Đột phá phát triển giao thông
Nhiều năm trước, mọi người đều ái ngại khi phải di chuyển lên miền tây Nghệ An. Từ TP Vinh lên trung tâm các huyện miền núi Tương Dương, Kỳ Sơn hay Quế Phong khoảng 200 km nhưng phải đi mất cả ngày, chưa kể tới trung tâm xã ở các huyện vùng cao này. Lãnh đạo và người dân đều mong mỏi có đường giao thông đi lại thuận lợi hơn để cuộc sống đỡ vất vả. Không chỉ miền núi, hệ thống giao thông vùng đồng bằng, trung du của Nghệ An cũng thuộc diện khó khăn.
Thời gian qua, Nghệ An đã huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, của doanh nghiệp và nhân dân, lồng ghép các chương trình dự án, chắt chiu các nguồn vốn để ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông. Được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, Nghệ An từng bước cải thiện, tạo sự đột phá trong phát triển hệ thống giao thông. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đồng ý chuyển hàng trăm ki-lô-mét đường tỉnh thành quốc lộ, nên việc nâng cấp, duy tu các tuyến đường thuận lợi hơn. Đồng thời, quan tâm giúp đỡ Nghệ An cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nền, mặt đường và hàng trăm ki-lô-mét đường quốc lộ qua địa bàn, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận tải ngày càng tăng. Các tuyến quốc lộ 7 và quốc lộ 48 theo trục đông-tây, dài hàng trăm ki-lô-mét lên các huyện tây Nghệ An đã được nâng cấp mở rộng gấp hai lần so với trước, giúp miền tây Nghệ An xích gần với miền xuôi. Đường Hồ Chí Minh đi qua các vùng trung du đã góp phần đánh thức tiềm năng về nông nghiệp. Tuyến đường đang trở thành “xa lộ” nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh với trang trại bò sữa công nghệ cao lớn nhất cả nước cùng các nhà máy chế biến đường, sữa, gỗ; các trang trại cây ăn quả...
Nghệ An đã thông qua “Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, hình thành mạng lưới kết nối các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”. Tỉnh đã trích ngân sách hàng nghìn tỷ đồng làm hơn 30 km đường N5 nối Khu kinh tế Đông Nam với Đô Lương; phối hợp đầu tư hàng chục ki-lô-mét nối quốc lộ 1A (đoạn thị xã Hoàng Mai) với quốc lộ 48 (đoạn thị xã Thái Hòa) nay là tuyến quốc lộ 48D, phối hợp đầu tư cầu Cửa Hội... Với những chính sách hợp lý, Nghệ An từng bước xã hội hóa đầu tư hệ thống giao thông. Trong đó, thu hút doanh nghiệp đầu tư hệ thống cảng biển Vissai, DKC ở Nghi Thiết; đầu tư cầu Yên Xuân, một số tuyến đường theo hình thức BOT; huy động sức dân làm hàng nghìn ki-lô-mét đường giao thông nông thôn.
Giám đốc Sở GTVT Nghệ An Hoàng Phú Hiền cho biết: Nhiều công trình giao thông trọng điểm hoàn thành có ý nghĩa quan trọng gần đây như: cầu Cửa Hội và Yên Xuân, nối đôi bờ sông Lam, liên thông hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh; tuyến nối quốc lộ 1A qua đường N5 đi quốc lộ 7 (nay là quốc lộ 7C) kết nối cho phát triển kinh tế vùng trọng điểm đến hệ thống cảng biển Cửa Lò, Nghi Thiết… đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh. Mỗi năm, hàng triệu tấn hàng hóa được vận chuyển qua các tuyến đường này, góp phần giảm chi phí logistics. Một số dự án quan trọng khác như: đại lộ Vinh - Cửa Lò, quốc lộ ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò, các tuyến đường Tây Nghệ An và một số đoạn trên các tuyến quốc lộ huyết mạch cũng được đầu tư, nâng cấp, mở rộng sẽ góp phần nâng cao chất lượng hệ thống giao thông của tỉnh.
Phát huy hiệu quả và phát triển hạ tầng trọng điểm
Hệ thống giao thông đã dần “lột xác”, nhất là tại phía tây Nghệ An. Ấn tượng nhất là việc đầu tư xây dựng và nâng cấp hai tuyến đường tỉnh 541 và 543 thành quốc lộ 16 gần 200 km, chạy dọc biên giới, kết nối hai tuyến quốc lộ 7 và quốc lộ 48, nối miền tây Nghệ An với miền tây Thanh Hóa. Khi tuyến quốc lộ hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho người dân các dân tộc thiểu số đi lại và giao thương thuận lợi hơn.
