Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam 2021” được tổ chức thường niên, gồm 2 chủ đề chính: Chính sách, hành lang pháp lý thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa; các giải pháp, sản phẩm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt để giới thiệu đến cho người nông dân những cơ chế chính sách, lợi ích của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho biết, trong vài năm gần đây, thanh toán không dùng tiền mặt được đông đảo người dân Việt Nam lựa chọn, thay thế phương thức thanh toán tiền mặt truyền thống. Tuy nhiên, việc phổ cập phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn đòi hỏi phải có các giải pháp quyết liệt từ các bộ, ngành có liên quan.
“Muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa, trước hết cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này để người dân tự đưa ra quyết định phù hợp. Quan trọng hơn, cần phải đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở để phương thức thanh toán hiện đại có điều kiện sử dụng một cách rộng rãi hơn ở khu vực nông thôn”, ông Phạm Tiến Nam nêu rõ.
Đồng quan điểm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cũng khẳng định, cùng với các định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng luôn quan tâm và đồng hành cùng các bộ ngành trong việc triển khai chương trình, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực nông thôn; đưa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến với bà con ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Một trong số đó là phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa như: hướng dẫn mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC), giúp người dân mở tài khoản thanh toán không cần đến điểm giao dịch ngân hàng; thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã cấp phép cho 3 nhà mạng viễn thông Viettel, VNPT và Mobifone triển khai thí điểm dịch vụ này,...
“Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; phối hợp các đơn vị liên quan thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ; trình Chính phủ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng,…”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng lần lượt tăng 1,88% về số lượng và tăng 42,58% về giá trị; hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,63% về số lượng và 133,11% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020),... Đáng chú ý, hiện nay, nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, mã QR, Ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking,… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai.