- Mẹ ơi, các anh chị “sao đỏ” làm nhiệm vụ thay cả cô giáo hả mẹ?
- Sao con lại hỏi như vậy?
- Ngày nào con cũng thấy các anh chị đứng dàn hàng ngang chắn hết lối vào hành lang các lớp để hỏi han, ghi sổ xong còn “bắt bẻ” các bạn, con toàn phải vòng đi đường khác, sợ lắm mẹ ạ.
- Như vậy là không đúng nhiệm vụ và chức năng. Nhiệm vụ của “sao đỏ” là giúp cô giáo theo dõi, quan sát hoạt động, nền nếp, ý thức chấp hành các quy định của học sinh, chị Tú trả lời.
Thực tế cho thấy, đội ngũ “sao đỏ” ở một số trường học hiện nay trở thành nỗi “ám ảnh” của không ít học sinh. Sau khi được giao nhiệm vụ, đội ngũ này trở nên “hạch sách”, “ra oai” và lạm quyền. Chưa kể các em còn trong độ tuổi học sinh nên không thể tránh được sự thiên vị giữa học sinh này với học sinh kia. Để hạn chế được những biến tướng của đội “sao đỏ”, nhà trường, giáo viên cần chấn chỉnh nghiêm túc, định hướng cách làm đúng như nhắc nhở, nắm bắt, phản ánh lại với giáo viên nếu có việc xảy ra. Cần để học sinh được sống vô tư, hồn nhiên đúng lứa tuổi. Có như vậy, môi trường giáo dục mới an toàn, lành mạnh, thân thiện, không xảy ra tình trạng bạo lực học đường.