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Lê Văn Liệu chia sẻ, nhờ có quốc lộ 16, cuộc sống người dân ngày một khá lên. Trước đây, tuy chỉ cách thị trấn Mường Xén khoảng 50 km nhưng mỗi lần ra huyện, mất gần hai ngày đường, nay chỉ còn hơn 1,5 giờ. Nhờ đó, các sản phẩm nông sản, chăn nuôi dễ tiêu thụ. Điều này góp phần khuyến khích phát triển sản xuất. Trước đây, nhà nào cũng có xuồng máy nay thay bằng xe máy, nhiều bản đã có điện lưới quốc gia, 70-80% số hộ có ti-vi, tủ lạnh… Nhờ quốc lộ 16, chính quyền xã Mỹ Lý đã di dời các hộ dân dọc bờ sông Nậm Nơn có nguy cơ sạt lở lên dọc quốc lộ, dần hình thành các điểm dịch vụ, thương mại.
Ông Kha Văn Long, một hộ kinh doanh tổng hợp ở bản Xiềng Tắm cho biết: Khi quốc lộ 16 đi qua, vợ chồng đã bàn nhau, ra mặt đường buôn bán; kết nối với các nhà cung cấp và thu mua hàng hóa cho người dân ở vùng sâu, sát biên giới… Chỉ vào ngôi nhà mới làm trị giá gần một tỷ đồng cùng hai xe ô-tô và cửa hàng đầy ắp hàng hóa, ông Long khẳng định, gia đình chúng tôi có được như thế này tất cả nhờ có quốc lộ 16. Hàng chục hộ dân ở Mỹ Lý, trong đó có gia đình ông Long cũng nhờ quốc lộ 16 mà phát triển dịch vụ, chăn nuôi, trang trại… vươn lên khá giả. Không chỉ người dân xã Mỹ Lý, nhiều gia đình ở các xã khác có quốc lộ 16 đi qua dần thoát nghèo. Bên tuyến quốc lộ chạy dọc biên giới này đang dần hình thành các cụm dân cư, thị tứ. Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe chia sẻ: “Nhờ có quốc lộ 16 đi qua đã góp phần đánh thức tiềm năng, giúp người dân các dân tộc thiểu số ở các huyện thuộc diện 30A như chúng tôi có điều kiện phát triển mô hình kinh tế, từng bước thoát nghèo, an sinh xã hội được chăm lo, giữ bình yên biên giới”.
Với vị trí địa lý nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, kết nối giao thương bắc nam và nước bạn Lào, Nghệ An thuận lợi phát triển cả bốn loại hình giao thông. Ngoài đường bộ, Nghệ An còn phát triển cả hệ thống cảng biển, sân bay và đường sắt. Cảng hàng không quốc tế Vinh ban đầu chỉ một tuyến Vinh - TP Hồ Chí Minh, đến nay đã khai thác 10 tuyến bay nội địa và quốc tế, hằng năm phục vụ hàng triệu hành khách trong nước và quốc tế. Sân bay Vinh đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế, tiếp tục được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tỉnh và khu vực. Hệ thống đường sắt được duy tu, sửa chữa, bảo đảm hoạt động hiệu quả, an toàn... Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư, phát triển một loại bến cảng tại Cửa Lò và Nghi Thiết; trong đó có hệ thống cảng Vissai và cảng xăng dầu DKC đón tàu chuyên dùng 50 nghìn đến 70 nghìn tấn phục vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời, hệ thống cảng nước sâu quy hoạch ở khu vực Đồng Hồi và Cửa Lò đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nghệ An, Phạm Văn Hà, số lượng tàu và hàng hóa vào các cảng biển Nghệ An ngày một tăng. Năm 2020, gần 3.500 lượt tàu ra vào làm hàng tại các cảng biển với hơn 11 triệu tấn hàng hóa thông quan, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An và khu vực.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An, Lê Hồng Vinh cho biết, Nghệ An sẽ tiếp tục ưu tiên các nguồn lực đầu tư, đồng thời tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, hoàn chỉnh các công trình dở dang và tập trung tháo các điểm “tắc nghẽn” giao thông để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trước hết là dự án đường bộ cao tốc bắc - nam qua địa bàn Nghệ An chiều dài khoảng 87,84 km. Đây là dự án ưu tiên đặc biệt nên tỉnh đã tập trung quyết liệt để sớm hoàn thành dứt điểm cho công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian sớm nhất. Nghệ An mong muốn Trung ương ưu tiên đầu tư để tăng hệ thống cầu cứng bắc qua sông Lam, sông Con… nhằm phát huy hết công năng các tuyến quốc lộ đông - tây, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho các huyện miền núi. Đồng thời, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm tháo gỡ, khai thông một số vướng mắc, trong đó ưu tiên kinh phí đầu tư kè chắn sóng ở cụm cảng phía bắc cảng Cửa Lò và Đồng Hồi để làm cảng nước sâu, đáp ứng được nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư.
Thời gian tới, Nghệ An tiếp tục huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là quan tâm thu hút đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BTO... Với sự quan tâm của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự nỗ lực, quyết tâm của ngành GTVT, những “điểm nghẽn”, “nút thắt” về hạ tầng giao thông của Nghệ An sẽ dần được tháo gỡ, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và toàn khu vực.