Ngành giáo dục đạt được nhiều thành tựu trong một năm học đặc biệt

NDO -

Năm học 2019-2020 vừa qua là một năm học đặc biệt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành giáo dục đã hoàn thành các nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả tốt. 

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

“Năm học 2019 - 2020 là một năm học “đặc biệt”, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học hai lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần hai tháng so với những năm học trước” - Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói về năm học vừa qua tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 diễn ra sáng 31-10.

Tuy nhiên, nhìn lại, trong năm học đặc biệt này, toàn ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực vượt qua các thách thức, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thực hiện tốt mục tiêu kép

Ngành giáo dục đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn sức khoẻ của học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020. Đến thời điểm này, sau hai đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh. Các hoạt động giáo dục trong thời điểm dịch bệnh bùng phát không bị ngưng trệ, “đứt gãy” như một số nước đã gặp phải.

Các thầy cô, các nhà trường đã sáng tạo, linh hoạt trong phương pháp, cách dạy mới, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục. Các trường đại học đã tích cực nghiên cứu và nhanh chóng đưa ra nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch.

Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Bộ GD-ĐT đã báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tổ chức thi thành hai đợt phù hợp với tình hình dịch bệnh của từng địa phương. Điều này thể hiện trách nhiệm và sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành Bộ GD-ĐT. Với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các địa phương, Kỳ thi được tổ chức thành công, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, hiệu quả, khách quan, công bằng, minh bạch và nghiêm túc, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi

Năm nay, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Thời điểm năm 2015 là 32/63 tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập. Đồng thời, chất lượng giáo dục tiểu học, trung học cơ sở được duy trì và nâng cao. Là nước thuộc nhóm có thu nhập trung bình thấp, nhiều khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, giao thông cách trở nên việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã thể hiện nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị trong việc chăm sóc, giáo dục cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu đời, tạo tiền đề quan trọng để các em bước vào các bậc học tiếp theo. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thành công này phần lớn nhờ vào chính sách đầu tư mục tiêu cho giáo dục mầm non của Chính phủ Việt Nam.

Đưa vào triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới

Trong năm học vừa qua, chương trình giáo dục phổ thông mới đã được ban hành và toàn ngành  tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai theo lộ trình Quốc hội quy định. Lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách bài bản, theo một quy trình chặt chẽ, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học. Chương trình mới được xây dựng theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh đã khắc phục được những hạn chế của chương trình tiếp cận nội dung như hiện hành.

Bộ GD-ĐT đã phê duyệt cho phép sử dụng 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 do các nhà xuất bản biên soạn, đánh dấu thành công bước đầu của chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nhằm cởi trói cho sự sáng tạo trong dạy và học của các nhà trường. Bên cạnh đó, chính sách này cũng phá bỏ việc độc quyền biên soạn và phát hành, tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Việc lựa chọn sách giáo khoa cũng được các địa phương thực hiện cơ bản nghiêm túc, công khai, minh bạch. Đây là tiền đề, đồng thời là một bước tiến quan trọng trong đổi mới dạy và học ở bậc phổ thông.

Giảm áp lực thành tích

Một kết quả đáng ghi nhận của ngành giáo dục là thời gian qua, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều mô hình giáo dục, nhiều phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn… giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng và hiệu quả hơn trước đây. Khả năng tự học của học sinh đang từng bước được cải thiện, áp lực thành tích đã giảm đi. Trong các đợt đánh giá PISA, Việt Nam có kết quả vượt trội so với trung bình của các nước trong khối OECD. Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua có bước tiến bộ vượt bậc với 49 huy chương vàng trong giai đoạn 2016-2020, nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi, trong đó phần thi thực hành có sự cải thiện đáng kể.

Đẩy mạnh tự chủ đại học

Tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học. Ban đầu chỉ có hai đại học quốc gia được giao quyền tự chủ cao, thì từ năm 2014 đã có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Mô hình quản trị đại học đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong mọi mặt hoạt động.

Cùng với hai đại học quốc gia, hầu hết các trường thí điểm tự chủ đã có bứt phá mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Lần đầu tiên, nước ta có bốn cơ sở giáo dục đại học lọt vào xếp hạng 1.000 đại học thế giới; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đứng trong tốp 500 thế giới.

Từ những thành công này, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tổng kết, thể chế hóa thông qua việc trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2019 và Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ hướng dẫn triển khai một số điều của Luật để tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học trong thời gian tới.