Ngoại trưởng Lavrov nói: "Chúng tôi luôn mong muốn làm việc với Mỹ ở tất cả các cấp. Chúng tôi không thấy bất kỳ trở ngại nào ở đây, nếu phía Mỹ cũng thể hiện mong muốn tổ chức các cuộc gặp làm việc như vậy". Ngoại trưởng Lavrov cũng lưu ý rằng: "Liên bang Nga không mong muốn quan hệ giữa Moscow và Washington được coi như một kiểu "phụ gia" thêm vào chiến dịch bầu cử tại Mỹ".
Đề cập vấn đề ổn định chiến lược, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, Moscow luôn sẵn sàng cho tình huống xấu, nếu như mọi thỏa thuận về kiểm soát vũ khí với Mỹ bị hủy hoại, mà nguyên nhân là do chính sách của Mỹ không muốn tiếp tục duy trì các thỏa thuận mang tính nền tảng này. Tuy nhiên, Nga cũng luôn sẵn sàng tiếp tục các cuộc tiếp xúc với Mỹ về mọi vấn đề ổn định chiến lược. Có thể thấy, Nga đã mở rộng cánh cửa cho phép tổ chức các cuộc tham vấn, bàn thảo với Mỹ về các vấn đề liên quan. Nhà ngoại giao Nga đồng thời bày tỏ tin tưởng quan điểm này sẽ được cộng đồng quốc tế ủng hộ, theo đó Nga làm mọi cách, mở mọi cánh cửa cho mọi cuộc đàm phán đa phương, dựa trên tinh thần tự nguyện và sự cân bằng giữa các bên tham gia.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh Moscow hoàn toàn có khả năng bảo đảm an ninh quốc gia trong trường hợp Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (New START), mà phía Nga gọi là START-3, không được gia hạn. Tuy nhiên, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ đe dọa nền an ninh toàn cầu, Nga cũng sẵn sàng thảo luận vấn đề kiểm soát các loại vũ khí mới, không nằm trong START-3. Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng, những hành động gần đây của Mỹ cho thấy Washington dường như đã quyết định không gia hạn START-3, trước khi văn bản này hết hiệu lực vào tháng 2-2021 tới.
Đề cập Hiệp ước Bầu trời mở, Ngoại trưởng Lavrov cho biết, Nga sẽ có quyết định, sau khi đánh giá hệ lụy của việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này.
Đề cập các vấn đề kinh tế, trước hết liên quan Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Ngoại trưởng Nga Lavrov một lần nữa nhấn mạnh rằng, Moscow tin tưởng rằng nếu không có Trung Quốc, "những vấn đề nghiêm trọng trong nền kinh tế toàn cầu, vấn đề tài chính thế giới khó có thể được giải quyết một cách hiệu quả". Xuất phát từ quan điểm này, theo nhà ngoại giao Nga, có lẽ định dạng G20 sẽ phù hợp và hiệu quả hơn với xu thế và tình hình thế giới hiện nay. Ngoại trưởng Nga lưu ý rằng, G20 là một cơ chế bao gồm hoạt động trên cơ sở đồng thuận, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, cần duy trì và phát huy tính hiệu quả của định dạng này.