lửa trong gương. Kịch bản và ý tưởng làm phim về Lưu Quang Vũ nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ phía Ðài truyền hình và đạo diễn Nguyễn Thước, Bùi Tuấn, quay phim Hoàng Tấn Phát - những người bạn, người em của gia đình, những người đã dìu dắt cháu Kít (Lưu Minh Vũ) từ những ngày vào trường Sân khấu điện ảnh... được mời cùng làm.

Ðạo diễn Nguyễn Thước tâm sự: "Tất cả chúng tôi làm bộ phim này với vị trí một người thân trong gia đình, muốn làm một cái gì đó để tưởng nhớ, thắp nén hương tưởng nhớ anh chị...".

Phim sẽ dựng lại cuộc đời Lưu Quang Vũ từ Phú Thọ - nơi anh sinh ra, cho đến cuộc sống tại Hà Nội, với thơ, với kịch. Ðiều mà Ngọn lửa trong gương muốn thực hiện khi làm về chân dung Lưu Quang Vũ là nhìn trực diện về "con người thơ".

Theo quan niệm của các nhà nghiên cứu thì cho rằng Thơ mới là con người thật của Lưu Quang Vũ và anh ấy sẽ đi những bước rất dài với thơ. Kịch chỉ là một quãng thời gian sáng tác. "Kịch là trách nhiệm của công dân Lưu Quang Vũ với xã hội, còn thơ là trách nhiệm của Vũ với chính Vũ".

Phim cũng nhấn mạnh vai trò của nữ sĩ Xuân Quỳnh với cuộc sống và sự nghiệp của Lưu Quang Vũ. Ở đây, đơn giản Xuân Quỳnh là người bạn đời của Lưu Quang Vũ. Chính người vợ, người mẹ Xuân Quỳnh đã xây dựng gia đình của anh chị thành nơi hun đúc tài năng, là tổ ấm thật sự cho những đứa trẻ thương yêu nhau như anh em ruột... Không phải người phụ nữ nào cũng làm được điều đó.

45 phút phim, không nhiều, nhưng theo đạo diễn Nguyễn Thước cũng rất khó khăn trong công việc tìm tư liệu "hình ảnh". Tư liệu hình ảnh về Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh là "không có gì và không còn gì", cái mà bộ phim sử dụng được là một vài vở kịch truyền hình còn lưu giữ được, những bức ảnh trong album gia đình, bản thảo viết tay hay đánh máy (thường là rất hiếm)...

Ðiều vô cùng thuận lợi và cũng là nguồn tư liệu phong phú nhất chính là rất nhiều bạn bè của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, những người luôn đầy ắp những kỷ niệm về họ. Phim được kể trên những tình cảm thật xúc động như thế. Cái chết của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh được dự báo trước? Người tình của Lưu Quang Vũ là ai? Những giai thoại quanh anh là có thật hay chỉ là thêu dệt?...

Người nổi tiếng vốn đã kéo theo rất nhiều sự quan tâm của công chúng, huống chi họ là "cặp vợ chồng nổi tiếng". Sự ra đi đột ngột của họ kéo theo nhiều giai thoại, nhiều câu hỏi không có lời giải đáp. Ngọn lửa trong gương đã lần qua những câu chuyện kể, những chứng thực còn lại để phần nào giải đáp sự tò mò của những người yêu mến.

Trong bộ phim đầu tiên về Lưu Quang Vũ này, tung tích về "người con gái không tên số 1", "người con gái không tên số 2"... mà nhiều người lầm tưởng là "nàng thơ" trong trí tưởng tượng của Lưu Quang Vũ cũng được hé lộ. Ðó là người tình một thời của nhà thơ sau cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ, "người thật, việc thật" với những bản thảo viết tặng, những bức ảnh đề tên.

Những giai thoại, câu chuyện kể quanh Lưu Quang Vũ cũng được đề cập tới trong 45 phút phim. Ðạo diễn Nguyễn Thước hóm hỉnh: "Những chuyện như thế thì nhiều lắm, kể ra nhiều khi như đùa, người gật, người lắc, người nửa này nửa nọ...".

Thí dụ như chuyện Lưu Quang Vũ bị kỷ luật vì tội làm thơ tình trong quân ngũ, bị điều ra sân bay chăn bò. Trời cao, đất rộng, gió hiu hiu lại càng khiến nhà thơ nổi hứng. Hậu quả là bò lạc vào sân bay, khiến máy bay phản lực cứ vòng vòng mãi trên trời vì không đáp xuống được...

Ðược biết, khi lên truyền hình thì Ngọn lửa trong gương sẽ chỉ còn 30 phút phim theo đúng quy định nhưng theo đạo diễn thì nếu có làm 60 phút thì phim cũng phải  bớt đi nhiều cảnh. Vì sao? Vì quá nhiều tình cảm của bạn bè dành cho Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh trong các cuộc phỏng vấn họ, vì quá nhiều những câu chuyện kiểu như giai thoại xoay quanh và cả những chuyện bây giờ mới kể...

Ðúng, có nhiều điều thú vị thật, nhiều điều tò mò muốn có lời giải đáp nhưng trên hết vẫn là tình cảm của mọi người dành cho hai người trong suốt 45 phút phim. Ðó là điều quan trọng nhất mà Ngọn lửa trong gương muốn thể hiện, một nén nhang trầm sau 20 năm họ mãi mãi ra đi...