Ngày 16-8, Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ một nhà ngoại giao Romania bị tình nghi hoạt động gián điệp, đồng thời yêu cầu quan chức ngoại giao này rời khỏi Nga ngay lập tức. Người phát ngôn FSB cho biết nhà ngoại giao nói trên tên là Gabriel Grecu hoạt động gián điệp với danh nghĩa Bí thư thứ nhất phụ trách chính trị của Đại sứ quán Romania.
Ông Grecu bị bắt giữ tại tại tại một trung tâm thương mại ở phía Tây Moscow, khi đang tìm cách nhận thông tin bí mật về quân đội Nga từ một công dân nước này. Theo đoạn video được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng Nga, camera tại trung tâm thương mại ghi được hình một người đàn ông Nga giấu gói màu đen vào trong ngăn tủ gửi đồ, sau đó không lâu Grecu lấy gói đồ này và bị FSB bắt giữ. Giới chức Nga cũng thu giữ được một số thiết bị do thám trên người ông này.
Theo FSB, Dinu Pistolea, người tiền nhiệm của ông Grecu đã lôi kéo một công dân Nga cung cấp thông tin cho mình.Việc ấn định ngày giờ gặp gỡ giữa họ được chuyển qua email, thông qua các ký tự quy ước, thông tin được chuyển qua gói hàng đặt trong các hộc chứa đồ ở siêu thị. Khi tới Moscow thay ông Dinu và tiếp quản các đầu mối thông tin, ông Grecu đã yêu cầu công dân Nga đó cung cấp thông quân sự thay vì chỉ cung cấp thông tin chính trị công khai. Công dân Nga này đã đến khai báo với FSB và FSB quyết định ngăn chặn hành động của Grecu…
Theo thông báo của FSB, Nga đã tuyên bố ông Grecu là nhà ngoại giao “không được hoan nghênh” và buộc ông này phải rời Nga trong vòng 48 giờ. Trong một tuyên bố ngày 19-8, Chủ tịch Ủy ban quốc tế thuộc Duma quốc gia Nga Konstantin Kosachyov khẳng định ông Grecu làm gián điệp cho NATO.
Bộ Ngoại giao Romania ngay sau đó lên án việc Nga bắt giữ, trục xuất Grecu là vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận quốc tế về quan hệ ngoại giao, bày tỏ không tán thành công khai vấn đề này lên các phương tiện truyền thông. Để trả đũa, ngày 17-8, Bộ Ngoại giao Romania ra tuyên bố “không hoan nghênh” một bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Nga ở Romania, yêu cầu ông này phải rời Romania trong vòng 48 giờ.
Quan hệ giữa Nga và Romania thời gian qua trở nên lạnh nhạt do việc Romania ủng hộ chính phủ thân châu Âu tại Moldova, nước thuộc Liên Xô (trước đây) và việc Romania gia nhập NATO. Quan hệ đó căng thẳng hơn kể từ khi Bucharest đồng ý cho Washington đặt tại nước này ba khẩu đội pháo đánh chặn tên lửa, một phần trong hệ thống phòng thủ dự kiến của Mỹ ở châu Âu. Dư luận cho rằng, động thái trục xuất các nhà ngoại giao gây ồn ào mới đây có nguồn gốc sâu xa từ những vấn đề nói trên.