Nga giảm cung cấp khí đốt sang châu Âu

Tập đoàn Gazprom của Nga tiếp tục giảm nguồn cung khí đốt tới các nước Italia và Áo khi bắt đầu bảo trì đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.
0:00 / 0:00
0:00
Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức, ngày 8/3/2022. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức, ngày 8/3/2022. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Theo đó, Tập đoàn năng lượng Eni của Italia cho biết, ngày 11/7, Gazprom thông báo chỉ cung cấp cho Eni khoảng 21 triệu mét khối khí đốt, trong khi mức trung bình trong những ngày vừa qua là khoảng 32 triệu mét khối/ngày. Công ty dầu khí OMV của Áo cũng cho biết, lượng khí đốt nhận được từ Gazprom đã giảm 70%.

Trong khi đó, cùng ngày 11/7, đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức đã dừng vận hành để bảo trì, dự kiến trong 10 ngày. Nhà điều hành hệ thống đường ống cho biết, việc bảo trì được thực hiện định kỳ hằng năm. Trong quá trình bảo trì, tất cả hệ thống an toàn, cung cấp điện, phòng cháy, chữa cháy, các van đóng ngắt sẽ được kiểm tra và sửa chữa nếu cần thiết.

Trước đó, Canada đã “bật đèn xanh” cho việc vận chuyển các tua-bin khí sau thời gian bảo trì. Khẳng định, quyết định của Canada là “bước đầu tiên cần thiết và quan trọng” để đưa tua-bin về Đức, Tập đoàn Siemens cho biết, đang nỗ lực nhanh chóng lắp đặt thiết bị này để có thể sớm đưa khí đốt từ Nga tới Đức. Chính phủ Đức cũng ra tuyên bố hoan nghênh quyết định của Canada.

Đức và một số nước châu Âu bày tỏ lo ngại Nga có thể kéo dài thời gian bảo trì để hạn chế nguồn cung khí đốt cho khu vực. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Đ.Pê-xcốp) bác bỏ cáo buộc cho rằng Nga đang sử dụng dầu thô và khí đốt để gây sức ép chính trị. Phía Nga khẳng định, việc tạm dừng vận hành là công việc định kỳ đã được lên kế hoạch từ trước.

Pháp tiếp tục cảnh báo nguy cơ Nga cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt sang châu Âu. Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire (B.Lơ Me) kêu gọi các doanh nghiệp Pháp chuẩn bị sẵn sàng để đối phó tình huống nêu trên. Hiện các nước Liên minh châu Âu (EU) đã phải khai thác lượng khí đốt dự trữ cho mùa đông và một số nước đang cân nhắc việc quay trở lại sản xuất than.