Bước vào năm 2022, những lợi thế từ việc tối ưu chi phí và tính bền vững tiếp tục cho thấy hiệu quả của sự thay đổi và chuyển dịch cơ cấu của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang ở trong thế khó khi chịu tác động kép từ việc giá đầu ra vẫn chưa thoát khỏi đà giảm và chi phí thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mạnh.
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thi nhau tăng vọt
Ngô và đậu tương là 2 loại nông sản chính được Việt Nam nhập khẩu với khối lượng rất lớn hằng năm, và sử dụng phần lớn trong việc sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do phụ thuộc vào nguồn cung quốc tế nên biến động giá nông sản thế giới sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí và lợi nhuận của ngành.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/2, giá hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 5 được giao dịch liên thông với thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã tăng rất mạnh tới 3,13% lên mức 675 cents/giạ (231 USD/tấn). Giá đậu tương cũng nhảy vọt lên gần 2% và đạt mức 1635 cents/giạ (231 USD/tấn).
Tần suất diễn ra các phiên với mức tăng mạnh đang ngày càng rõ nét, đặc biệt là trong giai đoạn kể từ cuối tháng 12 năm ngoái cho tới nay. Mối quan hệ mật thiết đối với ngành chăn nuôi thể hiện ngay ở giá thành sản xuất thức ăn. Đầu tuần này, các doanh nghiệp lớn ở trong ngành như C.P, Cargill, Japfa Comfeed,… đã đồng loạt tăng giá bán thức ăn chăn nuôi trong tháng 2/2022.
Triển vọng chi phí sản xuất vẫn sẽ tiếp tục tăng
Thời tiết chính là nguyên nhân đã khiến cho giá các mặt hàng nông sản có xu hướng lập đỉnh trở lại vào đầu năm nay. Tại Argentina và Brazil, 2 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn cho thế giới, bao gồm cả Việt Nam, mùa vụ ngô và đậu tương đang bị thiệt hại nặng nề do hạn hán kéo dài trong suốt thời gian vừa qua.
Các hãng tin và tổ chức nông nghiệp lớn trên thế giới đã cắt giảm sản lượng ở Nam Mỹ niên vụ 2021/22. Tuy nhiên, tình hình vẫn không khả quan hơn khi mới đây, Sở Giao dịch ngũ cốc Rosario vừa cảnh báo năng suất đậu tương ở một số khu vực sản xuất chính của Argentina có thể sẽ giảm xuống mức thấp hơn mùa vụ 2017/18, nếu như khô hạn vẫn tiếp tục kéo dài.
Với 2 năm liên tiếp chịu tác động của mô hình La Nina, cây trồng có thể sẽ bị thiệt hại do dự báo sẽ không có mưa lớn xuất hiện cho đến tháng 3 trong khi hiện tại đang là giai đoạn phát triển quan trọng của cây trồng.
Bên cạnh đó, thị trường phân bón trên thế giới cũng đang “nóng” không kém và tạo sức ép lên người nông dân. Với giá nông sản toàn cầu tăng ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, thì chi phí phân bón tăng sẽ càng khiến cho ngành chăn nuôi khó chồng thêm khó.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, các quốc gia xuất khẩu phân bón lớn như Nga và Trung Quốc cũng đang áp dụng các chính sách hạn chế xuất khẩu để bảo đảm nguồn cung nội địa. Trước tình hình đó, nông dân Mỹ có thể sẽ gặp hạn chế khi đẩy mạnh việc mở rộng gieo trồng cho mùa vụ sắp tới, và khiến cho lo ngại về nguồn cung thắt chặt vẫn duy trì. Diễn đàn Nông nghiệp 2022 do Bộ nông nghiệp Mỹ tổ chức vào ngày 24/2 sắp tới sẽ cung cấp những số liệu đầu tiên về triển vọng cung-cầu nông sản, và mang lại những thông tin ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi toàn cầu.
Các doanh nghiệp chăn nuôi đang tiếp tục thay đổi và thích nghi
Hai năm khó khăn liên tiếp không chỉ tạo ra những thách thức mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp chăn nuôi đổi mới và chuyển mình để thích nghi với những khó khăn tiếp theo. Bên cạnh những chính sách và thể chế hỗ trợ, thì những thay đổi của chính doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định giúp khẳng định lại vị thế trên thị trường.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, hiện nay các vấn đề trong chuỗi sản xuất đang được một số doanh nghiệp vận dụng kết hợp rất hiệu quả với bài toán tài chính khi sử dụng công cụ phòng hộ giá bằng hợp đồng tương lai. Đây cũng sẽ có thể trở thành nút thắt quan trọng cho ngành chăn nuôi trong bối cảnh chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trên thế giới dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022.