Nga và phương Tây gia tăng trừng phạt lẫn nhau

Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga và luật hóa lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Đạo luật cũng áp dụng đối với nước láng giềng của Nga là Belarus và cho phép Tổng thống Mỹ tăng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Nga.

Chính phủ Mỹ đã cấm hoạt động nhập khẩu đối với Hãng hàng không Aeroflot (Nga). (Ảnh minh họa)
Chính phủ Mỹ đã cấm hoạt động nhập khẩu đối với Hãng hàng không Aeroflot (Nga). (Ảnh minh họa)

Bộ Thương mại Mỹ cho biết, Chính phủ Mỹ đã cấm hoạt động nhập khẩu đối với ba hãng hàng không Nga gồm Aeroflot, Azur Air và Utair. Bộ trưởng Thương mại Mỹ nhấn mạnh, Mỹ không chỉ đang loại bỏ khả năng tiếp cận các loại hàng hóa của Mỹ, mà còn cả việc tái xuất khẩu các mặt hàng có nguồn gốc Mỹ từ nước ngoài cho Nga.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ thông báo lệnh trừng phạt đối với một trong những công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới là Alrosa thuộc sở hữu nhà nước Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa công ty United Shipbuilding Corporation thuộc sở hữu nhà nước Nga vào danh sách “đen”.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga. G7 nhất trí cấm “các khoản đầu tư mới vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng”, mở rộng lệnh cấm xuất khẩu đối với một số hàng hóa và tăng cường hạn chế các ngân hàng và công ty nhà nước của Nga.

Liên minh châu Âu (EU) thông qua lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga, cũng như cấm các tàu, thuyền của Nga cập bến các cảng của EU. Gói trừng phạt này cũng có lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa trị giá 10 tỷ euro cho Nga, trong đó có các mặt hàng công nghệ cao và đóng băng tài sản của một số ngân hàng Nga. 

Ngày 8/4, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, Tokyo sẽ dần hủy bỏ việc nhập khẩu than đá từ Nga. Nhật Bản cũng thông báo sẽ trục xuất tám nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Nga ở Tokyo và các quan chức thuộc Văn phòng Đại diện thương mại của Nga.

Bộ Ngoại giao Montenegro thông báo yêu cầu trục xuất bốn nhà ngoại giao Nga, với lý do “vi phạm các tiêu chí ngoại giao”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Montenegro nêu rõ, các nhà ngoại giao Nga nói trên phải rời Montenegro trong vòng một tuần. 

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Nga đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các nhà lãnh đạo cấp cao của Australia và New Zealand để đáp trả những bước đi “không thân thiện” của hai nước này nhằm vào Moskva.  Tổng cộng, có 228 người Australia và 130 cá nhân là các quan chức cấp cao và nghị sĩ của New Zealand có tên trong danh sách trừng phạt của Nga.

Trong khi đó, Ireland cho biết, hai nhà ngoại giao của Ireland ở Moskva đã bị yêu cầu rời khỏi Nga, chỉ hơn một tuần sau khi Dublin trục xuất bốn nhân viên ngoại giao Nga bị cáo buộc hoạt động gián điệp.