Tháng 10/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội) mức án tử hình về tội giết người, 4 năm tù về tội cố ý gây thương tích, tổng hợp hình phạt là tử hình và buộc bị cáo bồi thường cho gia đình bị hại gần 470 triệu đồng.
Huyên là người có hành vi hành hạ, đóng 10 chiếc đinh vào đầu bé Đ.N.A. (3 tuổi), con gái chị Nguyễn Thị L. (27 tuổi, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội) - người tình đang chung sống với Huyên.
Gần đây nhất, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái, là cha ruột trong vụ án bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong xảy ra tại một căn hộ thuộc quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Hội đồng xét xử bác toàn bộ kháng cáo của luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo.
Đồng thời, tuyên y án sơ thẩm 8 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái về hai tội “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm”. Trước đó, đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang, khi tòa tuyên mức án tử hình, bị cáo này đã có đơn kháng cáo nhưng sau đó đã rút lại. Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp nhận yêu cầu này và đình chỉ xét xử phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo này.
Theo cáo trạng, trong thời gian sống chung với hai bố con Nguyễn Kim Trung Thái, Nguyễn Võ Quỳnh Trang đã nhiều lần đánh đập, hành hạ dã man con gái riêng của Thái...
Bị cáo Thái nhiều lần chứng kiến nhưng không có hành động can ngăn, thậm chí còn cùng Trang hành hạ con gái mình. Khi cháu bé tử vong do vết thương quá nặng, Thái còn tìm cách xóa dữ liệu camera để che đậy hành vi của mình và người tình...
Chỉ tính riêng chín tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.711 vụ xâm hại trẻ em với 1.806 trẻ em. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 1.934 vụ với 2.146 bị cáo phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi theo thủ tục sơ thẩm; giải quyết, xét xử 1.909 vụ với 2.116 bị cáo.
Thực tế cho thấy các vụ bạo hành trẻ em ngày càng phức tạp, gia tăng mức độ nghiêm trọng; nạn nhân bị xâm hại ngày càng trẻ, báo động sự xuống cấp về đạo đức của không ít cá nhân, gây bức xúc xã hội.
Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về trẻ em và phụ nữ năm 2020-2021 chỉ ra, hơn 72% số trẻ em trong độ tuổi từ 10-14 từng bị kỷ luật bạo lực; trong đó có 39% số trẻ em bị bạo lực tinh thần, 47% số trẻ em bị xâm hại thể chất. Hậu quả mà các em phải gánh chịu sẽ cần phải rất lâu mới có thể khắc phục được.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình, trước hết phải kể đến nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và còn bị xem nhẹ. Tình trạng nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật... cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị bạo lực...
Bên cạnh đó, pháp luật về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống, chưa có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng; chưa có quy định đặc biệt trong trường hợp nhận tố giác từ trẻ em. Môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo hành trẻ em.
Theo bà Lê Hồng Thái, Trưởng phòng Trẻ em-Bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh), để phòng ngừa có hiệu quả các hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ em, cần không ngừng nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường và cộng đồng. Chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em: Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự... phù hợp từng giai đoạn.
Chính quyền địa phương cần quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho trẻ em, xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, phù hợp với trẻ em. Thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường, giáo dục kỹ năng cho trẻ em và phát huy vai trò của công tác Đoàn, Đội; nhà trường, gia đình phải gắn kết thường xuyên hơn, lắng nghe trẻ em nói để nắm bắt nhu cầu và tâm lý của trẻ.
Vai trò của gia đình có tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách, do đó cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo. Cộng đồng cần tích cực tham gia bảo vệ trẻ em, không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
Tiếp tục củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ Trung ương đến cơ sở và hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em ở các cấp; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các tổ chức trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức, cần xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là xâm hại trẻ em.
Thi thoảng đọc thông tin về các vụ bạo hành và xâm hại trẻ em, tôi cảm thấy vô cùng bất an; bởi hai đứa con tôi, một bé trai học lớp 5 rất hiếu động, một bé gái học lớp 8 đang ở giai đoạn phát triển tâm sinh lý, ngoài thời gian ở nhà thì khi ra đường, nguy cơ bị xâm hại, bạo hành có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Vợ chồng tôi phải đi làm, không thể ở bên con suốt cả ngày nên khi ra ngoài xã hội luôn cảm thấy rất lo lắng. Mong sao tất cả các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em phải được xử lý thật nghiêm minh trước pháp luật.
NGUYỄN PHƯƠNG LINH (Quận Long Biên, thành phố Hà Nội)
Để xử lý hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em về tinh thần hoặc gây thương tích, các cơ quan có thẩm quyền căn cứ Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của luật; Nghị định số 144/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em…
Nếu hành vi bạo hành trẻ em chưa đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ vào các nghị định liên quan để xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường bằng tiền cho cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ em để bù đắp những tổn thất vật chất và tổn thất tinh thần.
Luật sư TRƯƠNG THANH TUẤN (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)