Các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn ở Viễn Đông, như xây dựng tuyến đường sắt phía Đông, phát triển tuyến đường biển phía bắc, xây dựng cảng biển hay nhà máy công nghiệp, đều có một vấn đề chung. Để các dự án đạt hiệu quả cao, giới chuyên gia nhận định, Nga cần tích cực thu hút lao động, chuyên gia, nhà quản lý đến Viễn Đông.
Chiếm khoảng 41% diện tích đất nước, song vùng Viễn Đông của Nga chỉ có khoảng 5,56% dân số cả nước (8,1 triệu người). Trong 3 năm qua, dân số tại Viễn Đông giảm gần 100 nghìn người. Nguyên nhân chủ yếu do di cư.
Thực tế, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã giúp giảm đáng kể lượng người di cư khỏi vùng Viễn Đông Nga. Năm 2020, chỉ chưa đến 20 nghìn người chọn rời đi. Tỷ lệ sinh trong khu vực cũng vượt mức trung bình ở Nga, đạt 1,7 trẻ em mỗi gia đình năm 2020, cao hơn mức 1,5 trung bình cả nước.
Dù vậy, Tổng thống Nga V.Putin nhấn mạnh, dòng di cư tiếp tục rời khỏi Viễn Đông cho thấy hiện vẫn chưa có đủ các biện pháp hỗ trợ cho khu vực này. Còn tăng dân số trong vùng, đó phải là nhiệm vụ mang tính lịch sử.
Các chương trình cơ bản để hỗ trợ người dân trong khu vực được biết đến từ lâu. Kể từ năm 2019, Viễn Đông triển khai chương trình thế chấp đặc biệt lãi suất thấp để mua nhà, áp dụng cho các gia đình trẻ và những người xây nhà riêng, gồm cả trên lô đất thuộc chương trình "Hecta đất Viễn Đông".
Nhiều người đăng ký nhận đất miễn phí từ chương trình "Hecta đất Viễn Đông" thừa nhận còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng và thiếu kết nối với quan chức địa phương. Nhưng họ không có kế hoạch bỏ đi. Natalya Bugaets, một người tham gia chương trình cho biết, một người có đất, cơ sở vật chất kỹ thuật và được nhà nước hỗ trợ, sẽ không bao giờ rời bỏ Viễn Đông.
EEF 2021 đã giới thiệu các dự án quy mô lớn xây dựng nhà ở tại các thành phố lớn vùng Viễn Đông, như "khu phố Viễn Đông" 260 nghìn m2 tại Yakutia, 800 nghìn m2 tại vùng Amur. Còn riêng TP Vladivostok, dự án thành phố Sputnik cho 300 nghìn dân đang tạo sức hút lớn.
EEF 2021 vừa diễn ra tại TP Vladivostok (LB Nga) chỉ ra, để thu hút nhân lực, khu vực cần tiếp tục các công cụ đã có. Chính phủ đã quyết định xem xét khả năng mở rộng các khoản thế chấp ưu đãi cho các đối tượng khác. Bên cạnh đó, việc tổ chức các sự kiện quan trọng trong khu vực cũng được chú trọng, nhằm quảng bá rộng rãi những ưu thế của vùng.
EEF 2021 cũng ghi nhận nỗ lực tích cực của ban tổ chức tìm kiếm giải pháp thu hút người trẻ đến Viễn Đông. Diễn đàn thanh niên được tổ chức. Hàng loạt phiên thảo luận về khởi nghiệp. Một số đại biểu nhấn mạnh, không nên tư duy theo hướng tìm cách để người dân không rời đi, mà phải tập trung giải pháp khiến lao động muốn đến Viễn Đông sinh sống, làm việc.
Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực, ông Alexey Chekunkov khẳng định, Viễn Đông hiện mang đến cho người trẻ những cơ hội độc đáo. Ông kêu gọi thanh niên đăng ký tham gia các chương trình đào tạo nhân viên quản lý, với nhiệm vụ đến năm 2026 có thêm hàng trăm nhà lãnh đạo cấp thành phố, khu vực và liên bang.
Đối với sinh viên, thanh niên, Đại học liên bang Viễn Đông cung cấp nhiều cơ hội mới. Các khóa học online được tổ chức cho các ứng viên từ các vùng Viễn Đông. Chính quyền cũng tham gia thu hút người học hòa nhập gần hơn đời sống người dân trong vùng.
Dù vậy, trong việc thu hút giới trẻ, các đại biểu cho rằng, khu vực này cần tích cực hơn nữa. Người đứng đầu Trung tâm Sáng kiến thanh niên thuộc Cơ quan Sáng kiến chiến lược, ông Alexander Vaino khẳng định, định hướng nghề nghiệp cho người trẻ nên bắt đầu ngay từ mẫu giáo.
Là cửa ngõ liên kết Nga với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sở hữu tài nguyên thiên nhiên phong phú, khu liên bang Viễn Đông của Nga được đánh giá có đầy tiềm năng phát triển lớn mạnh. Tiếp tục nhận các khoản đầu tư lớn và triển khai nhiều chính sách nâng cấp đời sống người dân, Viễn Đông đang hướng đến "hình ảnh mới" thu hút đông đảo nhân lực. Một trong những tiêu chí hàng đầu đánh giá mức độ thành công của các chiến dịch "làm mới Viễn Đông", chính là quy mô dân số thời gian tới.