Ngành xuất bản cần thêm nhiều đột phá

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952-10/10/2022) là dịp để ngành xuất bản nhìn lại bức tranh toàn cảnh về chặng đường phát triển cũng như sứ mệnh của mình đối với xã hội. Vượt qua giai đoạn khó khăn và đạt được những thành công nhất định... tuy nhiên, lĩnh vực xuất bản vẫn cần thêm sự đột phá để mang lại nhiều giá trị tích cực hơn cho bạn đọc.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian Triển lãm sách chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam.
Không gian Triển lãm sách chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam.

Tính đến năm 2021, dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất bản vẫn có bước phát triển tích cực. Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, toàn ngành có hơn 40.000 đầu xuất bản phẩm; tổng doanh thu năm 2021 khoảng 3.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Hiện nhiều nhà xuất bản đã và đang có những bước đi thích hợp tạo sự đổi mới trên nền tảng số. Ðặc biệt, trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, phát hành xuất bản phẩm điện tử có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong ba năm gần đây. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, nhất là việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào phát hành sách nói.

Qua từng giai đoạn, vượt nhiều khó khăn, nhất là trong hai năm dịch Covid-19, nỗ lực của ngành xuất bản được ghi nhận ở số lượng đầu sách, bản sách tiếp tục tăng; chất lượng một số mảng sách có những bước tiến quan trọng; quy mô, công nghệ được nâng cao; chuyển đổi số, phát triển xuất bản điện tử có được thành công bước đầu. Dù vậy, hoạt động xuất bản vẫn tồn tại những vấn đề bất cập, như: quá trình hiện đại hóa còn chậm; sách vô bổ, kém chất lượng, thậm chí độc hại còn nhiều; không ít đơn vị không bắt nhịp được thị trường, buông lỏng quản lý, hoạt động kém hiệu quả; nạn sách lậu, sách giả chưa được khắc phục... Những vấn đề nêu trên gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của ngành. Về bình diện văn hóa đọc, thời gian qua, có thể nhận thấy nhiều điểm sáng. Trên cơ sở Quyết định tổ chức Ngày sách và văn hóa đọc của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã tích cực hưởng ứng, tạo ra một luồng sinh khí mới góp phần chia sẻ, cổ vũ bạn đọc. Tuy nhiên, về tổng thể, vẫn chưa tạo được chuyển biến mạnh về văn hóa đọc, chưa cổ vũ được toàn xã hội. Khi văn hóa đọc còn chưa phát triển đồng bộ và mạnh mẽ, đồng nghĩa với việc ngành xuất bản chưa có một bệ đỡ vững chắc để đảm đương tốt sứ mệnh.

Gần nhất, Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ 5 - năm 2022 do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức cũng phản ánh phần nào những khó khăn, vướng mắc của ngành xuất bản. Tại giải thưởng lần này, chỉ có một giải A được trao cho bộ sách "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" của Thượng thư Bộ binh triều Nguyễn Lê Quang Ðịnh do dịch giả Phan Ðăng chuyển ngữ (Nhà xuất bản Thế giới liên kết Công ty cổ phần Thái Hà ấn hành), công trình sách thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn. Như vậy, bốn mảng sách còn lại: chính trị, kinh tế; khoa học tự nhiên và công nghệ; văn hóa, văn học và nghệ thuật; thiếu nhi đều không có giải A, đồng nghĩa với việc không có tác phẩm xuất sắc nhất từ các giải A để trao giải đặc biệt. Ðây là lần thứ năm liên tiếp một giải thưởng lớn nhất ngành xuất bản không đủ giải A ở tất cả mảng sách. Tại cuộc họp báo trước thềm Lễ trao giải, đại diện Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, đã có những đề xuất kiến nghị với các cơ quan, ban, ngành để nâng cao chất lượng giải thưởng. Cụ thể ba đề xuất, gồm: Ðề nghị thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các nhà xuất bản có nhiều sách hay, đề tài hay, gửi được nhiều sách tham gia tranh giải; tạo điều kiện tổ chức lớp bồi dưỡng tác giả sách, cho các tác giả có cơ hội trải nghiệm để viết được sách chất lượng; kiến nghị tăng phần thưởng trao giải để khuyến khích những cá nhân, tập thể làm sách. Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên chia sẻ, điều đáng tiếc là dù Ban Tổ chức đã khuyến khích các hội văn học, hội chuyên ngành, các công ty phát hành sách liên kết giới thiệu sách dự giải thưởng, nhưng chưa nhận được nhiều sách tham gia. Bên cạnh đó, tuy các nhà xuất bản, công ty sách đều công bố chiến lược đẩy mạnh chuyển đổi số, song vẫn chưa thấy đơn vị nào gửi sách điện tử, sách nói - một sản phẩm của công cuộc này - tham dự giải. Một nội dung được quan tâm nhiều nhất sau Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia là sách đoạt giải có tuổi khá "già". Tác phẩm đoạt giải B "Cô bé nhìn mưa" của tác giả Ðặng Thị Hạnh (Nhà xuất bản Phụ nữ) được xuất bản lần đầu năm 2008; tác phẩm "Văn minh vật chất của người Việt" của tác giả Phan Cẩm Thượng (Nhà xuất bản Thế giới liên kết Công ty cổ phần ZenBooks) được xuất bản lần đầu năm 2011. Các cuốn sách nêu trên được tái bản năm nay, đáp ứng yêu cầu xét giải, song cũng cho thấy một thực tế thiếu hụt của ngành xuất bản trong việc khai thác và cho ra mắt nhiều hơn các đầu sách "trẻ" và đủ sức thuyết phục để đề cử vào giải.

Theo giới chuyên môn, trong giai đoạn phát triển mới, ngành xuất bản cần tập trung vào các giải pháp cụ thể, gồm: Hoàn thiện thể chế trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động xuất bản; đổi mới tư duy quản lý, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tăng cường năng lực hoạt động của ngành phù hợp xu thế chuyển đổi số; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia bằng nguồn ngân sách nhà nước kết hợp với các chương trình hỗ trợ xuất bản theo hình thức xã hội hóa; phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm trên cơ sở hạ tầng của hệ thống bưu chính, viễn thông; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản; đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo của các cơ sở đào tạo xuất bản, in và phát hành theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu thị trường và xu hướng phát triển trên thế giới; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, hội chợ triển lãm nhằm quảng bá, thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển mạnh mẽ hơn, đột phá hơn ■