Ngăn chặn lượng lớn kem đánh răng giả, nước hoa không chứng từ

NDO -

Ngày 25-6, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội vừa ngăn chặn kịp thời lượng lớn kem đánh răng giả mạo nhãn hiệu Ngọc Châu, chuẩn bị được đưa ra thị trường tiêu thụ.

Hàng hóa tại hiện trường thời điểm Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra.
Hàng hóa tại hiện trường thời điểm Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra.

Trước đó, ngày 17-6, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Hà Nội) nhận được văn bản số 102/HL của Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh đề nghị kiểm tra và xử lý đơn vị đang trưng bày, bán sản phẩm “Kem đánh răng Dược liệu Ngọc Châu” có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, không phải là hàng chính hãng.

Nhận được tin báo, Đội QLTT số 1 đã tiến hành giám sát, thẩm tra xác minh và phát hiện nhà thuốc bán lẻ và nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đang bán hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Ngọc Châu. “Số hàng hóa này được tiêu thụ trên các kênh bán buôn, bán lẻ thông qua hoạt động kinh doanh truyền thống và kinh doanh online, qua gian hàng “Tổng kho gia dụng giá rẻ - Phan Thảo” trên sàn thương mại điện tử Lazada”, Đội trưởng Đội QLTT số 1 thông tin.

Để bảo đảm ngăn chặn ngay hành vi vi phạm nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng cũng như sự nghiêm minh của pháp luật, chiều 24-6, Đội QLTT số 1 đã kiểm tra đồng loạt Trung tâm dược phẩm Hapulico - số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội và một số nhà thuốc bán lẻ, cơ sở kinh doanh tại các quận huyện: Quốc Oai, Đông Anh, Cầu Giấy và Hà Đông.

Kết quả kiểm tra, Đội QLTT số 1 phát hiện tổng số 1.663 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu. Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh xác nhận toàn bộ số hàng bị Đội QLTT số 1 thu giữ là hàng giả mạo nhãn hiệu Ngọc Châu.

Đội trưởng Đội QLTT số 1- Hoàng Đại Nghĩa nhấn mạnh, hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động do không tiêu thụ được hàng hóa, trong đó có lý do hàng hóa bị làm giả.
Đặc biệt, nhiều hàng hóa có dấu hiệu là hàng giả của các doanh nghiệp Việt Nam được sản xuất tại nước ngoài, thông qua các đường vận chuyển đưa vào tiêu thụ trong nước làm ảnh hưởng đến không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến chủ trương chung của Nhà nước đối với chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

* Cũng theo Tổng cục Quản lý thị trường, trưa 24-6, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với Công an phường Hàng Bồ đột xuất kiểm tra Cửa hàng kinh doanh JENNIFER NHU LUXURY có tại địa chỉ 91 Hàng Gà, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm. Đây được coi là một trong những điểm phân phối sản phẩm nước hoa lớn trên thị trường Hà Nội.

Ngăn chặn lượng lớn kem đánh răng giả, nước hoa không chứng từ -0
 

Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa. Đồng thời, có hành vi không hợp tác với Đoàn kiểm tra trong quá trình kiểm tra hàng hóa. Sau khi xin lệnh và được đồng ý trong việc khám xét, Đoàn kiểm tra phát hiện tại tầng 2 của căn nhà chứa một lượng lớn sản phẩm nước hoa mang các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Dolce & Gabbana, Good Girl...

Sau 12 giờ đồng hồ phân loại, kiểm đếm dưới sự chứng kiến của chủ cửa hàng và các thành phần trong đoàn công tác, Đội Quản lý thị trường số 14 đã tiến hành các thủ tục tạm giữ 4.250 sản phẩm nước hoa các loại Gucci, Chanel, Dior do nước ngoài sản xuất để bảo quản, phục vụ quá trình xác minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Theo ông Lê Việt Phương, Đội trưởng Đội QLTT số 14, ngày 25-6, Đội sẽ làm việc với đại diện chủ thể quyền các hãng Chanel, Dior, Gucci... để xác định dấu hiệu thật, giả của hàng hóa bị tạm giữ.

"Nếu đó là hàng hóa thật chúng tôi sẽ xử lý theo hình thức hàng nhập lậu. Còn đó là hàng giả, chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an đề nghị khởi tố" ông Phương khẳng định.
Theo niêm yết, lô hàng ước tính có giá trị hàng tỷ đồng.