Nghe “Đất nước trọn niềm vui”, nhớ nhạc sĩ Hoàng Hà

Hằng năm, vào ngày 30-4 lịch sử, trên sóng phát thanh - truyền hình cả nước lại vang lên âm thanh hùng tráng, tự hào của bài hát “Đất nước trọn niềm vui”. Chúng tôi được gặp tác giả, nhạc sĩ Hoàng Hà khi ông còn sống và được ông chuyện trò, chia sẻ nhiều kỷ niệm.

Nhạc sĩ Hoàng Hà trong chương trình 30 năm Đoàn giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh tư liệu
Nhạc sĩ Hoàng Hà trong chương trình 30 năm Đoàn giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh tư liệu

Tháng 4-1975, bộ đội ta từ Tây Nguyên ào ạt tiến xuống đồng bằng, thần tốc tiến vào nam, tin chiến thắng dồn dập hằng ngày. Chính trong không khí khẩn trương theo từng bước tiến quân trên chiến trường, nhạc sĩ Hoàng Hà cùng các đồng nghiệp bám theo tin tức diễn biến, say mê viết, cả ngày và đêm. Trong những ngày này, với sự hỗ trợ của Cơ quan CP90 (thuộc Trung ương Cục miền nam), những thông tin chính xác và sớm nhất, những câu chuyện hấp dẫn của cán bộ, dũng sĩ diệt Mỹ ở B ra được cung cấp cho các văn nghệ sĩ, báo chí, khiến nhiều lúc nhạc sĩ có cảm giác như đang ngồi ngay tại cơ quan ở tiền phương. Ngày ấy, trên Đài phát thanh Giải Phóng đã vang lên các bài Sục sôi cách mạng, Hát trên phố phường giải phóng với bút danh Cẩm La; trên Đài Tiếng nói Việt Nam có bài Chào Nha Trang giải phóng, ký tên Hoàng Hà.

Khí thế tiến quân hào hùng từ miền nam lan nhanh ra miền bắc. Ông chia sẻ: Sáng 26-4, qua CP90, tin tức về các cánh quân ta bao vây bốn phía chuẩn bị đánh vào Sài Gòn tạo một nguồn khích lệ kỳ lạ đối với tôi. Bây giờ là sắp tiến vào Sài Gòn rồi. Phải viết ngay mới kịp. Biết bao hình tượng, ý tứ, cứ liên tiếp, xen kẽ, vùn vụt hiện ra trong óc nhưng chưa cái nào “đứng lại”. Trong tâm trạng rạo rực lúc ấy, bỗng một tin tức rất ngắn phát trên đài nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tôi: Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tự đáy lòng, ông thốt lên: Mệnh lệnh của đất nước đã ban ra, quyết tâm toàn thắng đã khẳng định! Thế là, những hình ảnh thời tôi theo đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10-1954) với rừng cờ, rừng người náo nhiệt được tái hiện như một cuốn phim tư liệu sắc nét. Sài Gòn bừng hiện ra trong tâm trí tôi như một ảo ảnh sống động với những câu chuyện đã nghe, những dũng sĩ kiên cường đã gặp, ký ức về những trận chống càn thắng lợi...”.

Trong một giây phút khí thế tiến công của quân dân ta như “tràn vào” tâm hồn, để rồi từng nét nhạc, từng lời ca cứ bật lên phơi phới: "Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay !"..."Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông...", "Ôi, hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em những lời yêu thương!". Cảm xúc dào dạt lên tới cao trào, quãng giữa bật ra giọng "Hò Đồng Tháp" của chị Bích Hường (Đoàn văn công Giải phóng) mà ông được gặp trước đây. Rồi các hình tượng tiêu biểu của con người miền nam mà ông vẫn hằng ấp ủ trong tim cứ vút cao đưa tâm hồn bay lên, say trong không gian của non sông anh hùng đã đến ngày hoàn toàn giải phóng!

Bài hát được viết ra và hoàn thành chỉ trong một ngày đêm: 26-4-1975. Lúc đó, ông làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, gia đình lại ở Yên Phụ, Hà Nội. Đến thời điểm đó, ông chưa một lần vào miền nam và chưa biết Sài Gòn là thế nào (!). Từ giữa tháng 4 năm đó, không khí Hà Nội rất sôi động. Sau chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, bộ đội ta đánh xuống đồng bằng, thần tốc tiến vào nam, tin chiến thắng dồn dập hằng ngày. Tình hình chiến sự được người dân theo dõi từng giờ, từng phút. Riêng với ông: “Lắm lúc rất nóng ruột, tôi lại chạy ra ban công nhìn xuống đường. Trên đường phố tràn ngập một không khí phấn khởi, người qua lại dường như ai cũng khẩn trương hơn, hoạt bát hơn. Nhiều hôm, tôi không về nhà mà ở lại cơ quan để tiếp cận với tin tức nhanh hơn, đầy đủ hơn. Không khí Hà Nội trong thời điểm lịch sử vào những ngày này hừng hực một quyết tâm, một niềm tin tất thắng”.

Viết xong, với cây đàn ghi-ta trên tay, ông say mê hát để tự trắc nghiệm. Mọi người trong gia đình ông đều xúc động. Sáng 27-4, ông đem đến đài. Nhạc sĩ Nguyễn An lúc đó là Tổ trưởng Biên tập nhạc đọc và duyệt, rồi giao ngay cho nhạc sĩ Triều Dâng dựng cho kịp. Ngay hôm sau, có buổi thu của tốp nhạc Nhà hát Giao hưởng, có mặt nghệ sĩ Trung Kiên. Ông nhận bài, xem ngay tại chỗ, còn nghệ sĩ Đỗ Dũng kê tập giấy nhạc lên mặt trống Tem-ban phối khí ngay trong phòng thu, các diễn viên trong tốp nhạc xúm lại chép.

Ông kể: “Buổi thu bắt đầu, tôi nghe mà cảm phục anh Trung Kiên, sao lại có thể có sự đồng cảm đến như thế! Tình cảm của anh Trung Kiên trong tiếng hát thực sự đã chắp cánh cho bài hát của tôi bay lên, hoàn toàn như tôi đã tưởng tượng một ngày giải phóng miền nam rực rỡ, gửi tâm tình sôi động của mình vào từng nốt nhạc. Sở dĩ "Đất nước trọn niềm vui" hình thành nhanh như thế, chính là kết quả của cả một quá trình tích lũy của nhiều yếu tố cộng lại để rồi bùng phát ở một thời điểm”.

Tuy nhạc sĩ Hoàng Hà đã ra đi nhưng các sáng tác mà ông đã viết, nhất là “Đất nước trọn niềm vui” qua tiếng hát của các nghệ sĩ Trung Kiên, Trọng Tấn, Tạ Minh Tâm… vẫn vang mãi làm xúc động lòng người. “Ta nghe vang như tiếng Bác Hồ dậy từ non sông!, Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân, Thành Đồng ơi! Sắt son đã vang khải hoàn, Ôi! hạnh phúc vô biên!, Hát nữa đi em, những lời yêu thương...”.

Nhạc sĩ Hoàng Hà (1929 - 2013) tên thật là Hoàng Phi Hồng. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng, như: Ánh đèn trên cầu Việt Trì; Tiếng hát ngày thứ bảy Cộng sản; Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn; Hò tải đạn; Cùng hành quân giữa mùa Xuân; Đất nước trọn niềm vui, Bản giao hưởng hợp xướng: Côn Đảo...